100 NĂM NGÀY SINH HỌA SĨ DƯƠNG BÍCH LIÊN: NHỚ VỀ MỘT TÀI NĂNG LẶNG THẦM CỐNG HIẾN

Nội dung chính

Dương Bích Liên (1924-1988) là một tài năng thầm lặng của mỹ thuật nước nhà. Ông bằng những sáng tác bình dị rất riêng của mình đã cùng các họa sĩ Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái tạo lập nên nhóm tứ kiệt quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924 tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống nho học. Ngay từ khi còn là một cậu thanh niên trẻ tuổi, ông đã bộc lộ năng khiếu hội họa và niềm đam mê vẽ tranh cháy bỏng. Đến năm 1944, ông thi đậu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và trở thành chàng sinh viên khóa cuối của ngôi trường này. Từ đây, mỹ thuật Việt Nam đã dần đón nhận thêm một tài năng xán lạn.

Hình 1: Danh họa Dương Bích Liên (1924 – 1988)

 

Trong suốt thời kỳ chống Pháp của dân tộc (1946 – 1954), nhiều tri thức, văn nghệ sĩ tham gia hoạt động kháng chiến và Dương Bích Liên cũng hòa theo dòng chảy sục sôi ấy. Ông hoạt động ở đoàn kịch của Phạm Văn Khoa, tham gia đoàn văn công của Nguyễn Xuân Khoát và vào đoàn văn hóa kháng chiến cùng các văn nghệ sĩ Tô Ngọc Vân, Thế Lữ,… sản xuất báo Vệ Quốc Đoàn. Ông cũng là một trong số họa sĩ được lên Việt Bắc vẽ Bác Hồ mùa xuân năm 1952. Một trong số tác phẩm vẽ về Bác của ông – “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” đã được công nhận là “Bảo vật quốc gia” năm 2017. Ngoài ra, một số bức họa mang tính tả thực đời sống kháng chiến và xây dựng tổ quốc của ông kể đến như “Thiếu nhi đi khai hoang”, “Đi học đêm”, “Hành quân đêm”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Chiều vàng”, “Ngày mùa”, “Hào”,… cũng để lại nhiều tiếng vang trong giới mộ điệu nước nhà.

Hình 2: Tác phẩm sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” (1980). Bảo vật Quốc gia, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Nghệ thuật của Dương Bích Liên là tâm thức một người đa cảm. Ông góp một ánh nhìn mới vào đời sống mỹ thuật nước nhà bằng bút pháp tả thực – lãng mạn và cân đối hài hòa giữa trực giác Tây phương với nội giới nhạy cảm của cội nguồn Việt. Qua nhiều nghiên cứu, ông thể nghiệm trên đa chất liệu từ chì than, sơn dầu cho đến sơn mài để rồi gắn tên tuổi mình với những tác phẩm chân dung giàu cảm xúc, đặc biệt là chân dung thiếu nữ.

Hình 3: Tác phẩm được Dương Bích Liên vẽ bằng chất liệu chì và sáp màu trên giấy, khắc họa chân dung con dâu họa sĩ Nguyễn Dung năm 1977.

Trong địa hạt này của mỹ thuật nước nhà từ bao lâu nay ông vẫn là người lĩnh xướng và được biết đến nhiều nhất. Chân dung thiếu nữ do ông vẽ là kết tinh của lý tưởng và thẩm mỹ về những người bạn, người thân ông chắt lọc từ đời sống thường nhật. Đó là thứ ánh sáng dung dị đến từ cảm hứng thuần khiết, có được ở một tâm hồn nhạy cảm và miệt mài lao động nghệ thuật.

Hình 4: Tác phẩm sơn dầu Dương Bích Liên vẽ “Chân dung cô Linh Cầm”

Hình 5: Tác phẩm sơn dầu Dương Bích Liên vẽ “Cô Mai”

Họa sĩ Dương Bích Liên từ giã cõi trần năm 1988 song thế giới nghệ thuật của ông vẫn còn ở lại cùng năm tháng. Ông từng nói: “đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế tôi xin thu mình nhỏ lại” nhưng dẫu cô đơn là vậy, hội họa Dương Bích Liên vẫn mang tinh thần của một ngọn sáng rất riêng và luôn chảy trong đó những tình cảm chân thành. Với những cống hiến của ông cho nền nghệ thuật nước nhà, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II vào năm 2000.

 

Lê Quang