ĐỖ ĐÌNH HIỆP – PHONG CẢNH

Nội dung chính

Họa sĩ Đỗ Đình Hiệp (1914 – 1972) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1937. Năm 1932 ông thị đậu vào trường và học khoa hội họa cùng các họa sĩ Lương Xuân Nhị, Nguyễn Văn Thâu, Nguyễn Văn Thiện, Nguyễn Văn Khanh, Tôn Thất Đào, Lê Yến (trong một số tài liệu có đề cập là Lê Yên) và Nguyễn Thị Nhung. Ông nhận được học bổng của chính phủ Pháp theo học tại Paris năm 1963 – 1964 và từng giữ chức hiệu trưởng trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Sài Gòn từ 1966 đến 1972.

“Phong cảnh” – Đỗ Đình Hiệp, Sơn dầu trên bảng gỗ, kích thước 50 x 60 cm.

 

Đỗ Đình Hiệp là người giỏi về hình. Ông vẽ từ phong cảnh tới người đều chỉn chu trong từng nét bút. Bức vẽ sơn dầu về chủ đề phong cảnh này của ông là hiện thân của nhiều giờ quan sát và đặc tả nội dung xoay quanh kiến trúc nhà gỗ trạm trổ, lợp ngói, hoành phi, trên mái có điêu khắc lưỡng long chầu nguyệt. Được vẽ vào năm 1953, dựa theo hệ thống hình ảnh mang tính đặc trưng, rất có thể đây là một công trình kiến trúc truyền thống mang tính thờ cúng như lăng tẩm hoặc điện thờ nhân vật quan trọng hoặc cung điện vua triều Nguyễn.

Trong tranh, họa sĩ chọn một bảng màu hiện thực để ghi chép lại cảnh quan trước mắt nhưng không vì thế mà bỏ qua các chi tiết lãng mạn như góc sân có nắng chiếu vào khắp các chậu cây hay khoảng trời một ngày nhiều mây. Thêm vào đó, cách chọn góc quan sát và mô tả cảnh vật của Đỗ Đình Hiệp trong tác phẩm này khá thú vị. Trên khổ vẽ nhỏ, cách ông đặt điểm nhìn từ gian chính nhìn ra góc sân, bao quát hình ảnh cả tầm thấp lẫn tầm cao, tiến ra phía cổng ra vào đã gợi ra cho người xem một mường tượng rõ ràng về không gian. Tác phẩm mang nét điển hình của việc kết hợp những kỹ thuật hội họa hàn lâm từ Âu châu với tinh thần với văn minh châu Á và nằm trong số ít tác phẩm Đỗ Đình Hiệp để lại cho hậu thế.

Khánh Linh