Tiếp nối giá trị nghệ thuật truyền thống là những câu chuyện kể rất đời và chân thực về các hoạ sĩ qua chuỗi sự kiện ý nghĩa tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, những thành tựu nghệ thuật để lại là kho tàng kiến thức vô giá giúp thế hệ tương lai có thể sưu tập tác phẩm nghệ thuật và tri ân tưởng nhớ tới các danh hoạ với sự biết ơn thành kính sâu sắc…
Trong dòng sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức sự kiện Art Talk số đặc biệt về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm – “Người kết nối giá trị thẩm mỹ truyền thống và đương đại”.
Sự kiện “Art Talk” với khách mời danh dự là diễn giả: họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và họa sĩ Đặng Thị Khuê – nguyên Ủy viên Ban Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam. Những chia sẻ và những câu chuyện về các danh hoạ cùng thời, những dấu ấn của những cây đại thụ như anh linh tiếp nối mà lan toả tới công chúng yêu nghệ thuật, như là tiếng lòng dội về, những tấm ảnh chụp, những bức họa hiện hữu hôm nay, lối mở như ấn chứng mang đến buổi đàm thoại nghệ thuật sự rung cảm tận thấu mọi góc nhìn
Lòng ái mộ tài năng danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm một “tứ trụ huyền thoại” trong dòng nghệ thuật lịch sử Việt Nam, họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ: “Mỹ thuật đương đại đang ở trong thời khắc chuyển giao của thế kỷ và giá trị nghệ thuật chính ở nơi đây”. Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam minh chứng lịch sử cho các sự kiện triển lãm của các danh họa cách đây trên 40 năm để nhắc nhớ về và tiếp thêm dòng cảm xúc về danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm cây đại thụ nghệ thuật có tâm trong các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Những tư liệu hình ảnh về người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, cách thức đào tạo, các bức họa và một số tư liệu về kiến trúc đình chùa cổ Việt Nam xưa, hình họa chạm khắc cũng như các tấm ảnh về những danh họa cùng thời được họa sĩ Đặng Thị Khuê cung cấp rất chi tiết, như được vỡ oà trong biển kiến thức vô giá về giá trị mỹ thuật là di sản từ quá khứ và là cái nôi nuôi dưỡng ý trí lòng tự tôn mà cần phát huy giữ gìn và chảy trong huyết mạch của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm về bản thể gốc nguồn cội dân tộc thông qua bút vẽ mà truyền thống mỹ thuật mãi lưu truyền.
Tiếp dẫn câu chuyện lịch sử về danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm – Họa sĩ Lương Xuân Đoàn xúc động chia sẻ: Cống hiến cả một đời cho nền mỹ thuật, tại căn nhà nhỏ tầng 3, số 65 Nguyễn Thái Học, như có một niềm tin thúc đẩy âm thầm nét bút thả theo dòng suy tưởng rất bình dị, thời khắc của cảm xúc đã chạm, chất dân gian, nét đẹp văn hóa truyền thống xưa, mạch nguồn cứ thế chảy trên mọi chất liệu để lại cho đời giá trị nghệ thuật không thể nghĩ bàn. Cách sống như được thoát tục khỏi mọi vướng bận, hiểu được lẽ đời lúc nào cũng an nhiên thầm lặng để làm nghệ thuật. Thế hệ cùng thời vinh dự và trân trọng khâm phục tri ân đến ông, đã tiếp bước ước mơ. Thế hệ nghệ sĩ kế thừa thẳng bước tự tin với đam mê của thế hệ đi trước.
Danh hoạ Nguyễn Tư Nghiêm sống, cống hiến trở về bản ngã tự nhiên thể hiện qua các tác phẩm, sự trân thật về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Ông hiện diện hôm nay trong sự ấm áp sẻ chia, chúng ta có dịp nghe về “bộ tứ huyền thoại” của hội họa Việt Nam: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, ngắm lại những dấu tích của quá khứ của một thời mà số phận của các nghệ sĩ vẫn tồn tại theo năm tháng, những cây đại thụ trong nghệ thuật đã cống hiến cả một đời tận tụy cho lý tưởng mỹ thuật.
Chân dung về các danh họa trong cuộc đối thoại như được trở về miền ký ức vượt khỏi mọi không gian và thời gian, thật xa mà cũng thật gần. Nghệ thuật đương đại Việt Nam thông qua những dung cảm về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm của hai diễn giả là hai họa sĩ đã chia sẻ, cùng những bài viết, hình ảnh và những ấn phẩm được tổng hợp, giúp cho chúng ta có thêm căn cứ tư liệu về thành tựu trong mỹ thuật.
Nguyễn Tư Nghiêm (1922 – 2016) sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học tại Nam Đàn, Nghệ An. Ông đam mê vẽ từ khi còn nhỏ tuổi. Khi lớn ông theo anh trai ra Hà Nội để tìm họa sĩ Lê Phổ học vẽ. Ông đã học tập và nghiên cứu tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. 22 tuổi, ông đã đoạt giải nhất triển lãm của Salon Unique. Tác phẩm của ông đã gây tiếng vang với bức sơn dầu”Người gác Văn Miếu”
Sau năm 1954, Nguyễn Tư Nghiêm làm việc cho Hội Văn Nghệ Việt Nam. Ông giảng dạy tại trường Trung cấp Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội). Nguyễn Tư Nghiêm đã sáng tác một số lượng lớn các tác phẩm lớn trong khoảng 70 năm. Những tác phẩm nay là di sản của nền mỹ thuật Việt Nam.
Lê Thu Huyền