TRƯNG BÀY “NGHỆ THUẬT VIỆT NAM THẾ KỶ 20” NHÂN DỊP KỶ NIỆM 100 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG

Nội dung chính

Giới thiệu 168 tác phẩm từ nhiều danh họa quan trọng, trưng bày “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” do Le Auction House tổ chức kéo dài từ ngày 27.10 đến hết 01.11.2024 tại địa chỉ: tầng 1 Aqua Central, 44 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội.

Năm 1924, với bản đệ trình của Victor Tardieu tới toàn quyền Martial Merlin về sự cấp thiết phải mở một trường mỹ thuật tại Hà Nội, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (L’école des Beaux Arts de l’Indochine) chính thức được thành lập và bắt đầu tuyển sinh khoá 1 năm 1925. Trưng bày “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20” là nỗ lực của Le Auction House trong chuỗi sự kiện hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Sự ra đời của trường đã thúc đẩy nghệ thuật tạo hình nước ta bấy giờ bước ra khỏi giai đoạn khuyết danh và đào tạo ra các thế hệ nghệ sĩ chuyên nghiệp. Lần đầu tiên, không còn là “thợ sơn”, “thợ nề”, “thợ vẽ”, họ là họa sĩ, nhà điêu khắc, là nghệ sĩ. Từ đây, một loạt thế hệ họa sĩ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 được ghi nhận. Những tác phẩm của họ mang bản sắc dân tộc với chất liệu lụa, sơn mài Đông phương đã thu hút sự chú ý đặc biệt của giới mỹ thuật Paris kể từ những ngày đầu trường đi vào hoạt động và cho tới nay vẫn luôn hấp dẫn giới mộ điệu.

Hình 1: Lê Quốc Lộc, “Phong cảnh làng quê”, tủ gỗ sơn mài, 131.5 x 94.5 x 51.8 cm. Ký “L.Loc” dưới phải

 

Tại trưng bày “Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20”, tâm điểm dồn vào tác phẩm tủ gỗ sơn mài “Phong cảnh làng quê” của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc – sinh viên khoa sơn mài khóa 12 (1938 – 1943) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông là họa sĩ và cũng là một người thầy có công với nền sơn mài Việt Nam. Cũng chính ông cùng các tài năng khác như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Hậu, Nguyễn Đức Nùng, Huỳnh Văn Gấm,… đã tạo ra một thời kỳ cực thịnh cho sơn mài dân tộc những năm 1930, 1940 với nhiều tác phẩm công phu về phong cảnh từ miền núi tới miền biển cũng như đình chùa, miếu mạo.

Hình 2: Hai trích đoạn trong tác phẩm “Phong cảnh làng quê” của họa sĩ Lê Quốc Lộc

 

Tác phẩm “Phong cảnh làng quê” có nguồn gốc rõ ràng, ký “L.LOC” dưới phải, được đấu giá hồi hương và nằm trong bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội. Đây cũng là bức tranh đinh trong phiên đấu giá sắp tới của Lê Auction House vào ngày 02.11.2024. Cách thức sáng tác bằng sơn mài trên tủ gỗ hai cánh hoặc bình phong nhiều tấm được Lê Quốc Lộc nghiên cứu và thường xuyên thực hành trong suốt khoảng thời gian dài. Tác phẩm mô tả không khí thanh bình của ngôi làng sát bên triền núi. Một khung cảnh rộng nhìn từ trên cao, xuyên qua cành tre tới thửa ruộng bậc thang là những mái nhà lấp ló giữa những rặng cây, tựa vào thế núi trùng điệp nhấp nhô dưới khung trời vàng. “Phong cảnh làng quê” cũng cho thấy sự tỉ mỉ và tinh tế trong cách họa sĩ xử lý chất liệu. Ông chọn bảng màu truyền thống, vẽ lớn nhưng không bỏ qua việc tả kỹ những chi tiết nhỏ như từng chiếc lá cây, thửa ruộng, từng mỏm đá, mái nhà tranh. Tổng thể tranh như có tính động, được áp dụng kỹ thuật chồng nhiều lớp vẽ để tạo chiều sâu, đẩy cảm xúc từ ngoại cảnh vào tâm trí. Một số sáng tác sơn mài điển hình khác của ông như “Hội chùa” (1939), “Qua bản cũ” (1957) hiện thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, số lượng tác phẩm ông để lại cho hậu thế tương đối hiếm và được săn lùng đưa vào nhiều bộ sưu tập tư nhân quan trọng trong và ngoài nước.

Hình 3: Từ trái qua phải: Mai Trung Thứ, “Thiếu nữ đọc sách”, mực và màu trên lụa, 25 x 13 cm. Lê Phổ, “Món tráng miệng”, sơn dầu, 65 x 81 cm. Lê Thị Lựu, “Em bé trong vườn hoa”, mực và màu trên lụa, 35 x 21 cm. Vũ Cao Đàm, “Cô gái”, mực và màu trên lụa, 38 x 27 cm.

 

Các sáng tác của bộ tứ danh họa Việt trưởng thành từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và để lại nhiều tiếng vang khi định cư tại Pháp như Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu cũng được chọn lọc giới thiệu trong triển lãm. Đây đều là những tên tuổi không chỉ để lại dấu ấn riêng về nghệ thuật kết hợp hài hòa tinh thần Á Đông và Tây phương mà còn về cả sự sôi nổi trên thị trường giao dịch công khai cả trong nước và quốc tế trong suốt những năm gần đây.

Hình 4: Nguyễn Gia Trí, “Vườn xuân”, đa chất liệu trên giấy can, 57 x 77 cm

 

Thêm vào đó, trưng bày còn có sự xuất hiện của tác phẩm từ các tên tuổi lừng danh như Joseph Inguimberty, Alix Aymé, Jean Louis Paguenaud, Nguyễn Gia Trí, Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trịnh Hữu Ngọc, Trần Lưu Hậu, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Nguyễn Trọng Kiệm, Linh Chi, Trần Đông Lương,… bên cạnh các sáng tác Đương đại từ các họa sĩ Bùi Tuấn Thanh, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Đoàn Xuân Tặng,…

Hình 5:Từ trái qua phải: Joseph Inguimberty, “Con đường ở Provence”, sơn dầu trên toan, 46 x 56 cm. Jean Louis Paguenaud, “Cảnh chùa ngày xuân”, sơn dầu trên toan, 33.5 x 46 cm. Alix Aymé, “Đồ chơi”, mực và màu trên lụa, 34.5 x 17.2 cm. André Maire. “Khỏa thân bên bờ biển”, sơn dầu trên bìa cứng, 60.5 x 91 cm.

 

Đây vừa là cơ hội để công chúng được ngắm nhìn các sáng tác nổi bật theo tiến trình lịch sử của hội họa nước nhà, vừa là dịp giới mộ điệu có những nghiên cứu, phân tích và đánh giá chi tiết hơn ở góc độ sưu tập. Sâu xa hơn, vượt qua sở thích cá nhân, sưu tầm cũng chính là một cách bảo tồn và gìn giữ giá trị nghệ thuật của một thời kỳ lịch sử. Đồng thời, hành động này thúc đẩy hồi hương những tác phẩm quý hiếm, phát triển xây dựng các bảo tàng, không gian trưng bày tư nhân trong nước, góp phần nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật trong cộng đồng.

 

PHIÊN ĐẤU SỐ 03 “NGHỆ THUẬT VIỆT NAM THẾ KỶ 20”

  • Địa chỉ: Tầng 1 Aqua Central, 44 Yên Phụ, Ba Đình, Hà Nội
  • Triển lãm: 27.10 – 01.11.2024
  • Đấu giá: 17:00 ngày 02.11.2024

Đăng ký đấu giá: [email protected]

Liên hệ: Lê Quang 0979.86.86.86

Trang đấu giá trực tuyến: https://www.leauctions.vn/

 

Lê Quang