Mai Trung Thứ (1906 – 1980) hay còn được gọi là Mai Thứ sinh ngày 10.11.1906 tại tỉnh Kiến An, nay là Hải Phòng, miền Bắc Việt Nam. Cha ông là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh bấy giờ. Năm 19 tuổi, Mai Trung Thứ đỗ khóa đầu Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là một trong những học trò đầu tiên tốt nghiệp ra trường năm 1930. Sau đó, ông được bổ nhiệm trở thành giáo viên dạy vẽ tại trường Trung học Khải Định (nay là trường Quốc học Huế). Trong khoảng thời gian sinh sống tại Huế, ông đã nghiên cứu nhã nhạc cung đình và chơi độc huyền cầm, đàn nguyệt và đàn tranh. Cùng với đó, ông còn tham gia minh họa cho một số tạp chí và tham dự cuộc thi thiết kế tem bưu chính. Trong thập niên 1930, Mai Trung Thứ nhiều lần cùng các họa sĩ khác có tranh trưng bày ở nhiều nơi trên thế giới như ở Ý (Rome 1932, Milan 1934, Naples 1934), ở Bỉ (Brussels 1936), ở Mỹ (San Francisco 1937). Cùng năm 1937, ông tham gia triển lãm thuộc địa tại Paris và quyết định sinh sống tại đây cho tới hết đời.
“Mère et enfants devant le fleuve” (tạm dịch: Mẹ và các con bên bờ sông) là một tác phẩm lụa khổ lớn đặc biệt (81 x 60 cm) của Mai Trung Thứ. Tác phẩm đi kèm khung sơn mài nguyên bản được chính tay họa sĩ làm và có kích thước kèm khung lên tới 106 x 84 cm. Khung tranh lụa của Mai Trung Thứ chính là sự tỉ mỉ của họa sĩ dành cho tác phẩm của mình. Ông khắc họa hình ảnh nút thắt cát tường và chữ “phúc” – biểu tượng phổ biến trong văn hóa Á Đông mang ý nghĩa hướng đến những điều tốt đẹp.
Mai Trung Thứ (1906 – 1980) – Mẹ và các con bên bờ sông, 1975
Mực và màu trên lụa, ký, triện đỏ và đề năm bằng chữ Hán dưới phải
Kích thước: 81 x 60 cm (không gồm khung), 106 x 84 cm (bao gồm khung tranh do nghệ sĩ tự làm)
Về nội dung, “Mẹ và các con bên bờ sông” được vẽ từ điểm nhìn cao, cận tầm nhìn là cảnh bốn mẹ con quây quần ngắm phong cảnh yên bình trước mắt. Mai Trung Thứ dẫn dắt người xem vào khung cảnh trác tuyệt vừa có núi, vừa có sông, góc giữa trái có mục đồng chăn trâu, bên phải là người lao động xuôi theo dòng nước chở đồ về. Không hổ danh là họa sĩ chuyên vẽ về một Việt Nam thơ mộng, bức tranh cô đọng vẻ đẹp từ tình cảm gia đình tới nét đẹp lao động và cảnh vật trữ tình trong một bảng màu sáng. Tại đây, ông khéo léo xử lý những mảng màu rực rỡ ở tiền cảnh và những mảng màu pastel ở hậu cảnh để tạo ra một tổng thể hài hòa, tràn ngập hân hoan.
Về mặt thời điểm, tác phẩm được Mai Trung Thứ vẽ năm 1975, đây là khoảng thời gian ông thực hiện chuyến hồi hương cuối cùng về Việt Nam trước khi qua đời tại Pháp năm 1980. Trước đó cuối năm 1973 đầu năm 1974, ông đã về Việt Nam lần thứ hai cùng với nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị. Năm 1975 là năm nước ta đối mặt với nhiều biến động lịch sử, đặc biệt là sự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Rất có thể, với cảm thức tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, bức tranh với tinh thần tươi đẹp và hạnh phúc chính là tiếng lòng reo vui của người con viễn xứ.
Lê Quang