Họa sĩ Đinh Minh: Mục đồng chăn trâu bên bờ sông (1954)

Nội dung chính

Họa sĩ Đinh (Xuân) Minh, sinh năm 1917 (trong một số tư liệu là 1919), tại Hà Nội. Năm 1942 ông đỗ vào khoa hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng các họa sĩ Quang Phòng, Trần Phúc Duyên, Võ Lăng, Phan Văn Thông, Cao Xuân Hùng,… Đinh Minh là người từ khi học trong trường đã cùng nhiều văn nghệ sĩ khác năng nổ nghiên cứu các sáng tác xoay quanh thời cuộc còn đối mặt với nhiều cam go của dân tộc. Sau này, hòa bình lập lại, ông cũng hăng hái vẽ về hình ảnh xây dựng đời sống mới. Năm 1967, họa sĩ Đinh Minh nhận nhiệm vụ Phó Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội, phụ trách các làng nghề, giúp các nghệ nhân, công nhân nâng cao trình độ thẩm mỹ và sáng tạo mẫu mã mới.

 

Họa sĩ Đinh Minh
Tác phẩm: Mục đồng chăn trâu bên bờ sông (1954)
Chất liệu: Sơn mài trên vóc
Kích thước: 100 x 128 cm
Ký và đề năm dưới phải

 

Trong suốt sự nghiệp hội họa, ông được biết đến nhiều với các tác phẩm kỳ công trên chất liệu lụa và hơn cả là sơn mài trên vóc. Đặc biệt, vào năm 1943, ông có tác phẩm tham dự triển lãm Mỹ thuật mang tên Salon Unique lần thứ nhất được tổ chức ở tầm cỡ toàn cõi Đông Dương thuộc Pháp. Triển lãm này trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc và sơn mài của cả các nghệ sĩ bản địa và nghệ sĩ Pháp ở Đông Dương. Tại đây ông đã từng được cấp học bổng 500 piastre từ Toàn quyền Đông Dương Jean Découx và nằm trong số các nghệ sĩ được vinh danh cùng Tạ Tỵ, Trần Đình Thọ và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim.

 

Sáng tác sơn mài “Mục đồng chăn trâu bên bờ sông” được ông vẽ năm 1954, trong khoảng thời gian ông đã mài giũa chín muồi khả năng chế ngự sơn mài và có cho mình một xưởng họa riêng (từ khoảng thập niên 50). Bức tranh cho thấy khả năng sử dụng màu sắc rất tài tình của Đinh Minh để tạo ra được thứ ánh sáng vàng óng của một chiều hè trong khi không gian được tái hiện vô cùng thơ mộng: bóng núi phản chiếu dưới mặt sông, mái nhà tranh núp dưới tán cây xòe rộng, các chi tiết được cân chỉnh bố cục tầng tầng lớp lớp gợi ra nhiều liên tưởng. Bức vẽ bao hàm cả những nghiên cứu dày dặn của người họa sĩ trong việc lựa chọn màu sắc, trải từ lục, lá vàng cho đến cả sắc lam và ánh bạc bên cạnh việc tả kỹ từng ngọn cây, mảng da, mái nhà, đá núi,… Đây có thể được coi là một kiệt tác sơn mài vẽ ngoại cảnh nhưng vẫn phảng phất nét bình yên trong không khí dung dị nơi phố núi thôn quê.

Lê Quang