Họa sĩ Đặng Xuân Hòa: Nét vẽ trừu tượng mang hồn Việt

Nội dung chính

Họa sĩ Đặng Xuân Hòa sinh năm 1959 tại Nam Định. Ông bắt đầu tham gia hoạt động nghệ thuật từ những năm 1980. Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội năm 1983, bước sang thập niên 1990 ông đã dần khẳng định được vị thế của mình trong giới hội họa Việt Nam. Ông đồng thời là thành viên nhóm họa sĩ trẻ nổi bật lúc bấy giờ bao gồm: Đặng Xuân Hòa, Hồng Việt Dũng, Hà Trí Hiếu, Trần Lương, Phạm Quang Vinh – nhóm họa sĩ được nhà thơ Dương Tường đặt cho cái tên “The gang of five”.

Chân dung họa sĩ Đặng Xuân Hòa. Ảnh: ST

Đặng Xuân Hòa là mẫu họa sĩ thuộc trào lưu hiện đại. Dẫu vẽ biểu hình hay dấn thân vào trừu tượng, thì ông vẫn là một trong những họa sĩ được đánh giá cao về mặt nghệ thuật lẫn giá trị thương mại. Tranh của ông đã có mặt ở nhiều triển lãm nghệ thuật, các sự kiện đấu giá lớn trong và ngoài nước, điển hình như Sotheby’s, Christie’s, Bonhams New York, Hong Kong, Skinner, Marlborough, Los Angeles Modern Auctions, 33 Auction Singapore, Hindman, Chicago… Các tác phẩm của ông cũng được trưng bày và đưa vào bộ sưu tập tư nhân tại nhiều nước, được lưu giữ tại bảo tàng mỹ thuật quốc gia Việt Nam, Singapore và Malaysia.

Tác phẩm “Cuộc sống”, Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên vải, 149.5×299.5 cm.
Được đấu thành công với mức giá 667.500 HKD (tương đương khoảng 2 tỷ VND) tại Sotheby’s Hồng Kông năm 2008.

Nổi danh với cá tính sáng tạo, Đặng Xuân Hòa chọn cho mình một trường phái hội họa luôn là thách thức đối với bất kỳ họa sĩ nào: trừu tượng. Lối vẽ của ông mang đậm tính ngẫu hứng, ít cân nhắc trong việc sắp đặt bố cục và phối trí. Tuy vậy, dẫu thoạt nhìn, các tác phẩm của ông có sự hỗn độn trong sắp xếp chi tiết, thậm chí là bóp méo tạo hình, nhưng đồng thời chính sự hỗn độn ấy lại là tiền đề kết hợp với màu sắc gợi tả để tạo ra chất hồn giản dị, khắc khổ riêng biệt được Đặng Xuân Hòa mang từ ngoài đời vào trong tranh.

“Gia đình nghệ sĩ”, Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên vải, 68×67,5 cm.

Lối vẽ này của ông, như đã nói, mang âm hưởng nhiều từ chất liệu đời sống. Bước vào nghề từ những năm 1980, là thời điểm kinh tế xã hội khó khăn nhất, những dấu ấn khắc khổ luôn được ông thể hiện rõ nét trong các tác phẩm của mình. Ở mảng tranh chân dung sở trường, ông có lối vẽ vừa gợi tả cá tính, vừa gợi tả hoàn cảnh đối tượng nhân vật. Trong khi đó, với các mảng tranh khác, ông cũng thường sử dụng những mô típ quen thuộc như đồ gốm, chùa, cá, mèo, hoa, cỏ… Bằng việc thường xuyên đổi nhiều chiều trên không gian phẳng và thay đổi sắc độ màu, các bức tranh của ông luôn được họa tả một cách đa chiều.

“Vật dụng của con người ngày hè”, Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên vải, 66×77 cm.

Với tinh thần không ngừng học hỏi, tìm tòi, khám phá, Đặng Xuân Hòa luôn cố gắng cải tiến, thay đổi các nét vẽ của mình theo thời gian. Giai đoạn từ 1997 đến nay là thời điểm đánh dấu có nhiều sự đổi mới trong nét vẽ của nam họa sĩ. Xem những tác phẩm của ông trong giai đoạn này, dễ dàng thấy đó là sự đơn giản hóa đến tận cùng về đường nét lẫn màu sắc, khiến người xem đắm chìm trong cảm xúc mỹ cảm sơ khai. Người ta đồng thời cũng thấy trong tranh ông sự ảnh hưởng từ phong cách của họa sĩ trừu tượng người Thụy Sĩ – Paul Klee: “Hình họa càng thuần khiết, nghĩa là nếu chúng ta càng chú trọng đến dạng thức thể hiện đồ họa, thì bộ khung hiện thực của những vật thể thấy được càng mờ đi”.

 

” Chân dung “, Đặng Xuân Hòa , 

Với tinh thần không ngừng học hỏi, tìm tòi, khám phá, Đặng Xuân Hòa luôn cố gắng cải tiến, thay đổi các nét vẽ của mình theo thời gian. Giai đoạn từ 1997 đến nay là thời điểm đánh dấu có nhiều sự đổi mới trong nét vẽ của nam họa sĩ. Xem những tác phẩm của ông trong giai đoạn này, dễ dàng thấy đó là sự đơn giản hóa đến tận cùng về đường nét lẫn màu sắc, khiến người xem đắm chìm trong cảm xúc mỹ cảm sơ khai. Người ta đồng thời cũng thấy trong tranh ông sự ảnh hưởng từ phong cách của họa sĩ trừu tượng người Thụy Sĩ – Paul Klee: “Hình họa càng thuần khiết, nghĩa là nếu chúng ta càng chú trọng đến dạng thức thể hiện đồ họa, thì bộ khung hiện thực của những vật thể thấy được càng mờ đi”.

 

‘Chân dung tự họa”, Đặng Xuân Hòa, sơn dầu trên vải, 63×48 cm.

Lối vẽ của Đặng Xuân Hòa có sự lão luyện, gợi tả sự trừu tượng, nhưng đồng thời lại có sự trùng lặp của những thứ quen thuộc, của tinh thần truyền thống. Bắt đầu hoạt động từ trước những năm Đổi mới, ông được tiếp xúc cả hai phong cách nghệ thuật riêng biệt: một nền mỹ thuật Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi chủ nghĩa Ấn tượng, và một không gian mỹ thuật sáng tạo, đa sắc màu của thế giới. Ông xem đó là cơ hội, là điều kiện thúc đẩy bản thân không ngừng học hỏi, tìm tòi, hiện đại hóa phong cách hội họa bản thân. Dẫu vậy, hòa hợp nhưng không có nghĩa là hòa tan, không vì thế mà ông xa rời nguồn cội. Các tác phẩm của ông sử dụng rất nhiều chất liệu dân tộc. Ông kết hợp ngôn ngữ tạo hình trừu tượng hiện đại với những chủ đề dung dị đậm chất Việt như bộ ấm, bình hoa, con mèo, con gà…để tạo ra một hồn cốt Việt Nam rất riêng mang thương hiệu Đặng Xuân Hòa. Ông không bị đồng hóa bởi đa dạng phong cách hội họa nhiều sắc màu Tây phương, cũng không bị rơi vào khuôn sáo cổ điển như nhiều họa sĩ thế hệ trước. Tranh của ông không bị lệ thuộc vào hình ảnh những thứ được xem là “mặc định” của hồn Việt như mái đình, áo dài, con trâu, hoa sen… Thay vào đó, ông đi tìm một Việt Nam ở góc nhìn khác, hiện đại hơn, tân kỳ hơn. Không quá nếu nói rằng, Đặng Xuân Hòa là một trong những người đặt dấu ấn đậm nét nhất cho công cuộc “làm mới” nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại những năm 90 của thế kỷ trước.

“Mẹ và con” Đặng Xuân Hòa

Chọn một dòng tranh mới lạ, kém thị hiếu, nhưng họa sĩ Đặng Xuân Hòa đã và đang khẳng định tên tuổi của mình như một trong những người đi tiên phong của mĩ thuật hiện đại Việt Nam. Bằng tài năng và những nét vẽ nghệ thuật trừu tượng tinh tế, các tác phẩm của ông chưa bao giờ là hết sức hút với những nhà sưu tập cả trong và ngoài nước