Nghiêm – Liên – Sáng – Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại

Nội dung chính
Nửa sau thế kỷ 20, Mỹ thuật Việt Nam đón nhận sự nổi danh của bộ tứ Nghiêm – Liên – Sáng – Phái như một điều tất yếu. Những cống hiến và tài năng của họ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình và xây dựng cảnh quan nghệ thuật nước nhà lên một tầm cao mới.

NGUYỄN TƯ NGHIÊM (1922 – 2016)

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 1

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm

 

Trong địa hạt hội họa, mấy ai chưa từng nghe qua tên tuổi Nguyễn Tư Nghiêm với một khối di sản lớn các sáng tác trên chất liệu bột màu giấy Dó lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống của dân tộc. Sinh ra trong một gia đình truyền thống Nho học tại xứ Nghệ, ông yêu thích bộ môn này từ nhỏ, lớn lên theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và quyết tâm theo đuổi tới cùng.

Suốt một đời lao động nghệ thuật, tâm trạng thức tỉnh của Nguyễn Tư Nghiêm đặt nhiều vào khai thác hoa văn, chạm khắc Lý, Trần, Lê, tích cổ, truyện xưa cùng các hoạt động văn hóa dân gian. Ông khéo léo đặt vào tác phẩm điểm cân bằng giữa quá khứ và hiện đại, vượt qua ánh nhìn trực diện bên ngoài mà im lặng thể nhập, biết điều mình muốn và hiểu cái mình làm.

Thông qua đó, ông đưa tới một tổng hòa của nhịp điệu khỏe khoắn, trải màu lão luyện, đường nét tinh giản, và hình tượng truyền thống theo một cách quan sát mới lạ. Trước một điệu múa cổ, kiệt tác văn học “Truyện Kiều”, Gióng, một con giống, một đám trẻ chơi trăng,… đều có sự kết hợp sâu sắc của tình cảm, kiến thức tri giác và một lý tưởng cao cả. Cái ông chắt lại để mô tả được chúng chính là dựa vào hồn cốt văn nghệ dân gian và những đường hình chuyển động.

Ông từng nhiều lần chia sẻ: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”. Lấy từ từ cổ tích Việt, tác phẩm “Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác năm 1990 đã được công nhận Bảo vật Quốc gia.

Tranh họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm:

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 2

Nguyễn Tư Nghiêm, tác phẩm Con Nghé Quả Thực, Sơn Mài, 46,5 x 63,3 cm.

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 3

Nguyễn Tư Nghiêm, tác phẩm Điệu Múa Cổ 1987, Bột Màu Trên Giấy, 46 x 67 cm.

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 4

Nguyễn Tư Nghiêm, tác phẩm Điệu Múa Cổ, Bột Màu Trên Giấy, 60 x 80 cm.

Tranh của ông thường bắt nguồn từ đề tài dân gian Việt Nam nhưng mang phong cách hiện đại, ấn tượng. Nghệ thuật Nguyễn Tư Nghiêm luôn bao hàm một ngữ pháp tổng hòa về nhịp điệu, đường nét và hình tượng của nghệ thuật truyền thống dân tộc, bút pháp tối giản, mạnh mẽ.

DƯƠNG BÍCH LIÊN (1924 – 1988)

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 5

Họa sĩ Dương Bích Liên

Dương Bích Liên (1924 – 1988) là một họa sĩ đã sống và cống hiến cho nghệ thuật với lối ngôn ngữ rành mạch, khúc chiết. Ông nổi danh là một trong những học trò cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1944 – 1945), và từng đảm nhiệm nhiều trọng trách như làm báo “Vệ quốc đoàn” (1946), vẽ chân dung Hồ chủ tịch (1952) và vào biên chế tổ sáng tác khi trở về tiếp quản thủ đô (1954). Tác phẩm “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc” sáng tác ông vẽ trên chất liệu sơn mài năm 1980 là một kiệt tác Bảo vật Quốc Gia.

Tranh của Dương Bích Liên gói gọn sự dày công nghiên cứu nhiều trào lưu nghệ thuật và ngôn ngữ biểu hiện của chất liệu. Ông chọn một chủ thể thực hành gần gũi nhưng cũng lắm phiêu bồng – chân dung thiếu nữ. Những trìu mến thịnh tình ông dành vào mô tả một chân dung chưa bao giờ nằm ở ngoại biên của chủ thể, mỗi một tác phẩm, càng nhìn ngắm, cái tình càng bộc lộ. Dương Bích Liên, phải nói ông là một người tinh ý. Giữa đời sống, ông lẳng lặng gạn lọc lấy nét đời thường, dung dị và trong trẻo của nhân vật làm nguồn sáng cho tác phẩm. Mỗi một vết bút là một tinh thần tập trung cao độ với tôn nghiêm lớn lao dành cho hội họa.

Tranh họa sĩ Dương Bích Liên:

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 6

Tác phẩm Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc đạt giải nhất tại cuộc thi Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam.

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 7

Dương Bích Liên, tác phẩm “Cô Mai” Sơn Dầu.

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 8

Dương Bích Liên, tác phẩm “Thiếu nữ áo trắng” Sơn Dầu.

NGUYỄN SÁNG (1923 – 1988)

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 9

Họa sĩ Nguyễn Sáng

 

Nguyễn Sáng (1923 – 1988) là một họa sĩ gốc Định Tường, miền Nam Việt Nam (tỉnh Tiền Giang ngày nay) ra Bắc để cống hiến cho cách mạng cũng như đóng góp thêm cho nghệ thuật nước nhà. Hà Nội là nơi ông có nhiều gắn bó với những khát vọng sục sôi trong lòng người thanh niên trẻ. Tại đây, ông từng tỉ mỉ góp thêm một tiếng nói nghệ thuật của mình sau khi thừa hưởng cả hai nền giáo dục của Trường Mỹ thuật Gia Định và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông để lại di sản đồ sộ các tác phẩm và được biết tới không chỉ là nhà triết học tự nghiệm mà còn là một gương mặt đại diện của chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật.

Tranh họa sĩ Nguyễn Sáng:

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 10

Bảo vật Quốc gia kể tới như “Thanh niên thành đồng” Nguyễn Sáng.

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 11

Tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng.

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 12

Tác phẩm “Mèo Chơi” Bột Màu Trên Giấy, Nguyễn Sáng.

 

Nghiêm cẩn với hội họa, Nguyễn Sáng nghiên cứu vẽ nhiều trên đủ loại chất liệu, nổi bật hơn cả là sơn dầu và sơn mài. Trong mỗi tác phẩm, hiện thực về đời sống hằng ngày, bao hàm cả thời cách mạng thường được ông tập trung khắc họa. Đôi lúc lấy điểm tựa cũng vẫn là hiện thực, ông vẽ có phần cổ động tinh thần lạc quan xây dựng đời sống của người dân.

Có một đặc điểm mà Nguyễn Sáng ung dung biến nó trở thành một hình thái hội họa rất “Sáng” là sử dụng hầu hết là những đường nét khỏe khoắn, toát ra thần thái hừng hực, khí phách ghi lại cảm xúc bùng phát bất kể dạng thức của một bức phác thảo hay tác phẩm đã thành hình. Lối thực hành với ý thức tập trung cao và riêng biệt ấy, cộng hưởng với nhiều yếu tố đã để lại cho hậu thế hai tác phẩm bố cục chính luận, phản ánh hiện thực lịch sử được công nhận danh hiệu Bảo vật Quốc gia kể tới như “Thanh niên thành đồng” và “Kết nạp Đảng trên chiến trường Điện Biên Phủ”.

BÙI XUÂN PHÁI (1920 – 1988)

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 13

Họa sĩ Bùi Xuân Phái

Dành tình cảm đặc biệt không giống ai về Hà Nội phố, danh họa Bùi Xuân Phái đã đi đủ sâu tới mức tên tuổi ông với hội họa khi không nhắc về phố sẽ là một thiếu sót lớn. Bùi Xuân Phái (1920 – 1988) sinh tại làng nổi tiếng với tranh khắc gỗ dân gian Kim Hoàng, thuộc huyện Hà Tây, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương niên khóa 1941 – 1945. Sau tốt nghiệp, ông tham gia kháng chiến và hoạt động mỹ thuật ở nhiều nơi. Năm 1952 ông chuyển về Hà Nội, sống tại nhà số 87 phố Thuốc Bắc cho đến khi mất.

 

Bùi Xuân Phái với cái nhìn tinh đời và ngọn bút vẽ như hơi thở đã cất giấu ký ức của nhiều người trong một bảng màu rạo rực tiềm thức, lúc buồn trầm mặc những mái ngói nâu sồng, lúc rực cháy như một chèo khúc về tình yêu đôi lứa, lúc hân hoan với bầy trẻ thơ dắt tay nhau. Ông vẽ phố không chỉ là vẽ phố, những hình ảnh của Hà Nội chảy trôi trong ông như dòng nước tự do. Sau từng ô cửa Hàng Mắm, góc phố Hàng Bồ, v.v hay Ô Quan Chưởng, ông vẽ khi nhỏ nhắn như một bức tình thư, khi phóng to hơn một chút đặt lên tấm bìa những lặng lẽ, can trường và kiên trì đối thoại với không gian kiến trúc Hà Thành. Ngoài phố, Bùi Xuân Phái vẽ chèo cũng ở một góc độ đặc biệt. Dưới hào quang sân khấu là tâm tư bộc bạch của những cô gái hóa trang trong tà áo dài, áo yếm, các ông quan, ông vua trò chuyện, giãi tỏ chuyện đời của riêng, chung. Cũng ở hội họa Bùi Xuân Phái, tranh khỏa thân ông vẽ theo một chất riêng, kết hợp cái trần trụi, phóng túng của thân thể, của nội hàm tâm tư với bố cục đã kể những câu chuyện đặc sắc không kém cạnh gì khi đem so với các đề tài khác. Hiện thực trong tranh Phái nay đã là dòng sông tự bao giờ nhưng chẳng bao giờ làm người xem thôi rạo rực. Đó là sức mạnh của ký ức một thời còn Bùi Xuân Phái luôn là một ý thức trẻ trung.

Tranh họa sĩ Bùi Xuân Phái:

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 14

Phố – Phái, sơn dầu trên bìa

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 15

Phố – Phái, sơn dầu trên bìa

 

Nghiêm - Liên - Sáng - Phái: Bộ tứ quan trọng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại - 16

Nude – Bùi Xuân Phái, bột màu trên giấy

 

Bốn tên tuổi lớn Nghiêm – Liên – Sáng – Phái chính là bốn tài năng lớn gắn với thăng trầm lịch sử mỹ thuật nước nhà. Các sáng tác của họ tới nay vừa đóng vai trò là nguồn tư liệu quý kể chuyện thực về đời sống một thời, vừa biểu đạt những tư tưởng lớn, đột phá của hội họa hiện đại Việt Nam.

Lê Quang