Nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan tổ chức triển lãm Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ.
Tham dự Lễ khai mạc triển lãm sáng 17/5 có Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Đinh Hoàng Linh; Phó Trưởng Ban Á – Phi, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Lê Trung Hiếu; Phó Chủ tịch Hội Thái Việt tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) Võ Thị Hồng Vân; Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh; hoạ sĩ Việt kiều Đào Trọng Lý;…
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh phát biểu khai mạc triển lãm. Ảnh: Huyền Thương
Phát biểu khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: “Triển lãm Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ là dịp để tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và nhà văn hoá kiệt xuất.
Đây cũng là cơ hội để công chúng trong nước và quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, song cũng giàu lòng bác ái, thanh bạch và dung dị trong cuộc sống đời thường. Qua đó góp phần giáo dục các thế hệ hôm nay và mai sau không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Không gian triển lãm. Ảnh: Huyền Thương
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thời gian sống và hoạt động ở Thái Lan từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929 với mục đích “đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”.
Tại đây, Người chủ trương mở rộng tổ chức, củng cố cơ sở quần chúng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên nhằm làm cho người Thái có cảm tình hơn nữa với cách mạng Việt Nam, với người dân Việt Nam trong đó có kiều bào ta.
Triển lãm trưng bày 55 bức tranh vẽ về Bác Hồ do hoạ sĩ Đào Trọng Lý thực hiện. Ảnh: Huyền Thương
Mặt khác, Người còn giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục tập quán của người Thái, vận động mọi người vừa học chữ Thái, chữ Việt, nói tiếng Việt. Cùng với việc xây dựng tổ chức, Người cũng dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cho cán bộ Việt Nam đang hoạt động, giúp Việt kiều cải thiện đời sống sinh hoạt…
Chính vì vậy, Bác đã được bà con người Việt, người Thái yêu mến, che chở, giúp đỡ, đùm bọc. Cuộc đời, tấm gương đạo đức của Bác luôn sống mãi trong mỗi người dân Việt Nam, dù sinh sống trong nước hay đang ở nước ngoài.
Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến tham quan ngay trong ngày đầu khai mạc. Ảnh: Huyền Thương
Triển lãm trưng bày 55 bức tranh vẽ về Bác Hồ do hoạ sĩ Đào Trọng Lý thực hiện tại Thái Lan khi ông chuyển sang quản lý Khu tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh NakhonPhanom.
Quá trình hoạt động cách mạng của Bác, từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu nước, đến những dấu mốc quan trọng của lịch sử cách mạng đã được thể hiện qua những nét vẽ mộc mạc của hoạ sĩ. Ông vẽ theo tâm thức của mình, như một sự thôi thúc tình cảm tự nhiên và dựa một phần vào những tư liệu, hình ảnh mà ông tìm kiếm được, tất cả đều xuất phát từ tấm lòng, từ tình cảm kính yêu của ông đối với Bác Hồ.
Hoạ sĩ Đào Trọng Lý chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Thái Lan nhưng trái tim tôi luôn hướng về quê hương, đất nước. Qua những tác phẩm này, tôi muốn mang đến cho mọi người những ấn tượng tốt đẹp, lòng ngưỡng mộ với Bác Hồ kính yêu, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người mang đến ấm no, hạnh phúc, độc lập, dân chủ cho nhân dân ta và đất nước ta. Hy vọng những bức tranh của tôi sẽ giúp kiều bào tại Thái Lan cũng như những người Thái có cái nhìn trực quan, hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Hoạ sĩ Đào Trọng Lý chia sẻ tại triển lãm. Ảnh: Huyền Thương
Triển lãm Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ thể hiện tinh thần yêu nước, tấm lòng thành kính Chủ tịch Hồ Chí Minh của cộng đồng Việt kiều nói chung, cộng đồng Việt Kiều tại Vương quốc Thái Lan, cộng đồng Việt kiều tỉnh NakhonPhanom và cá nhân Họa sĩ Đào Trọng Lý nói riêng tưởng nhớ và biết ơn công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đây cũng là cơ hội để công chúng trong nước và quốc tế hiểu thêm về cuộc đời bình dị, về tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, qua đó góp phần giáo dục các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau không ngừng học tập và noi gương Bác.
Du khách nước ngoài tham quan triển lãm. Ảnh: Huyền Thương
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 22/5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Các tác phẩm còn được giới thiệu trực tuyến tại địa chỉ: https://vnfam.trienlamso.com/vi/vtour/details/tam-long-nghe-sy-viet-kieu-voi-bac-ho-13
Sau triển lãm, 55 bức tranh sẽ được họa sĩ Đào Trọng Lý dành tặng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm:
Họa sĩ Đào Trọng Lý sinh năm 1951 trong một gia đình Việt kiều yêu nước tại tỉnh NakhonPhanom, nguyên quán huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ông được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, còn cha ông được tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng nhất.
Ông từng là Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt tỉnh NakhonPhanom, từng là thầy giáo dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều. Hiện ông là Trưởng ban cố vấn của Tổng hội Việt kiều tại Vương quốc Thái Lan.
Huyền Thương
Nguồn Arttimes