Đỗ Ngọc Dũng là một họa sĩ tài hoa, ông nổi tiếng từ khi còn rất trẻ. Tôi biết và quen thân ông từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước.
Là người có năng khiếu, có tư duy mới lạ về nghệ thuật ông được thầy cô và bạn bè chú ý ngay từ khi còn là học sinh Trường Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phú.
Ra trường, với kết quả điểm thi cao ông được Ty Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú nhận về công tác, ông đã nổi dần lên như một gương mặt trẻ đầy hứa hẹn của mỹ thuật miền đất Tổ cội nguồn dân tộc ngay từ khi đó.
Từ vẽ các bìa sách, minh họa rồi hàng loạt tranh cổ động của ông không chỉ kịp thời tuyên truyền cổ vũ cho các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, mà đã được đăng báo, triển lãm ở một số tỉnh thành trong cả nước, trong đó đặc biệt có những bức tranh đã được triển lãm và nhận giải thưởng cao tại một số cuộc thi và triển lãm tranh quốc tế về chủ đề chống chiến tranh hạt nhân tổ chức tại Liên Xô, Tiệp Khắc từ những năm 1984. Tôi còn nhớ bức tranh cổ động gây ám ảnh của ông vẽ một đứa trẻ trong bào thai, trong tổng thể đôi cánh chim bồ câu bao bọc tạo thành hình trái tim, đè gẫy quả bom hạt nhân. Phải chăng tác giả muốn nhắc nhở, muốn cảnh báo về hậu quả của bom hạt nhân mà Mỹ đã thả xuống 2 thành phố của Nhật Bản (Nagasaki và Hiroshima), hậu quả còn mãi tới các thế hệ sau này bởi sinh ra những đứa trẻ dị dạng.
Từ vẽ tranh cổ động, panô, áp phích, quảng cáo, tuyên truyền ở Ty Văn hóa, thông tin. Với tình yêu nghệ thuật mãnh liệt ông phải đến gặp cả Bí thư Tỉnh ủy lúc đó là ông Lê Huy Ngọ, để mong được ông Bí thư ủng hộ cho chuyển sang Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh (VHNT). Với hy vọng có điều kiện tiếp xúc với các văn nghệ sĩ tên tuổi và để được làm nghệ thuật đích thực. Bởi lúc đó Ty Văn hóa, Thông tin giữ người không muốn cho ông chuyển. Được chuyển về Hội ông nhanh chóng thu lượm kiến thức, học hỏi từ các bậc thầy, các đàn anh đi trước, rồi bắt đầu chuyển sang sáng tác tranh sơn dầu với những bố cục nhân vật. Gam màu chủ đạo của ông là hai mảng đen-trắng và nóng-lạnh. Ông vẽ tranh như làm thơ vậy, bắt đầu là bố cục như tìm tứ của bài thơ. Bố cục trong tranh ông chặt chẽ, thẳm sâu, rất động trong cái tĩnh, không bị gò bó, khuôn phép như là cá tính của ông vậy. Tôi còn nhớ từ ngày đó ông đã có bức tranh “Hoàng hôn” diễn tả những con người bé nhỏ trong một không gian rộng lớn miền đồi khô cằn, hình ảnh tương phản ấy gây ấn tượng mạnh với người xem về sự vất vả của những người nông dân trung du, miền núi.
Cọ và toan trong tay ông như cũng có phép màu, biến đổi linh hoạt và nhuyễn đến độ chưng cất của rượu cẩm.
Ông luôn chú ý đến đường nét, nếu là phụ nữ trẻ thì là những đường cong gợi cảm, cụ già thì những nét truân chuyên khắc sâu nếp nhăn của thời gian trên gương mặt, sần sùi trên đôi tay, đặc biệt là tấm lưng còng và cây gậy như đang gõ vào không gian, thời gian, bấm xuống mặt đường chi chít những dấu chân mà không thấy dấu chân nào. Chính vì thế mà nó cứ ám ảnh, gây ấn tượng khiến người xem phải ngẫm ngợi, giật mình liên tưởng đến các bậc sinh thành, tự soi mình tự hỏi mình đã làm được gì để báo hiếu cha mẹ. Đó là ở tác phẩm “Một dáng chiều”, hình ảnh cụ già có thể là mẹ, là bà chúng ta với chiếc áo bông cũ rách, mảnh áo mưa đã cứng còng, nón mê. tay gậy, đi trong chiều đông giá lạnh. Tôi bị ám ảnh, khi họa sĩ đã vẽ những chiếc lá vàng khô và một vỏ lon bia bóp méo ở góc tranh phía trước bà cụ… Đây được coi là một trong những tác phẩm hội họa đạt đỉnh của ông, được giới chuyên môn thán phục. Tôi cũng rất ấn tượng với bức tranh “Quy luật nghiệt ngã”. Bầy cá nằm trên chiếc thớt của ông, nét vẽ bằng dao bay như chẳng có chủ định gì mà lại như khắc, như găm vào lòng người xem. Nó liên tưởng số phận nghiệt ngã của bao kiếp người, không dễ gì có thể vùng thoát, trốn chạy. Con cá như là biểu hiện của nhân thế, còn cái thớt phải chăng là thời thế. 8 con cá nằm trên chiếc thớt ấy, gợi con số âm ám ảnh, liệu có như con cá thoát chết, vượt được ra sông khi nước tràn bờ? hay nằm đấy để mà chấp nhận cho số phận nghiệt ngã. Hiểu cách nào cũng được vì trong bức tranh này có độ mờ nhòe của kĩ xảo điện ảnh, với góc nhìn đa chiều, cam chịu, “lạnh” nhưng mà “ấm” bởi trái tim đôn hậu, không nhuốm bi thương của họa sĩ, âu cũng là quy luật sinh tồn của tạo hóa. Trong số các tác phẩm của ông chủ đề này còn thể hiện ở tác phẩm “Quy luật sinh tồn” những con cá lớn nuốt những con cá bé, nhịp sống biển cả… Hay ở một bức khác có tên: “Tiếng than của đại ngàn” trong gam màu vàng trầm, ông diễn tả những thân cây, dây leo của rừng già nguyên sinh bị chặt phá, chúng như có phép màu đan xen vào nhau, tạo nên hình hài như một con thú đang gào thét trước sự hủy diệt môi trường sống.
Đỗ Ngọc Dũng là con người sinh ra để làm nghệ thuật và hội họa, là những gì ông thuộc nhất, và nó cũng thuộc về ông, như không có cạnh tranh nào và có cạnh tranh đi chăng nữa cũng không dễ gì làm được như ông. Nếu nói riêng ở Phú Thọ thì ông từng là ước mơ và khao khát của nhiều họa sĩ khi nhận giải quốc tế lúc 24 tuổi, nổi tiếng và kiếm tiền sung túc hoàn toàn bằng nghề, bằng tài năng của mình.
Trong hàng trăm bức tranh sơn dầu, ông vẽ về quê hương đất Tổ Vua Hùng, đủ các chủ đề, cả những tranh vẽ cọ trung du thật quyến rũ. Có những bức đã trở thành biểu tượng, gắn với không gian văn hóa Hùng Vương mang nhiều yếu tố tâm linh; rất truyền thống nhưng cũng rất hiện đại thể hiện qua các tác phẩm: “Nét xưa” (Tác phẩm hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). “Âm vang trống đồng”, “Nhịp trống đồng”… Xuất phát từ một quan điểm nghệ thuật là trong cái thực có cái ảo và trong cái ảo luôn có cái thực, trong cái truyền thống có cái hiện đại và ngược lại.
Làm nghệ thuật là phải biết tước đi những phần thừa. Đỗ Ngọc Dũng không lạ điều đó và ông đã vẽ bằng cả cảm xúc và lý trí, vẽ bằng niềm tâm huyết và cả tấm lòng rộng lượng, sự chắt lọc, lược bỏ cái thừa.
Ông không bị khuôn phép trong bất cứ một trường phái nghệ thuật nào. Xem tranh ông, bảo là tả thực không sai, mà nói là siêu thực cũng vẫn đúng, ông chính là họa sĩ đa phong cách như một số họa sĩ từng nhận xét. Tranh ông luôn có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, đặc biệt ở đường nét. Có lúc xem ra rất chân quê, mộc mạc và bình dị như thơ Nguyễn Bính. Nhưng lắm khi lại thấy lãng tử, “nổi loạn” như Hồ Xuân Hương và “lãng mạn”, “điên điên” như Hàn Mạc Tử.
Nhận xét và đánh giá rạch ròi về tranh của ông là rất khó, bởi ông là con người của hội nhập, của kinh bang tế thế nhưng lại gắn bó cả đời ở nơi chôn rau cắt rốn, là mảnh đất cội nguồn.
Cố họa sĩ Hoàng Hữu từng nổi tiếng vẽ bìa sách một thời, chỉ bất tử với thời gian khi có bài thơ “Hai nửa vầng trăng”. Đỗ Ngọc Dũng thì ngược lại, ông là tác giả của 2 cuốn sách cả ngàn trang in, hàng trăm bài ghi chép, bút kí giới thiệu đăng trên các báo chí Trung ương, địa phương. Còn nói đến hội họa ở Vĩnh Phú trước đây, và Phú Thọ bây giờ, là người ta nghĩ ngay đến, nhắc ngay đến họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng. Bên cạnh thành tựu hội họa, ông cũng là một họa sĩ vẽ bìa nổi tiếng với hàng trăm bìa sách đẹp cho các tác giả, các ấn phẩm báo chí. Đặc biệt gần đây mỗi dịp tết ông luôn bận rộn vì là địa chỉ tin cậy của nhiều cơ quan Báo chí Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước đặt vẽ bìa báo tết, đặt bài viết…
Ông đã xác lập được căn cước cho tranh cũng như các bìa sách, báo của mình, phong cách của mình. Tác phẩm của ông được triển lãm, giải thưởng từ rất sớm, có thể nói là chỉ sau một vài năm ra trường công tác. Biết lấy ngắn nuôi dài cũng là sở trường sở đoản của ông. Do vậy ông không nề hà bất cứ việc gì để có tiền mua vật liệu vẽ tranh trong những ngày gian khó của thời bao cấp. Bây giờ vào những lúc vui ông vẫn thường kể lại với bạn bè, từ lúc mới lấy vợ, ông đã từng cùng với Quang Thái, Nguyễn Tham Thiện Kế, Ngô Kim Đỉnh… Về sau có cả Trịnh Hoài Đức, Tuấn râu và Hoàng Tự Dung nữa, lăn lộn khắp đó đây, vẽ tranh quảng cáo, trang trí hội trường và buôn bán tượng, thậm chí cả giấy lộn… để kiếm sống. Trước đó, khi là học sinh trường Văn hóa Nghệ thuật, hoàn cảnh gia đình nghèo khó ông cũng phải tự kiếm sống để có ăn, lo mặc như buôn củi, buôn phên nứa cho các lò gạch ở dưới xuôi, rồi chở gạch từ Thụy Vân, Việt Trì, lên Đoan Hùng giao bán để có tiền ăn học. Khi là sinh viên Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, cuộc sống khó khăn ông lại đứng ra nhận thầu trang trí các gian hàng triển lãm của các tỉnh, rồi cùng các bạn học tranh thủ ngày nghỉ, làm đêm để có điều kiện ăn học. Rồi mua chè từ Đoan Hùng xuống Hà Nội bán, mua xe đẹp từ chợ Giời lên Việt Trì bán kiếm lời… Khi đi công tác chỉ có 2 bộ quần áo, bộ chăn màn cũ sờn, chiếc hòm gỗ, còn lúc nhỏ nhà nghèo không đủ ăn, đủ mặc, đói rét phải đi mót khoai sắn, vào rừng kiếm củi bán cho các lái xe qua đường để giúp bố mẹ nuôi được 8 anh em khôn lớn. Khi đã là cán bộ Nhà nước ông từng tâm sự: “Tôi đã phải bỏ ra đến cả chục năm chỉ để làm các comăng, hợp đồng trang trí hội trường, vẽ tranh quảng cáo về an toàn lao động cho các công ty, làm mô hình, thiết kế cho các gian hàng triển lãm kinh tế – kỹ thuật của các tỉnh tại Trung tâm Triển lãm Kinh tế Kỹ thuật ở Giảng Võ-Hà Nội để kiếm sống có thu nhập, mua đất, mua nhà nuôi vợ con và để có điều kiện vẽ, vì nghề vẽ rất tốn kém”.
Những ngày cơ hàn đó cho ông nghị lực vượt khó, cái khôn ngoan đến khó ai học nổi về sự nắm bắt thị hiếu, thị trường, về “thời tiết” chính trị. Giữa trăm thứ cần chọn lựa, ông đã chọn làm kinh tế trước khi chuyên tâm, dấn thân hoàn toàn vào nghệ thuật.
Số phận đã mỉm cười với ông, vì chỉ sau một thời gian, cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, ông đã là một trong những họa sĩ có thu nhập từ tranh, và tranh ông bán được, các hợp đồng mỹ thuật ngày càng nhiều. Ông trở nên sang trọng khi mà nhờ có tài năng, ông vẽ cứ như chơi mà lại thành, mà có thương hiệu được nhiều nơi mời gọi, đặt hàng. Vì là con người khéo trong ứng xử, có tố chất làm lãnh đạo nên ông được cấp trên tin tưởng, anh em văn nghệ sĩ tín nhiệm. Làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Phú Thọ đến nhiệm kỳ thứ 3 (13 năm 3 tháng), là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam gần 2 nhiệm kỳ. Thì lại vinh dự được điều động làm Giám đốc Sở Ngoại vụ. Hiếm có người nào có được bước đi như ông. Thuận lợi ấy không phải nghiễm nhiên mà có được. Ông vẽ tranh cũng như làm quản lý đều rất nghiêm túc và linh hoạt, tận tâm, tận lực và có nhiều sáng kiến được anh em mến phục, cấp trên tin tưởng, giỏi đến độ ở Phú Thọ bây giờ tìm được một người làm Chủ tịch Hội VHNT như ông, thật không dễ chút nào ? Những sáng kiến, những chủ trương chiến lược. Đề án phát triển lâu dài cho Hội và cả Tạp chí; Đề xuất trao giải thưởng hàng năm động viên kịp thời các văn nghệ sĩ… cũng có được từ thời ông. Hàng loạt các bộ tuyển tập bề thế, các ấn phẩm được ra đời cho tất cả các chuyên ngành. Chú ý và tạo điều kiện cho tất cả các chuyên ngành hoạt động. Hàng năm ông còn dành một khoản kinh phí đầu tư chiều sâu cho những văn nghệ sĩ có uy tín, năng lực sáng tác để sáng tạo tác phẩm chất lượng cao. Cũng chính ông xin tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ hàng năm cho các chi hội chuyên ngành TW tại tỉnh có thêm điều kiện để hoạt động… Chính ông đã khẳng định được thành tích cho Hội với tấm Huân chương Lao động hạng Ba, rồi hạng Nhì; tổ chức các lễ kỷ niệm thành lập Hội vào những năm chẵn hoành tráng, trong không khí hân hoan của văn nghệ sĩ đất Tổ và khách mời… Cũng chính ông phối hợp với Nhà văn Lê Lựu – Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân, vận động quyên góp thiết kế và xây dựng Nhà lưu niệm, Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Rồi thiết kế, cùng gia đình nhà thơ Hoàng Hữu xây dựng bia mộ nhà thơ Hoàng Hữu khang trang; nghĩa cử cao đẹp này còn mãi…Còn rất nhiều điều đáng nói nữa. Nói điều này là không quá, khi ai ai cũng phải thừa nhận Đỗ Ngọc Dũng đã để lại cho văn nghệ Phú Thọ, không chỉ cơ sở vật chất một trụ sở Hội bề thế, một bộ máy cán bộ vững vàng, ổn định mà cả những chủ trương chính sách có tính chiến lược lâu dài cho Hội được cấp trên phê duyệt, mà cả cái tình của người đứng đầu Hội với hội viên.
Dù bận làm công tác quản lý nhưng ông luôn biết tranh thủ những lúc rảnh đọc sách báo để trau dồi kiến thức. Đặc biệt là lĩnh vực văn học, hiếm có những họa sĩ am hiểu văn học như ông. Rồi tranh thủ để vẽ, ông vẽ trong eo hẹp thời gian, trốn khách vãng lai, có lúc gần như quên cả vợ con trong những ngày nghỉ cuối tuần. Và những bức tranh đã không phụ công người. Bạn bè đồng nghiệp trong cả nước tìm đến ông, trao đổi với ông, với Hội về nghề nghiệp, ông càng có thêm điều kiện để giao lưu, giới thiệu tác phẩm của ông, của các hội viên Phú Thọ với mọi miền đất nước.
Không chỉ tài trong sáng tác, ông còn rất giỏi trong công tác quản lý, biết tranh thủ cấp trên, các Mạnh Thường Quân, xây dựng và phát triển phong trào. Đặc biệt, ông rất chăm lo tới công tác phát hiện và bồi dưỡng những cây bút trẻ. Hàng năm ông vẫn thường phối hợp với các huyện, thị, trường học. Đặc biệt là trường THPT Chuyên Hùng Vương mở các lớp năng khiếu sáng tác vào dịp nghỉ hè. Tranh thủ Công ty Supe, Giấy Bãi Bằng mở các trại sáng tác cho hội viên không những ở tỉnh, mà còn cả hội viên các Hội bạn để cho văn nghệ sĩ có điều kiện giao lưu học hỏi lẫn nhau.
Mời các nhà thơ, nhà văn, các văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước về nói chuyện, tọa đàm, giao lưu. Tạo môi trường thuận lợi nhất cho các cây bút trẻ đến với văn học nghệ thuật. Đối với các bậc cao niên và những hội viên đã thành danh, ông không chỉ thăm hỏi động viên mà còn khuyến khích, tạo điều kiện cho họ sáng tác và công bố tác phẩm. Không chỉ làm tốt công tác xã hội hóa, ông chủ động đề xuất với lãnh đạo tỉnh, với Trung ương tặng Bằng khen, tặng Kỷ niệm chương các loại. Ghi nhận đóng góp của họ. Tổ chức các hội thảo, tác giả, tác phẩm, mừng thọ, khẳng định những đóng góp của họ… Đặc biệt vào các dịp lễ tết, đón xuân mới ông luôn đề xuất có Tỉnh ủy, UBND, gặp mặt văn nghệ sĩ, mời Bí thư, Chủ tịch tỉnh sang tận Hội gặp mặt, chúc tết các bậc cao niên, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Bản thân ông cùng Thường trực Hội đi thăm chúc tết từng văn nghệ sĩ tiêu biểu, những người tiền nhiệm… Việc này từ khi ông chuyển công tác đã không còn được duy trì. Tổ chức các cuộc thi, trao giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc thật công bằng, phối hợp với các ngành, địa phương ra các số chuyên đề, hỗ trợ thêm kinh phí cho Tạp chí hoạt động… mời các tên tuổi uy tín tham gia biên tập nâng cao chất lượng Tạp chí. Không khí văn nghệ thời ông làm Chủ tịch Hội thật sôi động, được cả nước ghi nhận, lãnh đạo tỉnh tin tưởng.
Thật khó có văn nghệ sĩ nào làm quản lý ở Phú Thọ được lãnh đạo tỉnh và Trung ương tin tưởng và quý mến như ông. Sự xuất hiện những lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, của Trung ương tại các sự kiện của Hội, các chuyến thăm, làm việc với BCH Hội của lãnh đạo tỉnh là minh chứng cho điều đó. Trước hết là do ông làm việc tốt, có uy tín. Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ lại luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò của văn nghệ sỹ. Không có sự đố kỵ hẹp hòi, khiêm tốn và luôn là người quảng giao. Đỗ Ngọc Dũng đã tranh thủ thuận lợi ấy có thêm nhiều điều kiện xây dựng cơ sở vật chất cho Hội, xin quỹ đầu tư sáng tác cho Hội, chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho cán bộ hội viên, nhân viên văn phòng. Nhờ đó mà Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ không ngừng được củng cố và phát triển, trở thành một trong những Hội tiêu biểu của cả nước.
Tôi đã có dịp đi nhiều nơi, gặp nhiều văn nghệ sĩ ở Trung ương, mọi miền đất, ai cũng phải thừa nhận họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng là người có công lớn trong việc xây dựng phát triển Hội Phú Thọ.
“Hữu xạ tự nhiên hương” từ ngày Đỗ Ngọc Dũng làm Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ trở thành địa chỉ tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của tất cả các Hội chuyên ngành Trung ương và các tỉnh thành khắp từ Bắc tới Nam, được bạn bè đồng nghiệp thường xuyên lui tới giao lưu, trao đổi, phối hợp tổ chức các hoạt động sôi động, rồi gửi tác phẩm cho Tạp chí Văn nghệ đất Tổ. Tôi nhớ những đêm thơ nhạc, những ngày thơ Việt Nam thời ông tổ chức thật hoành tráng, ấn tượng, mỗi cuộc có đến hàng chục văn nghệ sĩ nổi tiếng của đất nước đến dự và tham gia giao lưu. Ông cũng chính là tác giả của nhóm VHNT 5 vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay. Nhóm phát triển VHNT VN8 ngày nay vẫn được duy trì.
Khi ông được tỉnh luân chuyển sang làm Giám đốc Sở Ngoại vụ, với hy vọng đưa một người làm văn hóa, biết quảng giao để lấy ngoại giao văn hóa thúc đẩy ngoại giao kinh tế cho tỉnh. Mừng cho ông nhưng ai cũng xuýt xoa, giá như ông được kiêm nhiệm… Ngoại vụ là một lĩnh vực công tác hoàn toàn mới nhưng là người thông minh, linh hoạt nên ông đã nhanh chóng nắm bắt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Dù công tác đối ngoại không cho phép ông được thăng hoa như khi làm Chủ tịch Hội Văn nghệ, nhưng họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng đã biết điều chỉnh và chung hòa mọi mối quan hệ, vẫn sáng tác nên ông vẫn cứ như là Chủ tịch Hội trong lòng bao văn nghệ sĩ đất Tổ vậy.
Từ khi nghỉ hưu đến nay, ông lại càng chuyên tâm cho hoạt động sáng tác. Ông như hồi xuân trở lại, tác phẩm của ông được in ấn, trưng bày liên tục ở khắp nơi cả trong và nước ngoài. Ngôi nhà của ông như một Gallery nghệ thuật với hàng trăm tác phẩm lớn nhỏ treo 3 tầng nhà, từng là địa chỉ văn hóa đón tiếp bạn bè trăm miền, các văn nghệ sĩ nổi tiếng đến thưởng thức nghệ thuật, khách sưu tập tranh và đàm tạo chuyện văn, chuyện đời. Đón cả nhiều chính khách tên tuổi trong ngành ngoại giao, quan chức văn nghệ, các Đại sứ, nhà ngoại giao, đoàn khách nước ngoài ghé thăm…
Ông là một người hạnh phúc, thành đạt. Tuy nay sức khỏe không còn được như trước, bởi bệnh hiểm nghèo phải trải qua những cuộc phẫu thuật sinh tử. Nhưng ông giàu nghị lực, nhiều đam mê quên đi bệnh tật, vượt lên số phận để sống, để sáng tạo cái đẹp cho đời. Trời cho ông sống, nên mọi người vẫn thấy ông khỏe trong sáng tác, vẫn giao lưu, đi thực tế. Những chuyến đi, kể cả trong và ngoài nước cho ông niềm cảm ứng mới và ông đã có thêm nhiều tác phẩm có giá trị, không chỉ là tranh vẽ, viết bài mà cả thu lượm kiến thức cuộc sống.
Làm được như ông, dễ có mấy người. Tên tuổi của ông đã gắn với miền đất, góp phần làm sang cho miền đất từng là thủ đô của văn nghệ kháng chiến, hãy nhìn vào những bạn bè văn nghệ sĩ, cả những chính khách văn nghệ ngoại giao nổi tiếng cả nước, mỗi lần ghé Phú Thọ đều đến với ông. Ông có quyền tự hào về điều đó. Nhưng dường như gặp ông lúc nào cũng thấy sự trở trăn vì bao điều còn chưa làm được.
Chưa bao giờ tự nhận mình là số 1 vì ông là của số đông văn nghệ sĩ Phú Thọ. Khiêm tốn ấy càng làm cho ông nổi tiếng hơn, gần gũi với mọi người hơn. Ông xứng đáng được nhận những phần thường cao quý hơn những gì ông đã từng được nhận vì chính những đóng góp của mình.
Với hàng chục giải thưởng các loại, ở triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam, của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, của Bộ Văn hóa, của các tổ chức quốc tế, cùng nhiều giải thưởng khác, có tác phẩm được trưng bày tại các kỳ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Đặc biệt có tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước… Từng 4 lần triển lãm tranh cá nhân ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng. Tham gia nhiều triển lãm quốc tế…
Đã có tới vài chục bài báo, bài phê bình nghiên cứu, giới thiệu bài thơ về ông. Tất cả đều chung một nhận định: Họa sĩ Trần Khánh Chương-Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam viết: Gánh vác cả hai vai bề bộn công việc quản lý và sáng tác nhưng Đỗ Ngọc Dũng vẫn dâng đều những tác phẩm đẹp cho đời; Họa sĩ Lê Trí Dũng từng nhận xét: “Con người Đỗ Ngọc Dũng luôn luôn giằng xé giữa các cách thức”… Nhiều năm nay anh vẫn đều đều dành các giải thưởng triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam; Nhà phê bình Lê Quốc Bảo cũng cho rằng Đỗ Ngọc Dũng là người đã tự vượt lên chính mình, một họa sĩ vẽ nhiều và đa phong cách, nhìn lại mấy chục năm cầm bút, ông đã biết tiếp thu phong cách sáng tạo đậm bản sắc dân tộc của các danh họa: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Đỗ Cung; Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Chiến thì viết: “Tiền tài, địa vị không mang lại danh dự cho một nghệ sĩ, chỉ có lao động và tác phẩm để lại mới làm nên tên tuổi nghệ sĩ – Đỗ Ngọc Dũng đã và đang làm được điều này”. Còn Vũ Kim Liên-Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí đất Tổ, từng là cán bộ dưới thời ông thì khẳng định: Đỗ Ngọc Dũng là người tiên phong đưa VHNT đất Tổ ra nước ngoài. Bởi ông đã từng chủ trì và tham gia tổ chức 3 trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại tỉnh. Đặc biệt là đặt nền móng kết nghĩa giao lưu, triển lãm mỹ thuật nhiều lần giữa các họa sĩ Phú Thọ với các họa sĩ Seoul-Hàn Quốc từ nhiều năm nay…
Và mới đây nhất trong “Lời tựa” cho cuốn “Ngang qua những miền đất” (cuốn sách thứ 2 của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng), PGS.TS-Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh-Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã một lần nữa khẳng định: “Đã từ lâu, nhiều bạn đọc giới văn nghệ sĩ từng biết cái tên Đỗ Ngọc Dũng, một họa sĩ tài năng, đã sáng tác hàng trăm bức tranh, nhiều thể loại, từng được trưng bày trong một số triển lãm quốc tế, có tác phẩm lưu trữ tại nhiều bảo tàng quốc gia… Những tác phẩm hội họa của anh, tạo nên sự cuốn hút và hấp dẫn đặc biệt đối với công chúng yêu mỹ thuật cả ở trong nước và nước ngoài….”
13 năm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, để lại dấu ấn đậm nét nhất cho Văn nghệ đất Tổ, tiếp đến là Giám đốc Sở Ngoại vụ – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh. Đặt chân đến hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, với tố chất thông minh, năng động , hòa đồng, cầu thị học hỏi, Đỗ Ngọc Dũng không chỉ làm nên gia tài đồ sộ về mỹ thuật cho riêng mình, mà anh còn kết nối nhân rộng mối quan hệ giữa văn nghệ sĩ, hoạt động đối ngoại tỉnh nhà với các cơ quan hữu quan ở Trung ương, đặt nền móng cho những cuộc kết nghĩa, giao lưu học hỏi với các tỉnh, thành phố, đặc biệt với bạn bè quốc tế ở nhiều nước đem lại những kết quả tích cực… Chính vì vậy ta có thể gọi anh như một trong những đại sứ văn hóa của Việt Nam… Ông xứng đáng với tấm Huân chương lao động Hạng Nhì mà Chủ tịch nước trao tặng.
Chân dung của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng qua con mắt của bạn bè văn nghệ là như thế. Còn với tôi, ông vẫn mãi là một người đồng nghiệp, người bạn chân thành, tử tế. Tranh của ông thấm đẫm hồn quê, hồn làng, văn hóa đất Tổ, hồn dân tộc Việt, dù ông có lúc như là người của nhiều châu lục.
Hùng Đô, TN ngày 16/12/2023
Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải
Nguồn: tapchimythuat.vn/