Chúng ta khảo sát qua về định nghĩa khái niệm trừu tượng. Theo “Từ điển tiếng Việt”: Nghĩa một trừu tượng (thuộc tính, quan hệ ) được tách ra trong tư duy con người khỏi các thuộc tính, các quan hệ khác của sự vật, trái với cụ thể. Nghĩa hai trừu tượng: Khó hiểu , khó hình dung vì không có gì cụ thể.
Theo “Từ điển Cambridge”, sự trừu tượng là: “Tồn tại như một ý tưởng, cảm giác hoặc chất lượng, không phải là một đối tượng vật chất”; “Trừu tượng là một năng lực trí tuệ bao gồm tách một yếu tố khỏi bối cảnh của nó để phân tích nó và đưa ra một khái niệm về nó. Từ này xuất phát từ tiếng Latin “abstrahĕre”, có nghĩa là “kéo đi”, “tách ra” hoặc “để sang một bên”. Theo cách này, sự trừu tượng có nghĩa là hành động và hiệu quả của việc đặt một cái gì đó sang một bên để hiểu nó”.
Theo các nhà ngôn ngữ học: “Khái niệm trừu tượng là những khái niệm không có tham chiếu vật lý; các khái niệm có tham chiếu vật lý được gọi là khái niệm cụ thể. Khoa học của con người, khoa học tự nhiên, ý thức hệ, tôn giáo, thần thoại và nghệ thuật là kết quả của quá trình trừu tượng hóa của các loại hoặc ở các mức độ khác nhau”. “Khái niệm trừu tượng chỉ tồn tại trong tâm trí của chúng ta , nó là những thực thể mà giác quan của con người không thể tiếp cận được. Nói cách khác, chúng không có biểu hiện vật chất nào và chỉ đơn thuần là sự khái quát hóa các ý tưởng. Ví dụ về các khái niệm mang tính trừu tượng như : tình yêu, sự thật, trí tuệ, hy vọng, ý chí tự do, số phận, lòng dũng cảm, ánh sáng, bóng tối, công lý, đoàn kết, trí óc, tâm linh, tôn giáo, văn hóa, lòng nhân từ, sự chính trực, thanh thản, quyền lực, lòng nhân ái, đạo đức, bình đẳng, triết học, lý thuyết, ngôn ngữ, toán học, vẻ đẹp, sự hài hòa, sự hỗn loạn hay bất kỳ chủ nghĩa nào mà chúng ta có thể nghĩ đến”.
Còn với khái niệm trừu tượng trong nghệ thuật, theo Từ điển Wikipedia: “Nghệ thuật trừu tượng sử dụng ngôn ngữ hình ảnh của hình dạng, màu sắc và đường nét để tạo ra một bố cục có thể tồn tại ở một mức độ độc lập với những hình ảnh có thực của thế giới. Nghệ thuật phương Tây, từ thời Phục Hưng đến giữa thế kỷ 19, được củng cố bởi logic của phối cảnh và nỗ lực tái tạo ảo ảnh về thực tại hữu hình. Vào cuối thế kỷ 19, nhiều nghệ sĩ cảm thấy cần phải tạo ra một loại hình nghệ thuật mới bao gồm những thay đổi cơ bản đang diễn ra trong công nghệ, khoa học và triết học… Các nguồn tư liệu mà các nghệ sĩ cá nhân rút ra các lập luận lý thuyết của họ rất đa dạng, và phản ánh những mối bận tâm về xã hội và trí tuệ trong mọi lĩnh vực văn hóa phương Tây lúc bấy giờ ”.
“Nghệ thuật trừu tượng, nghệ thuật phi hình tượng, nghệ thuật phi khách quan và nghệ thuật phi đại diện, là những thuật ngữ có quan hệ mật thiết với nhau. Chúng tương tự nhau, nhưng có lẽ không có ý nghĩa giống hệt nhau”.
“Từ điển Mỹ thuật” của Lê Thanh Lộc viết: “Nghệ thuật trừu tượng – Từ này có thể dùng theo nghĩa rộng nhất để chỉ bất cứ nghệ thuật nào không thể hiện những đối tượng dễ nhận biết (ví dụ như nghệ thuật trang trí) nhưng thường được dùng nhiều nhất cho các hình thức nghệ thuật của thế kỷ 20 trong đó quan niệm nghệ thuật truyền thống châu Âu như sự mô phỏng thiên nhiên chẳng hạn bị gạt bỏ, mặc dù nghệ thuật hiện đại đã phát triển trong rất nhiều phong trào và các “chủ nghĩa”, ta có thể nhận thấy ba khuynh hướng cơ bản trong đó: Giảm bộ mặt thiên nhiên tới mức tối thiểu nghĩa là những hình thức được đơn giản hóa triệt để, điển hình là các tác phẩm của Brancusi; Xây dựng đốii tượng nghệ thuật từ những hình thức phi biểu hình cơ bản như trong các phù điêu của Ben Nicholson; Sự diễn đạt “tự do” theo ngẫu hứng như trong hội họa hành động (Action painting).
Qua những nhận định trên, chúng ta có thể nhận biết rằng: Tư tưởng chủ đạo của nghệ thuật trừu tượng là khước từ những đối tượng hiện thực của cuộc sống con người hoặc trừu tượng hóa những hình ảnh từ thiên nhiên để xác lập nên những hình ảnh phi biểu hình (phi hình thể) mới lạ độc đáo do trí tưởng tượng của nghệ sĩ sáng tạo nên.
Chúng ta đều biết rằng: Nghệ thuật Trừu tượng là trào lưu hội họa đầu thế kỷ 20. Nghệ thuật trừu tượng sử dụng ngôn ngữ thị giác từ những hình thức như các hình khối thuần túy, hình dạng, màu sắc, đường nét, tông màu, mảng màu để tạo nên tác phẩm. Nó tồn tại độc lập, ở một mức nào đó, với những tham khảo có từ thế giới hiện thực. Một số nghệ sĩ trừu tượng thuần túy ưa thích các thuật ngữ như nghệ thuật cụ thể hoặc nghệ thuật phi khách quan, nhưng trên thực tế, từ trừu tượng được sử dụng phổ biến và sự phân biệt giữa hai thuật ngữ này thường được hiểu là có sự đồng dạng đồng nhất .
Theo các nhà phê bình nghệ thuật : Chủ nghĩa lập thể, chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa ấn tượng và chủ nghĩa hậu ấn tượng, đều là tiền thân của hội họa trừu tượng. Những phong trào nghệ thuật này khám phá bản chất của nhận thức. Bằng cách phá vỡ các quy tắc về nghệ thuật, họ đã mở đường cho sự ra đời của nghệ thuật trừu tượng. Tuy nhiên có nhiều họa sĩ cho rằng tính trừu tượng bắt đầu với những bức tranh hang động từ hàng nghìn năm trước.
Một số triết gia về nghệ thuật cho rằng Chủ nghĩa Hiện sinh là một trào lưu triết học có ảnh hưởng lớn trong nghệ thuật nhằm khám phá vai trò của nhận thức chủ quan, nhấn mạnh vào kinh nghiệm trải nghiệm của cá nhân, về quyền tự do và sự tự do lựa chọn mang tính cá nhân, đặc biệt là với nghệ thuật thị giác trong các quá trình suy tư. Chủ nghĩa hiện sinh tập trung vào trải nghiệm cá nhân đã khiến nó trở thành một công cụ hoàn hảo để giải thích về nghệ thuật trừu tượng vào những năm 1950.
Khảo sát lịch sử của các trường phái nghệ thuật chúng ta đều thấy rằng – nghệ thuật trừu tượng cũng nằm trong hệ thống của chủ nghĩa hiện đại. Các nhà phê bình cho rằng – chủ nghĩa hiện đại đề cập đến một phong trào toàn cầu trong xã hội và văn hóa mà từ những thập kỷ đầu của thế kỷ 20, nó đã tìm kiếm sự phù hợp mới với kinh nghiệm và giá trị của cuộc sống công nghiệp hiện đại. Dựa trên những tiền lệ cuối thế kỷ 19, các nghệ sĩ trên khắp thế giới đã sử dụng hình ảnh, vật liệu và kỹ thuật mới để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà họ cảm thấy phản ánh tốt hơn thực tế và hy vọng của xã hội hiện đại. Các thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại” và “nghệ thuật hiện đại” thường được sử dụng để mô tả sự kế thừa của các phong trào nghệ thuật mà các nhà phê bình và sử học đã xác định kể từ chủ nghĩa hiện thực của Gustav Courbet – và đỉnh cao là nghệ thuật trừu tượng và sự phát triển của nó vào những năm 1960. Mặc dù thuật ngữ “chủ nghĩa hiện đại” bao hàm nhiều phong cách khác nhau, nhưng có những nguyên tắc cơ bản nhất định xác định nghệ thuật hiện đại: Từ chối lịch sử và các giá trị bảo thủ (chẳng hạn như mô tả hiện thực đối tượng); đổi mới và thử nghiệm các hình thức (hình khối, màu sắc và đường nét tạo nên tác phẩm) với xu hướng trừu tượng hóa; và nhấn mạnh vào vật liệu, kỹ thuật và quy trình. Chủ nghĩa hiện đại cũng được thúc đẩy bởi các chương trình nghị sự xã hội và chính trị khác nhau. Những điều này thường là không tưởng, và chủ nghĩa hiện đại nói chung gắn liền với những tầm nhìn lý tưởng về cuộc sống và xã hội của con người và niềm tin vào sự tiến bộ. Vào những năm 1960, chủ nghĩa hiện đại đã trở thành một ý tưởng chủ đạo của nghệ thuật, và một lý thuyết đặc biệt hẹp về hội họa hiện đại đã được nhà phê bình người Mỹ có ảnh hưởng lớn Clement Greenberg đưa ra. Một phản ứng sau đó đã diễn ra nhanh chóng được xác định là chủ nghĩa hậu hiện đại.
Giới nghiên cứu nghệ thuật cho rằng nghệ thuật trừu tượng là nghệ thuật phi khách quan, không thể hiện chính xác hiện thực do thị giác nhận biết, nhưng nó sử dụng các hình dạng, màu sắc, đường nét, kết cấu và các ký hiệu để đạt được hiệu quả của nó. Và chúng ta không nhất thiết phải được hiểu ngay chính xác về mặt ý nghĩa của tác phẩm. Về bản chất, nghệ thuật trừu tượng mang lại nguồn cảm hứng vô thức không chủ định, tức là không tìm cách miêu tả bất cứ cái gì cụ thể. Một tác phẩm trừu tượng – điều hệ trọng với tác giả là thỏa mãn tính thẩm mỹ mà người nghệ sĩ đặt ra trong quá trình sáng tạo. Điều đơn giản thuần túy mong đợi nhất là: nó thực sự đẹp và lạ theo tâm trạng cảm xúc chủ quan của người nghệ sĩ sáng tạo ra nó. Khả năng biểu cảm lớn nhất của nghệ thuật trừu tượng chính là sự biểu những xung động trong nội tâm hoàn toàn không liên quan tới bất kỳ hiện thực nào có trong thiên nhiên và cuộc sống. Mục đích chính của nó: nhấn mạnh vai trò của trí tưởng tượng, của vô thức như một yếu tố sáng tạo thuần khiết duy mỹ nhất, kích thích sự tò mò và sự tham gia của cảm xúc thuần túy về cái đẹp vô hình, có ý nghĩa khai sáng giúp người xem có thể tăng thêm nhận thức và sự trải nghiệm về thế giới vô hình, nảy sinh những cảm xúc vui buồn khi chiêm ngưỡng tác phẩm.
Nghệ thuật châu Âu, từ thời Phục Hưng cho đến giữa thế kỷ 19, được quy định bởi luật phối cảnh và nỗ lực mô tả diễn cảm hiện thực hữu hình theo một nguyên lý mỹ học đã được định hình từ thời phục hưng. Tuy vậy khi thời đại thay đổi suy tư cảm xúc thẩm mỹ cũng thay đổi theo, điều này quyết định xu hướng nghệ thuật của nghệ sĩ theo đuổi để sáng tạo theo những hình thức nghệ thuật nào. Nhiều họa sĩ không còn hứng thú với các chủ đề mang tính hiện thực. Thiên nhiên, cuộc sống xã hội và con người – những điều này không còn là những chủ đề trong các tác phẩm hội họa điêu khắc của nhiều nghệ sĩ. Đặc biệt là Wassily Kandinsky – người khởi xướng hội họa trừu tượng, ông đã từ bỏ lối vẽ diễn tả hiện thực để toàn tâm toàn ý cho hội họa trừu tượng đến hết cuộc đời.
Nghệ thuật trừu tượng trong đó việc trình bày miêu tả các sự vật từ thế giới hữu hình đóng một phần rất ít hoặc không có, tự nó cho thấy tính tự do phóng túng gần như tuyệt đối – nó hoàn toàn không lệ thuộc và giống bất cứ cái gì có trong đời sống hiện thực – nó là sự khám phá chính cảm xúc trong tầng sâu của nội tâm và vô thức. Đôi khi nghệ thuật trừu tượng đã gây nên sự hoang mang tranh cãi trong giới yêu thích sưu tầm nghệ thuật… và nhiều người cho rằng vẽ trừu tượng là biểu hiện sự yếu kém về kỹ thuật thể hiện hoặc là do sự lười biếng của họa sĩ và họ hoài nghi về giá trị thẩm mỹ của những tác phẩm trừu tượng. Với những người am hiểu hoặc có khả năng thụ cảm sẽ thích ứng, tâm hồn họ có thể mộng du phiêu dạt với những hình ảnh trừu tượng.
Sự ra đời của máy ảnh đã làm thay đổi một số quan niệm về nghệ thuật. Chỉ với vài phút, vài thao tác đơn giản, bất kỳ ai cầm chiếc máy ảnh cũng có thể tạo nên một bức ảnh phong cảnh thiên nhiên, phố phường, chân dung, hay các phương tiện các đồ vật trong cuộc sống giống như thật đến từng chi tiết nhỏ nhất mà họa sĩ phải mất rất nhiều thời gian, phải có kỹ thuật kỹ năng ở tầm cao, sự kiên nhẫn công phu bền bỉ mới có thể diễn tả được… Với kỹ thuật nhiếp ảnh hiện đại, thời nay chiếc máy ảnh có thể điều khiển tạo ra những bức ảnh có màu sắc, sắc độ sáng tối, độ nét hoàn hảo của hình ảnh gần giống hệt như một bức họa cổ điển… Điều đó đã làm thay đổi tư duy của người họa sĩ. Và điều này làm cho nghệ thuật trừu tượng ngày càng phát triển rực rỡ biến đổi sâu sắc hơn. Nghệ thuật trừu tượng có thể tạo nên những biến thể khác lập ra những hình thức mới trong chính nghệ thuật trừu tượng. Cho dù người nghệ sĩ có bảo thủ đến đâu thì những tác phẩm của ông ta không thể không có sự tác động ảnh hưởng của thời đại mà ông ta sống làm việc. Mỗi nghệ sĩ đều có thể bị ám ảnh bị thôi thúc bởi những gì đang diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội, kinh tế, chính trị , tôn giáo và các luồng tư tưởng hiện đại. Tuy vậy các nghệ sĩ hoàn toàn tự do thể hiện cảm xúc nội tâm mà không cần liên hệ chúng với ký ức của thế giới hiện thực hữu hình. Tác phẩm tự nó chất chứa những thông điệp bí ẩn trong nội tâm trong vô thức của chính tác giả và tự phơi lộ ra trên bề mặt tác phẩm. Tuy có rất nhiều phong cách khác nhau, chúng tồn tại như một xu hướng chung mô tả nghệ thuật phi hiện thực, phi miêu tả, và mỗi phong cách nghệ thuật trừu tượng có ý nghĩa riêng của nó, mỗi nghệ sĩ đều có quan niệm riêng để tạo nên tác phẩm. Các trào lưu nghệ thuật trừu tượng khác nhau bao gồm: chủ nghĩa Tối giản, chủ nghĩa Biểu hiện trừu tượng, chủ nghĩa Phi khách quan, Tân tạo hình, Hội họa trường màu (cánh đồng màu), Trừu tượng trữ tình, Trừu tượng hình học, Trừu tượng sáng tạo, Trừu tượng hình thái sinh học, Hội họa hành động…
Giống như âm nhạc không lời – thay vì các nốt nhạc, tác phẩm trừu tượng sử dụng kết cấu, màu sắc, hình dạng, đường nét để tạo ra một nhịp điệu thị giác đánh động cảm xúc và tinh thần. Tác phẩm trừu tượng ngày càng trở nên gây ấn tượng mạnh hơn có ý nghĩa sâu sắc hơn – trong từng khoảnh khắc nó kích thich sự sáng tạo để phát sinh ra một cảm xúc mới làm thăng hoa tư tưởng sáng tạo, làm phong phú thêm về nhận thức thẩm mỹ.
Trong giới mỹ thuật không ít người cho rằng vẽ trừu tượng không khó hay nói đơn giản là khá dễ ràng. Hình như họ nghĩ rằng cứ bôi màu một cách tự do vô thức không cần suy nghĩ lên bề mặt tấm khung vải là có thể tạo nên một bức tranh trừu tượng… điều này nghe có vẻ gần đúng với tư duy lý thuyết về cách tạo ra một tác phẩm trừu tượng… Tôi nghĩ rằng – người họa sĩ theo đuổi đến trọn đời có thể vẽ được vài ba bức tranh đẹp, nhưng để có sắc thái mang đậm dấu ấn cá nhân độc sáng đạt hiệu quả cả về thẩm mỹ và phong cách riêng là vô cùng khó khăn gian nan, nên rất ít người có thể đạt thành tựu. Nhiều họa sĩ tốt nghiệp trường mỹ thuật có thể hoàn thành tốt một bức tranh có chủ đề theo các phong cách hiện thực, ấn tượng, biểu hiện, siêu thực, dã thú, hồn nhiên thơ ngây… nhưng khi cầm bút vẽ trừu tượng họ sẽ thấy ngay sự bế tắc… nó có thể sa vào sự tầm thường, ngô ngê, nhạt tẻ, nhàm chán…Với đời sống thực tế Việt Nam vô cùng cam go, công chúng rất ít quan tâm đến nghệ thuật hội họa điêu khắc, còn những người có thú chơi sưu tầm nghệ thuật (trong số này có nhiều người Âu Mỹ, họ là khách du lịch hoặc những người làm việc tại Việt Nam), đa số họ đều tìm đến tranh có yếu tố hiện thực, rất hiếm người tìm đến tranh trừu tượng, bởi nên nếu người họa sĩ chỉ mưu sinh bằng tác phẩm của mình mà không có những thu nhập bằng cách khác thì khó mà theo đuổi sự nghiệp trừu tượng đến trọn đời và có thành tựu. Chúng ta điểm số những họa sĩ Việt Nam thành danh từ những người giàu có khá giả sung túc đến bình dân, nếu họ sống thuần túy bằng việc bán tranh thì hầu hết họ đều vẽ theo phong cách hiện thực, gần hiện thực, hoặc có các yêu tố từ hiện thực mà không phải là họa sĩ vẽ trừu tượng.
Những sắc thái giai điệu của màu sắc trong nghệ thuật trừu tượng là một câu chuyện lớn, một chủ đề lớn vô cùng phong phú đa dạng. Chúng ta có thể cảm nhận rằng các màu sắc khác nhau sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc và cả tinh thần của mỗi chúng ta. Có những màu làm ta thấy gần gũi mát mẻ dễ chịu, nhưng có những mầu sắc gây dị ứng ức chế làm ta buồn ngủ, khó chịu, nhức mắt như bị nghe những tiếng động mạnh chói tai.
Khi chiêm ngưỡng một tác phẩm trừu tượng đẹp – nó kích thích xúc tác có thể tạo nên một khoái cảm đặc biệt nào đó làm cho ta cảm thấy tâm hồn hưng phấn tràn đầy năng lượng, đôi khi nó gợi ý tưởng sáng tạo đến mỗi chúng ta ở những lĩnh vực khác không thuộc về nghệ thuật. Bởi nên giới tri thức tinh hoa phương Tây rất ngưỡng mộ và thường xuyên lưu tâm sưu tầm và đi xem các cuộc triển lãm nghệ thuật mang tính trừu tượng ở các gallrey và các bảo tàng nghệ thuật hiện đại. Mỗi tác phẩm trừu tượng sẽ tác động đến chúng ta, tạo ra năng lượng rất khác nhau tùy thuộc vào hòa sắc, số lượng tần suất màu, tông màu, chất liệu màu, kích thước tác phẩm, nơi trưng bày và điều hệ trọng nhất là khả năng thụ cảm nghệ thuật, thói quen thị giác để có thể hòa nhập vào tác phẩm. Nó là sự khám phá những cảm xúc dị biệt của mỗi cá nhân khi thưởng ngoạn tác phẩm. Bất kỳ ai, bằng sự trải nghiệm cuộc sống, bằng trực giác của mình đều có thể tự do có quyền tự diễn giải cảm xúc và khả năng thụ cảm thẩm mỹ của cá nhân mình khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm trừu tượng.
Có thể nói tính trừu tượng đã có ở khắp nơi trên thế gian này – chúng ta khảo sát các hoa văn trang trí trong các bộ trang phục của người da đỏ hay các dân tộc thiểu số ở các vùng rừng núi cao của nhiều quốc gia đều cho thấy tính trừu tượng rất rõ nét và đã có từ thời xa xưa. Chúng ta ngắm nhìn những mảng tường, những phiến đá nham nhở nứt nẻ chất chứa bao ký ức xa xăm, ngắm nhìn màu sắc của những bông hoa, những cánh bướm, ngắm nhìn mặt hồ nước lung linh gợn sóng nhấp nhô, những ngọn đồi núi trùng điệp, những cánh rừng xanh bát ngát, những thảo nguyên mênh mông, ngắm nhìn biển xanh trải rộng đến tận đường chân trời, những vầng mây lững lờ trôi trong ánh chiều thu, những sa mạc cát rộng lớn hoang vu, những dãy núi băng tuyết trắng xóa… Tất cả chúng đều có thể gợi lên những hình ảnh mang tính trừu tượng giúp họa sĩ có thể sử dụng làm tư liệu cho tác phẩm trừu tượng.
Tác phẩm trừu tượng khám phá thế giới vô thức và bản chất bên trong của tâm hồn, khám phá bản chất của ý thức, và những câu hỏi mang tính chiêm nghiệm vượt thời gian về tính siêu việt và tâm linh trong sự ám ảnh mơ hồ luôn được đặt ra nhưng không thể lý giải… thể hiện những thứ nằm ngoài những gì chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt. Thay vì khắc họa những hình ảnh mà chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt hoặc hiểu được, nghệ thuật trừu tượng tập trung vào thế giới tự do của trí tưởng tượng và những xung động xuất thần của trực giác để sáng tạo nên những hình ảnh mà trước đó kinh nghiệm thị giác của con người chưa được biết đến và nó có khả năng dị biệt rất đặc thù – rất đơn giản chỉ bằng duy nhất một hay vài hình khối bình dị tối giản, vài vệt màu, vài mảng màu, vài đường thẳng, vài đường cong uốn lượn bất thường hay buông rơi vài nét đơn sơ rất vu vơ cũng có thể tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ vô cùng mạnh mẽ gây ấn tượng mãnh liệt đến cảm xúc và tinh thần, nó có thể làm ánh nên niềm vui hân hoan sung sướng đủ sức làm lay động tâm hồn hay nỗi buồn cô đơn ám ảnh về thân phận nhỏ bé của kiếp con người mênh mang trôi dạt…
Khi chúng ta lắng nghe âm nhạc không lời, chúng ta không thể cầm nắm chạm vào từng nốt nhạc, chúng ta không nhìn thấy những nốt nhạc, chạm vào những âm thanh du dương bay trong không gian… Những âm thanh giai điệu của bản nhạc hoàn toàn trừu tượng và chúng không thể chuyển thành ngôn ngữ chữ nghĩa lời nói… dù vậy chúng ta vẫn có thể cảm nhận được sự vui buồn của bản nhạc , nó có thể quyến rũ hút hồn làm thăng hoa cảm xúc xao xuyến tâm hồn mỗi chúng ta. Khi chiêm ngưỡng, xem một tác phẩm điêu khắc hay hội họa trừu tượng cũng vậy, chúng ta cũng sẽ liên tưởng giống như ta đang được lắng nghe một bản nhạc không lời… những hình khối, những mảng màu, những vệt màu, những đường cong, đường thẳng, những dấu chấm, những hình vuông, hình tròn, tam giác, tứ giác… những sắc màu mờ ảo hỗn mang mơ hồ được nhào nặn được sắp đặt bố cục trên bề mặt tranh làm cho mỗi chúng ta phải suy tư tìm hiểu và tự đặt ra những câu hỏi tại sao, tại sao những hình ảnh vô hình đó lại có thể gây ấn tượng làm lay động cảm xúc, làm con tim rung động ? Và chúng ta hãy nhâm nhi thưởng ngoạn các tình huống của hình khối của sắc màu của đường nét mà chưa vội vàng cần phải hiểu ngay ý nghĩa tác phẩm cho đỡ nhọc lòng bởi đôi khi suy tư lý trí làm chậm lại nhịp điệu cảm xúc của mỗi chúng ta đang dâng tràn để tận hưởng khoái cảm do tác phẩm đem đến… Đôi khi có những người đã cảm nhận được vẻ đẹp của nghệ thuật trừu tượng mà chưa từng được học hỏi hiểu biết về nghệ thuật trừu tượng, có lẽ đó là do thiên phú, họ được Chúa ban cho đôi mắt và tâm hồn có sự mẫn cảm đặc biệt với vẻ đẹp của nghệ thuật trừu tượng…
Nghệ thuật nói chung không thể dùng ngôn ngữ chữ nghĩa lý giải một cách rõ ràng mạch giống như văn chương. Bởi nên để thấu hiểu, và có khả năng thụ cảm sâu sắc, hầu hết mỗi chúng ta đều phải có quá trình học hỏi trau dồi trải nghiệm trực tiếp mới có thể nhận biết được vẻ đẹp thực sự của nghệ thuật trừu tượng. Có lẽ chúng ta không nên cố gắng xác định ngay ý nghĩa chính xác bằng ngôn từ cho một thứ thuộc về sáng tạo làm thỏa mãn nhu cầu khát vọng tinh thần tự do của người nghệ sĩ. Chúng ta không cần biết chính xác ngay tác phẩm nghệ thuật phải nói về cái gì , ám chỉ điều gì , tác giả muốn ngợi ca hay phê phán cái gì… điều hệ trọng là những tác phẩm trừu tượng đó khơi dậy những gì trong tâm hồn, trong suy tư của mỗi chúng ta, tạo nên niềm vui hay nỗi buồn cho mỗi chúng ta để mỗi chúng ta có sự trân trọng sâu sắc hơn đối với những tác phẩm trừu tượng.
Không có câu trả lời đúng hay sai cho một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng. Đôi khi nó không bàn đến xấu hay đẹp. Bởi bản chất của nó là đưa ra những hình ảnh nhằm đánh động tinh thần kích thích sự tò mò, gợi mở sự sáng tạo, nó cho phép người thưởng ngoạn tham dự xâm nhập vào tác phẩm để tự chiêm nghiệm cá nhân, được tự do khám phá tự đặt ra một ý nghĩa nào đó mà người xem tự cảm thấy, nhận thấy.
Vẻ đẹp và sự tự do của nghệ thuật trừu tượng là hoàn toàn tự do theo đúng nghĩa đen của nó. Vì vậy, đó là cách hoàn hảo để thể hiện những khái niệm trừu tượng vô hình. Các nghệ sĩ đã tìm kiếm một phương cách mới để thể hiện biểu lộ trí tưởng tượng, cảm xúc, nhận thức tư tưởng của chính họ… một cảm xúc trào dâng mãnh liệt, lắng sâu, lặng lẽ, vô ngôn, vô hình thể dần dần được hình thành và trở thành một phần cốt yếu không thể thiếu trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác. Những người sành điệu về nghệ thuật khi thưởng ngoạn chiêm ngưỡng tác phẩm trừu tượng, họ thường thư giãn buông thả tâm hồn như đang lắng nghe những bản nhạc không lời, tâm trạng chìm sâu vào tác phẩm hòa nhập với những giai điệu, âm thanh của bản nhạc và mỗi chúng ta sẽ tự khám phá ra cảm xúc của chính ta khi được chiêm ngưỡng trực tiếp những tác phẩm trừu tượng. Trạng thái này dần dần sẽ bổ sung thêm một lớp ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị thẩm mỹ cho mỗi cách hiểu của chúng ta về một tác phẩm nghệ thuật trừu tượng và chúng ta có thể thẩm thấu hiểu thêm về những ý tưởng của người nghệ sĩ ẩn đằng sau một tác phẩm trừu tượng.
Thời đại thay đổi – những nhu cầu mới xuất hiện nên cần có những kỹ thuật mới. Nghệ thuật trừu tượng là cách mới mẻ để thể hiện những ý tưởng lạ độc sáng trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nó phá vỡ các quy tắc về nghệ thuật của truyền thống từ lâu đã trở nên đông cứng đã suy giảm sự kích thích đến tư tưởng sáng tạo để có thể làm ra những tác phẩm theo tinh thần mới của thời đại mới.
MỘT SỐ HỌA SĨ MANG TÍNH TRỪU TƯỢNG TIÊU BIỂU
1. Wassily Kandinsky, họa sĩ và nhà lý luận nghệ thuật người Nga. Ông là một trong những nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật trừu tượng hiện đại phương Tây. Wassily Kandinsky đã khai thác mối tương quan đầy sức gợi cảm giữa màu sắc và hình thức để tạo ra trải nghiệm thẩm mỹ thu hút thị giác, âm thanh và cảm xúc của công chúng. Ông tin rằng sự trừu tượng hóa hoàn toàn mang lại khả năng diễn đạt sâu sắc, siêu việt. Với cảm hứng cao về việc tạo ra nghệ thuật truyền đạt cảm giác tâm linh phổ quát, ông đã đổi mới ngôn ngữ hình ảnh thể hiện về sự trải nghiệm nội tâm của người nghệ sĩ. Vốn từ vựng về thị giác của ông đã phát triển qua ba giai đoạn, chuyển từ những bức tranh sơn dầu ở thời kỳ đầu mang tính chủ đề và biểu tượng thiêng liêng của chúng sang những tác phẩm mang tính biểu diễn những đường thẳng hình học , mặt phẳng , mảng màu phẳng.
Trên tất cả, bức tranh là tinh thần sâu sắc đối với Kandinsky. Ông đã tìm cách truyền tải tâm linh sâu sắc và chiều sâu của cảm xúc con người thông qua một ngôn ngữ hình ảnh phổ quát của các hình thức và màu sắc trừu tượng vượt qua ranh giới văn hóa và vật chất theo nghĩa truyền thống.
Kandinsky xem nghệ thuật trừu tượng là phi khách quan, là phương thức thị giác lý tưởng để thể hiện “sự cần thiết bên trong” của nghệ sĩ và để truyền tải những cảm xúc và ý tưởng phổ quát của con người. Ông xem mình như một nhà tiên tri với sứ mệnh chia sẻ lý tưởng này với thế giới vì sự tốt đẹp hơn của xã hội. Kandinsky xem âm nhạc là hình thức nghệ thuật phi khách quan siêu việt nhất – các nhạc sĩ có thể gợi lên những hình ảnh trong tâm trí người nghe chỉ bằng âm thanh. Ông cố gắng tạo ra những bức tranh không có đồ vật, giàu tinh thần, ám chỉ đến âm thanh và cảm xúc thông qua sự thống nhất của cảm giác.
Wassily Kandinsky viết :
“Màu sắc là phương tiện trực tiếp tác động đến tâm hồn”
“Trong tất cả các nghệ thuật , vẽ tranh trừu tượng là khó nhất. Nó đòi hỏi bạn phải biết vẽ tốt , bạn có một sự nhạy cảm cao về bố cục , màu sắc và bạn phải là một nhà thơ thực sự. Điều này cuối cùng là điều cần thiết”.
“Màu sắc là chìa khóa , con mắt là chiếc búa. Tâm hồn là cây đàn piano với nhiều hợp âm. Người nghệ sĩ là đôi bàn tay chạm vào những phím đàn, khiến tâm hồn rung động”.
2. Mark Rothko, họa sĩ Mỹ gốc Nga Do Thái (ông được giới thiệu mang phong cách biểu hiện trừu tượng). Tác phẩm của Rothko được đặc trưng bởi sự chú ý nghiêm ngặt đến các yếu tố hình thức như màu sắc, hình dạng, sự cân bằng, chiều sâu, bố cục và tỷ lệ; tuy nhiên, ông từ chối chỉ xem xét các bức tranh của mình theo những khía cạnh này. Ông giải thích: “Một quan niệm được chấp nhận rộng rãi giữa các họa sĩ rằng không quan trọng người ta vẽ gì miễn là nó được vẽ đẹp. Đây là bản chất của chủ nghĩa hàn lâm”.
Trong những tác phẩm của Rothko hầu hết đều quy mô lớn, cấu trúc mở và các lớp màu mỏng kết hợp với nhau để truyền tải ấn tượng về một không gian hình ảnh nông. Màu sắc các tác phẩm của Rothko có lẽ được ca tụng nhiều nhất, hầu hết chúng đạt được độ sáng chưa từng có. Những bức tranh của ông vào những năm 1950 có đặc điểm là mở rộng kích thước và cách sử dụng hình thức ngày càng đơn giản hóa, màu sắc rực rỡ với các lớp màu mỏng, rộng. Trong những hình chữ nhật màu nổi, lớn dường như muốn nhấn chìm người thưởng ngoạn, ông đã khám phá ra thẩm mỹ hội họa với khả năng thành thạo các sắc thái hiếm có về tiềm năng biểu cảm của sự tương phản và điều chế các tông màu sắc. Với kiểu sáng và tối xen kẽ, nghệ thuật của Rothko được phân biệt bởi mức độ hiếm hoi tập trung bền vững vào các đặc tính hình ảnh thuần túy như màu sắc, bề mặt, tỷ lệ và kèm theo niềm tin rằng những yếu tố đó có thể tiết lộ sự hiện diện của một chân lý triết học cao. Các yếu tố thị giác như độ sáng, bóng tối, không gian rộng và độ tương phản của màu sắc đã được chính nghệ sĩ liên kết với các chủ đề sâu sắc như bi kịch, cực lạc, tâm linh, siêu việt, siêu phàm… Rothko thường tránh giải thích nội dung tác phẩm của mình, ông tin rằng hình ảnh trừu tượng có thể trực tiếp đại diện cho bản chất cơ bản của “kịch tính của con người”.
Mark Rothko tuyên bố: “Tôi không phải là người theo chủ nghĩa trừu tượng… Tôi không quan tâm đến mối quan hệ của màu sắc, hình thức hay bất cứ thứ gì khác. Tôi chỉ quan tâm đến việc thể hiện những cảm xúc cơ bản của con người – bi kịch, ngây ngất, diệt vong… và thực tế là rất nhiều người suy sụp và khóc khi nhìn thấy những bức tranh của tôi cho thấy rằng tôi truyền đạt được những cảm xúc cơ bản của con người. Những người khóc trước những bức tranh của tôi đang có cùng một trải nghiệm tôn giáo mà tôi đã có khi tôi vẽ chúng. Và nếu bạn, như bạn nói, chỉ bị rung động bởi các mối quan hệ màu sắc của chúng, thì bạn đã bỏ lỡ vấn đề!”. Rothko ủng hộ quyền tự do của nghệ sĩ. Vào năm ông tự sát ông nói: “Tôi vẫn là một kẻ vô chính phủ”.Rothko viết: “ Nghệ thuật đối với tôi là một giai thoại của tinh thần.”
“Đối với tôi, nghệ thuật là một cuộc phiêu lưu vào một thế giới vô định, chỉ những ai sẵn sàng mạo hiểm mới có thể khám phá được.”
3. Jackson Pollock (ông được gắn mang phong cách biểu hiện trừu tượng) là một họa sĩ người Mỹ có ảnh hưởng và là người dẫn đầu phong trào chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng trong thế giới nghệ thuật. Trong suốt cuộc đời của mình, Pollock đã có được danh tiếng và tai tiếng đáng kể. Sự vĩ đại của Jackson Pollock nằm ở việc phát triển một trong những phong cách trừu tượng triệt để nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, tách rời khỏi màu sắc, xác định lại các thể loại vẽ và hội họa, đồng thời tìm ra các phương tiện mới để mô tả không gian hình ảnh. Ông đã tạo ra một quy mô mới, một định nghĩa mới về bề mặt và cảm ứng, một cú pháp mới của các mối quan hệ giữa không gian, sắc tố, cạnh và hình vẽ, thay thế các thứ bậc bằng một cấu trúc tự tạo phức tạp và mạnh mẽ chưa từng có. Hình thức hội họa này, có mối quan hệ tương tự với phong trào Siêu thực, ở chỗ nó có liên quan trực tiếp đến cảm xúc, biểu hiện và tâm trạng của nghệ sĩ, đồng thời thể hiện cảm giác của họ đằng sau những tác phẩm mà họ thiết kế. Cho đến ngày nay Jackson Pollock được biết đến như một nhà lãnh đạo trong các phong trào nghệ thuật quan trọng nhất của Mỹ trong thế kỷ 20. Những rủi ro và cách tiếp cận sáng tạo mà ông thực hiện đã khiến các nghệ sĩ ở thời sau ông sáng tạo với niềm đam mê, trái ngược với việc cố gắng tuân theo các ranh giới hoặc hướng dẫn đã định. Ngoài ra, những bức tranh tiên phong và tính cách ấn tượng của Pollock đã giúp thu hút sự chú ý đến nhóm rộng lớn hơn của trường phái Biểu hiện Trừu tượng, bao gồm Willem de Kooning , Arshile Gorky, Robert Motherwell, Barnett Newman và Mark Rothko .
Pollock viết :
“Khi bạn vẽ từ vô thức, các hình vẽ nhất định sẽ xuất hiện.”
“Vô thức, với tư cách là nghệ thuật, đi theo sự không kiềm chế, nhưng sự không kiềm chế là chính xác; và khi sự không kiềm chế là chính xác, ảnh hưởng đến tâm trí vẫn là vẻ đẹp”.
“Không quan trọng lớp sơn được phủ lên như thế nào, miễn là có điều gì đó được nói ra”
4. Antoni Tàpies, họa sĩ người Tây Ban Nha. Ông đã kết hợp những mối quan tâm phong phú về khái niệm với thử nghiệm vật liệu và những quy mô hoành tráng. Xuyên suốt các bức tranh, bản in, tác phẩm điêu khắc và các tác phẩm trên giấy của mình, Tàpies đã xây dựng một ngôn ngữ hình ảnh chứa đầy những dấu ấn cử chỉ dày đặc của chữ viết, các biểu tượng và vũ trụ học mang tính bí ẩn. Vật liệu của ông rất đa dạng từ rác, đất đến cát, bụi và đá, tạo ra cảm giác rắn chắc về thể chất trong suốt cuộc đời sáng tạo của ông. Tàpies đã tham gia Venice Biennale bốn lần và triển lãm tại các thành phố bao gồm Paris, London, Barcelona, Brussels, Berlin, Tokyo, Zürich và New York. Các tác phẩm của ông đã được bán trong các cuộc đấu giá và thuộc các bộ sưu tập của Trung tâm Pompidou, Moderna Museet, Kunstmuseum Basel, Fondation Beyeler, Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại và Tate.
Antoni Tàpies viết: “Tôi thường nói với những kẻ cuồng tín của chủ nghĩa hiện thực rằng không có thứ gọi là chủ nghĩa hiện thực trong nghệ thuật: nó chỉ tồn tại trong tâm trí của người quan sát. Nghệ thuật là một biểu tượng, một thứ gợi lên hiện thực trong hình ảnh tinh thần của chúng ta. Đó là lý do tại sao tôi cũng không thấy có sự mâu thuẫn nào giữa nghệ thuật trừu tượng và nghệ thuật hình tượng. ”
“Vẽ nhanh là một hành động có tính toán để ngăn chặn suy nghĩ lý trí.”
“Nghệ thuật phải khiến người xem giật mình suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống.”
Tôi – kẻ si mê thần tượng những thiên tài nghệ thuật nghĩ rằng: Nghệ thuật trừu tượng là vẻ đẹp thiêng liêng vô hình gợi lên sự bí ẩn của linh hồn. Nghệ thuật trừu tượng kích thích tâm hồn thăng hoa hướng đến tầm nhìn siêu việt. Nghệ thuật trừu tượng truyền cảm hứng sáng tạo khám phá những bí ẩn của thế giới tâm linh. Khi vẽ tranh trừu tượng – bạn hãy tin vào trái tim đừng vội tin vào lý trí. Khi vẽ tranh trừu tượng – tâm hồn họa sĩ thăng hoa hướng đến vô tận và vũ trụ thu hẹp lại hiện hữu khiêu vũ trong con mắt người nghệ sĩ. Với nghệ thuật trừu tượng nguyên lý hệ trọng là trí tưởng tượng và tự do tuyệt đối – không có bất kỳ nguyên tắc công thức luật lệ nào được gọi là căn bản. Nghệ thuật trừu tượng hướng tâm hồn đến sự thuần khiết cao nhã siêu việt viên mãn nhất của tinh thần. Khi tinh thần đạt đến sự cao nhã tinh túy thuần khiết nhất – cảm xúc nội tâm người nghệ sĩ hướng đến nghệ thuật trừu tượng.
Nghệ thuật trừu tượng – đó chính là âm nhạc suy tưởng của Chúa ban tặng tâm hồn con người. Ảo tưởng là suy tư đẹp của nghệ sĩ . Tôi đam mê ảo tưởng – bởi nó tăng thêm cho Tôi sức mạnh và tự do.
Tạm dừng những suy cảm về nghệ thuật trừu tượng ở đây. Tôi nhớ đến một câu danh ngôn bất hủ phi thời gian viết về nghệ thuật của triết gia vĩ đại Aristotle: “Mục đích của nghệ thuật không phải là miêu tả diện mạo bên ngoài của sự vật, mà là ý nghĩa bên trong của chúng.”
Hà Nội tháng 6 năm 2022
Paul Vân Thuyết