Từ ngày 25/06- 25/7 CLB Nghệ sĩ Trẻ – Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom giới thiệu triển lãm “Chúng ta đang NGHỊCH gì?”, với 125 tác phẩm của 103 nghệ sĩ trẻ từ khắp mọi miền đất nước, mang đến một sân chơi nghệ thuật sống động đầy ý nghĩa giữa thời điểm đầy biến động này.
Dựa trên tựa sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình” của triết gia nổi tiếng Jiddu Krishnamurti, triển lãm “Chúng ta đang NGHỊCH gì?” là tiếng nói của các nghệ sĩ trẻ về đời sống, tư tưởng, và những câu chuyện mà người trẻ đang quan tâm và tìm hiểu. “Nghịch” ở đây chính là những thử nghiệm mới mẻ trong thực hành sáng tác hay những câu hỏi người nghệ sĩ đặt ra trong quá trình khám phá chính bản thân mình và mối liên hệ tới thế giới bên ngoài.
Trong xã hội hiện nay, những người trẻ có rất nhiều mối quan tâm, đam mê khác nhau và sớm xác định rõ ràng con đường nghệ thuật sẽ theo đuổi. Ở họ chứa đựng một tâm thế tự do trong tư tưởng cũng như những cách biểu đạt đa dạng, dưới nhiều hình thức nghệ thuật và chất liệu khác nhau, từ những ngôn ngữ truyền thống như hội hoạ, điêu khắc, đồ hoạ cho đến những ứng dụng số hiện đại như video art hay sắp đặt. Chủ đề của các tác phẩm cũng rất phong phú, bao gồm những chiêm nghiệm, quan sát cuộc sống thường ngày, những ý niệm chứa đựng suy nghĩ nội tâm sâu sắc hay những xung đột giữa lý trí và cảm xúc. Mỗi tác phẩm là một sự biểu đạt chân thực về một thế giới nhân sinh quan độc nhất – nơi mà mỗi người nghệ sĩ tự kiến tạo, nhằm tìm kiếm bản ngã nghệ thuật của riêng mình.
Có những tác phẩm rất bộc trực, chân thật mang màu sắc cuộc sống như: “Những cái cây trong chậu” của Triệu Phương; “Trong vườn hoa Hàng Trống” của Hoài Giang và Nguyễn Trang, nhưng cũng có tác phẩm thể hiện rất đỗi ưu tư, sâu lắng của người trẻ có thể thấy ở bộ ba “Bản ngã ảo vọng”; “Nguyên sinh ” và “Lụi tàn” của Vũ Tuấn Việt. Mặt khác lại có những chiều ý niệm sâu sắc từ tác phẩm “Tâm vạn chúng sinh” của Lại Minh Huyên; “Khoảng không giữa chúng ta” của Lê Yến Nhi; “Trong nhân gian” của Hoàng Tiến Quyết, hay tác phẩm “Nguồn” của nhóm The Art Gang.
Triển lãm cũng có sự tham gia của các gương mặt nghệ sĩ trẻ quen thuộc như: Phạm Đình Tiến, Phạm Anh, Tử Mộc Trà, Đinh Duy Tôn, Vàng Hải Hưng, Cấn Văn Ân cùng một số gương mặt nhiều triển vọng như: Khương Quyền, Nguyễn Ngọc Long, Kim Ngân, Dương Nguyễn, Đào Đức Lộc, Trần Thị Thu Thảo, Lê Nhật Anh và Nguyễn Hải Linh. Sau cùng, “Chúng ta đang NGHỊCH gì?” là sự phản hồi đầy sáng tạo, tươi mới từ thể loại tới hình thức biểu hiện, từ truyền thống như hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, sắp đặt tới hiện đại như đồ hoạ, đa phương tiện và video nghệ thuật. Đây chính là câu trả lời tích cực từ lớp trẻ đầy tài năng với nền nghệ thuật đương đại nước nhà.a
Nhận định về Triển lãm “Chúng ta đang Nghịch gì?”, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam có viết: “Xưa và nay, thời nào cũng vậy, những người trẻ thường được trợ duyên với những con mắt mới, lòng can đảm và sự tự tin để tạo nên những trang mới cho nền nghệ thuật đương thời.
Các nghệ sĩ trẻ của chúng ta đang có những ngày khác để có những mùa khác khi thế giới đang phẳng và hội nhập văn hoá đang toàn cầu. Tự hào bản sắc và vẻ đẹp lành sạch của tâm hồn Việt là sứ mệnh đương nhiên của họ để tự xoay thập kỷ bản lề”.
Hoạ sĩ Đỗ Hiệp – nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ Trẻ đánh giá: “Năm nay CLB đã có một sự thay đổi mới, lần đầu tiên tham gia một không gian rộng hơn, lớn hơn với nhiều thử thách hơn. Các bạn đang vượt qua, bứt lên một tinh thần sảng khoái”.
Để đi sâu vào giới thiệu về các tác giả – tác phẩm trong triển lãm “Chúng ta đang Nghịch gì? “Chúng tôi chia thành hai phần: Hội hoạ và Điêu khắc- Video Art- Sắp đặt. Về các tác phẩm hội hoạ: Xuyên suốt các tác phẩm về hội hoạ được trưng bày tại triển lãm đó là chủ đề về sắc màu cuộc sống, về bản ngã hay cái tôi, và về xã hội mang nhiều tính ý niệm.
Các tác phẩm với chủ đề sắc màu cuộc sống phần lớn khắc hoạ vẻ đẹp thuần tuý của cảnh vật và con người ở nơi tác giả đang sống. Một số tác phẩm có thể kể đến như bộ ba tranh phong cảnh “Phố cũ ngày mới” của Lê Anh Thư; “Lam” của Ngô Diễm Hạnh và “Hoa đêm” của Vũ Văn Tịch được treo cạnh nhau, ngay phía bắt đầu triển lãm. Với “Phố cũ ngày mới”, hoạ sĩ Anh Thư đã dùng bút pháp tả thực và chất liệu sơn dầu để khắc hoạ vẻ đẹp bình dị, quen thuộc của Hà Nội: một góc khu tập thể cũ với mảng tường vàng tràn ngập nắng, bụi hoa giấy và quán cóc ven đường. Một cảnh vật thường thấy trên đường phố Hà Nội nhưng dễ gợi nhiều cảm xúc trong lòng của những người Hà Nội xa quê. Khác với “Phố cũ ngày mới”, tuy cũng tả cảnh nhưng “Lam” của Ngô Diễm Hạnh lại không đi sâu vào chi tiết mà sử dụng các mảng miếng, sắc độ xanh để gợi lên vẻ đẹp của mảng tường có bóng cây chiếu vào. “Lam” mang đậm chất hội hoạ ấn tượng với sự tập trung khai thác về bố cục, hình khối, mảng miếng. Bên cạnh đó là bức “Hoa đêm” của Vũ Văn Tịch với chất liệu sơn mài. Tác giả đã khai thác rất tinh tế ngôn ngữ đặc trưng của sơn mài với các kĩ thuật, màu sắc đặc trưng của sơn mài để lột tả đầy sinh động sự chuyển động của những khóm hoa rong riềng trong đêm. Màu son đỏ được sử dụng cho phần cánh hoa, góp phần tôn lên vẻ đẹp của bông hoa và làm nổi bật so với phần nền tối phía sau. Với hai chất liệu khác nhau và các phong cách biểu đạt đa dạng, người xem triển lãm có thể phần nào cảm nhận được cảnh sắc qua lăng kính của các hoạ sĩ trẻ này.
Có thể nói chủ đề về bản ngã và cái tôi là chủ đề lớn nhất, được khai thác nhiều nhất trong triển lãm với sự xuất hiện của rất nhiều các tác phẩm tự hoạ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi các nghệ sĩ đều ở độ tuổi rất trẻ, từ 20 đến 35 tuổi và phần lớn mới bắt đầu con đường nghệ thuật chuyên nghiệp và thời gian để tìm tòi, khám phá còn rất dài. Đây cũng là lúc họ muốn được thể hiện bản thân nhất, muốn được tìm câu trả lời cho những suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở trong hành trình đi tìm ngôn ngữ của riêng mình. Một số các tác phẩm có thể kể đến như tác phẩm “Trói” của Lê Vũ; “Tự hoạ với áo cam” của Hải Linh; bộ các tác phẩm tự hoạ được đặt cạnh nhau như “Tôi và tôi, và tôi” của Nguyễn Hưng Giang; “Một mình” của Thảo Nguyên; “Nhật hoạ” của Trần Thị Hương Giang; “Chuyến đi” của Mạnh Trần. Tác phẩm “Trói” của Lê Vũ khắc hoạ bản thân hoạ sĩ trong một trạng thái cảm xúc bị trói buộc. Tác phẩm được vẽ khi họa sĩ tự nhốt mình trong phòng 3 ngày, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài và tìm đến việc vẽ như một cách để giải tỏa. “Tự hoạ với áo cam” của Hải Linh cũng được sáng tác trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch Covid, cũng là lúc hoạ sĩ vừa quyết định nghỉ công việc toàn thời gian để tập trung vào sáng tác.
Vì vậy tác phẩm thể hiện trạng thái cảm xúc vừa bối rối, vừa tĩnh tại với cái nhìn trực diện tới người xem tạo sự kết nối mang tính cá nhân. “Tôi và tôi, và tôi” của Nguyễn Hưng Giang lột tả tác giả trong bốn trạng thái cảm xúc tiếp diễn: từ trạng thái tuyệt vọng, bế tắc chuyển sang tức giận, rồi đến trạng thái chính ở đây, trình bày ở trung tâm bức tranh dường như tác giả đã tìm được câu trả lời, với ánh mắt ngước nhìn lên và tay cầm bút – thể hiện khoảnh khắc nhận ra được việc theo đuổi nghệ thuật chính là câu trả lời. Trạng thái cuối cùng thể hiện một tác giả đang đứng và đặt tay lên vai trạng thái thứ ba, dường như để thể hiện sự tĩnh tâm, bình tĩnh của tác giả đang tự tiếp thêm sức mạnh cho bản thân để theo đuổi hành trình mình mong muốn. “Chuyến đi” của Mạnh Trần được vẽ sau khi dịch Covid bùng phát, việc đi lại không còn dễ dàng như trước đây và việc này làm tác giả nhận ra tầm quan trọng của những chuyến đi. Với ngôn ngữ hội hoạ có phần siêu thực và biểu tượng, hoạ sĩ đã khắc hoạ sự tươi đẹp của những chuyến đi – những trải nghiệm mở mang tầm mắt và học hỏi được nhiều điều. Với tông màu tươi sáng và hình ảnh chiều hoàng hôn ở chính giữa, tác giả đã phần nào gửi gắm niềm tin tích cực vào một tương lai tươi sáng hơn với dịch bệnh được kiểm soát, và các chuyến đi có thể quay trở lại.
Nếu hai chủ đề về sắc màu cuộc sống và cái tôi đều mang tính cá nhân cao, chủ đề về xã hội mang đến những chiêm nghiệm rộng hơn về đời, về xã hội nói chung. Một số tác phẩm tiêu biểu trong chủ đề này có thể kể đến bộ hai tác phẩm sơn dầu “Cuộc thi” và “Sống” của Vàng Hải Hưng; “Quy hoạch” của Đình Tuấn; “Trăng tan” của Phạm Anh và bộ ba tranh “Bản ngã ảo vọng”; “Lụi tàn” và “Nguyên sinh” của Vũ Tuấn Việt. Bộ hai tranh của Vàng Hải Hưng lấy hình ảnh hai con gà chọi ở tác phẩm “Cuộc thi” như là một biểu tượng cho con người, rằng cuộc đời này là một cuộc chiến/cuộc thi có kẻ thắng, người thua và luôn luôn có ánh nhìn dèm pha của người ngoài vào. Đàn gà trống ở tác phẩm “Sống” cũng là một hình ảnh tượng trưng cho những cá thể trong xã hội, một bầy đàn bị áp đặt những tiêu chuẩn giống nhau và chịu sự kiểm soát, định kiến. Tuy vậy, Hải Hưng vẫn có một cái nhìn tích cực, thể hiện qua tông màu đỏ – màu của niềm tin và hy vọng. Vô vàn những chiếc mào gà nhìn từ xa giống như một vườn hoa đỏ – một hình ảnh rất lãng mạn và tươi đẹp, thể hiện niềm tin của tác giả vào tương lai. Bộ tranh “Trăng tan” của Phạm Anh cũng dùng tông màu đỏ làm chủ đạo và thể hiện sự đau khổ, bế tắc của con người. Tuy nhiên, những yếu tố có phần tiêu cực này lại được hoạ sĩ dùng ngôn ngữ hội họa tinh tế, với những nét bút và sự chuyển màu mượt mà nhằm lãng mạn hoá sự khổ đau. Bộ ba tranh của Vũ Tuấn Việt thể hiện chiêm nghiệm của hoạ sĩ về mối quan hệ giữa cá nhân với xã hội qua phong cách vẽ lập thể. Trong “Bản ngã ảo vọng”, anh thể hiện một cô gái trẻ đang trong độ tuổi đẹp nhất của đời người, có trong tay sắc đẹp và quyền lực, xung quanh cô là vô vàn những người bám theo mong được lan tỏa một phần ánh sáng ấy. Thế nhưng, tác phẩm “Lụi tàn” thể hiện thực tế khi đến tuổi xế chiều, cái tôi cá nhân của cô gái được thu nhỏ lại, cô trở về hoà mình với cuộc sống xung quanh và có nhiều thời gian để quan sát và chiêm nghiệm. Khi ấy cô không còn là trung tâm của bức tranh nữa mà thu về một góc nhỏ. Ở tác phẩm cuối cùng “Nguyên sinh”, Tuấn Việt dường như đang tự hoạ về bản thân, với trung tâm bức tranh là một người ở trạng thái nguyên thuỷ đang cố gồng mình để theo kịp sự đổi thay của xã hội.
Qua những cách thể hiện đa dạng mà sâu sắc, các nghệ sĩ trẻ đã phần nào đưa người xem đến gần hơn những quan sát, chiêm nghiệm cá nhân của mình.
Về các tác phẩm Điêu khắc- Video Art và Sắp đặt
Cũng giống như các nội dung mà các nghệ sĩ trẻ thể hiện ở các tác phẩm hội hoạ. Các tác phẩm Điêu khắc- Video Art và Sắp đặt được lấy cảm hứng từ tình yêu cái tôi riêng, cảm hứng từ tình yêu với thiên nhiên cuộc sống hay những vấn đề, những câu chuyện xoay quanh xã hội
Trước hết là cảm hứng từ tình yêu, cái tôi và bản ngã. Ở tác phẩm “My love” của Đinh Duy Tôn. Tác phẩm được sáng tác lúc tác giả đang yêu, trong tình yêu, một tình yêu với sự quấn quýt và hạnh phúc. Nhìn vào tác phẩm ta thấy chất liệu inox được nghệ sĩ mài rũa sáng bóng kết cấu của hai khối quện làm một tạo chuyển động ngầm bên trong. Hai thực thể như 2 con người đang quấn quýt nhảy múa. Cùng với trạng thái trong tình yêu, là tác phẩm “Hạnh phúc” Nguyễn Dương một nữ sinh viên điêu khắc đã lấy cảm hứng từ trào lưu biến hình “Phép thuật winx“ đang làm mưa làm gió trong cộng đồng mạng. Không quá đặt nặng về mặt tư tưởng, truyền tải những cảm xúc nhẹ nhàng tươi mới đến công chúng. Happy – là những anh chàng “chim béo“ tinh nghịch, tự do tự tại, thân hình mũm mĩm nhưng lại được nâng lên bằng đôi cánh nhỏ mỏng manh. Cho dù bạn nhỏ bé, bạn đơn độc, nhưng với trách nhiệm trên vai bạn không bao giờ bỏ cuộc. Ở một góc nhìn khác “Happy” vừa là bộ phận trên cơ thể người, vừa là động vật, vừa mang đặc điểm của côn trùng gợi lên sự liên tưởng đa chiều. Tưởng vậy mà không phải vậy, nhìn thấy vậy nhưng chưa chắc là vậy, hiểu được nhưng chưa chắc đã hiểu đúng.
Đối lập với trạng thái đang trong tình yêu quấn quýt là cảm xúc từ tâm trạng, chàng trai cô đơn, mỏng manh như “Hoa bay trong gió”. Bố cục của tác phẩm khi nhìn vào sẽ có cảm giác “mong manh”. Tác phẩm này làm về một người đang đứng trước cuộc sống. Dường như con người quá nhỏ bé trước một thế giới rộng lớn, giống như những bông hoa mỏng manh trước những con gió. Cùng môt trạng thái cảm xúc của con người khi đang yêu và đang cô đơn. Đinh Duy Tôn đã mượn cảm xúc cá nhân để để gửi gắm tâm sự riêng tư qua các tác phẩm nghệ thuật của mình. Cùng đề tài có cảm hứng về tình yêu. Tác phẩm “Bước sóng” Lê Trọng Thanh Lấy ý tưởng từ những con sóng lúc dữ dội lúc dịu êm gợi tả tâm lý của người con gái khi yêu cũng luôn thay đổi thất thường khó hiểu nhưng đôi khi dịu dàng đến lạ kì. Tác giả sử dụng chất liệu giấy bồi, giấy báo tái sử dụng và keo sữa để tạo form của một cô gái đang ngồi trước biển rất quyến rũ bí ẩn. Mang yếu tố cá nhân và ý niệm sâu sắc hơn “Mỗi ngày và Một ngày” của Phạm Đình Tiến- Giảng viên khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hai tác phẩm được trưng bày mix lại vói nhau. Để ẩn ý về sự tồn tại và ý nghĩa trân trọng cuộc sống, “Một ngày” video quay lại quá trình phân huỷ của tác phẩm – chân dung chính tác giả. Tác phẩm được tác giả thực hiện đặt quay 16 lần với 16 chân dung tự hoạ. Tiến đã từng thực hành quay trực tiếp tại triển lãm cá nhân của anh vào năm 2017 cho khán giả xem về sự phân hủy đó. Bằng cách sử dụng chất liệu mộc, gần gũi nhưng dễ tan biến và đối diện với đó là chân dung được đổ bạc nguyên chất, đặt trên tấm kính như tấm gương phản chiếu lại bản thân. Tác phẩm được lấy cảm hứng từ bài hát “Hai triệu năm” của ca sĩ nhạc rap Đen vâu. Chất liệu quý nhưng lại bạc, bạc giống như sự bạc bẽo trong cuộc sống. Qua đó Tiến muốn gửi gắm những thông điệp về cuộc sống, trân trọng cuộc sống và hãy sống ý nghĩa.
Ở các tác phẩm được lấy cảm hứng từ tình yêu với cuộc sống. Đáng chú ý nhất là “Lan toả” những giá trị tốt đẹp và kết nối nội tâm cá nhân mỗi người với cuộc sống. “Lan toả” của Hoàng Thị Duyên được lấy ý tưởng từ chính nội tâm của mình vào nhịp sống hiện nay. Cuộc sống là những vòng xoay chuyển động khác nhau mà cần ta phải vượt qua. Nhiều khi có những áp lực hay mệt mỏi điều đó không thể tránh khỏi, nhưng khi ta biết cách lan toả những gì tốt đẹp mà mình có với mọi người xung quanh và học cách đương đầu với khó khăn thì mọi việc sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Tác phẩm sử dụng những đường cong được sắp đặt có chủ đích , từ chất liệu cứng cáp của sắt kết hợp với những viên bi sắt tròn để tạo cảm giác giống như những đoá hoa đang bung toả vừa mạnh mẽ vừa mền mại cần được lan toả cho mọi người theo nhịp sống hiện nay.
Với tác phẩm “Ký II” những nét chữ độc đáo luôn là niềm cảm hứng mà tôi theo đuổi từ thời trung học. Tôi muốn tìm tòi và tạo ra những nét chữ mới lạ để thoả mãn chính mình. Và nó cũng là thứ đã dẫn dắt tôi đến với con đường làm nghệ thuật, con đường thực hiện hoá những ý tưởng trước kia. Từ những nét chữ trên giấy tôi chuyển hoá thành dạng hình thể 3 chiều để mọi người có thể cảm nhận được từng góc nhìn, từng hình ảnh trong đó, mỗi góc nhìn mỗi cảm nhận hiện lên trong tâm tưởng mỗi người một chữ khác nhau. Tôi thể hiện những chữ tạo lên cảm xúc của tôi, đem nó đến hiện thực như ký tặng, gửi gắm tâm tư của mình trong đó. Hi vọng sẽ có nhiều người nhìn ra và đồng cảm với cảm xúc ấy của tôi, hoặc có thể họ sẽ nhìn ra con chữ hiện ra trong cảm xúc của họ. Những điều đó đều làm tôi cảm thấy rất vui khi người xem có sự tương tác và cảm nhận tác phẩm.
“Vũ điệu của mầm sống” của tác giả Đào Nhật Minh gợi nên sự vươn lên, căng tràn của các mầm sống. Hay “Vũ khúc của biển ” cảm hứng từ những con sóng biển ở Phú Quốc. Khi tác giả lặng nhìn sự chuyển động nhịp nhàng theo con nước, mới vỡ ra những gì ẩn dưới làn nước biển lại cuốn hút đến vậy. Nghệ sĩ sử dụng đá bazan ở Tây Nguyên tạo hình nguyên khối có trọng lượng 130 kg. Nhìn tổng thể giống như hình thể của con ốc anh vũ đang khoe mình, chắc chắn khoẻ khoắn mà không mất đi sự uyển chuyển mềm mại.
Bên cạnh các tác phẩm được cảm hứng từ tình yêu với cái tôi, với thiên nhiên là những câu chuyện được cảm hứng từ các vấn đề xã hội như bộ “Giãn cách và Kết nối” của Thanh Túc. “Mùa đông – Mưa mùa đông”: Trần Công Định. Tác phẩm là cảm xúc về góc khuất của những người lao động trong mỗi buổi chiều về, nghĩ đến gánh nặng về gia đình, cuộc sống, sự lo lắng, ưu phiền đọng lại trong lòng. Với tạo hình cô đọng, khối vững chắc, tối giản bằng sắt hàn. Trần Công Định đã đem đến cho người xem những cảm xúc, đồng cảm, gần gũi họ. Khác với các nghệ sĩ được đào tạo căn bản trong trường lớp. Hai nghệ sĩ thực hành đa phương tiện: Thanh Mai và Bằng Giang với tác phẩm: “Hoa thơm quả lạ” được cảm hứng từ các vấn đề về miệt thị. Trong đó, miệt thị cơ thể không còn là một điều quá xa lạ.Trước hiện tượng này, Giang và Mai đã làm một thể nghiệm chơi đùa cùng hoa quả. Hài hước nhưng không kém phần kịch tính. Kết hợp kỹ thuật đóng băng khoảnh khắc cùng quan sát quá trình ủ vài chục ngày trong các vật chứa, chúng tôi mời mọi người cùng ngắm nhìn và chiêm nghiệm về số phận những hoa quả này, vì có lẽ đây vốn không phải phản ứng tự nhiên của hầu hết mọi người trong cuộc sống thường nhật khi tình cờ làm những thí nghiệm tương tự. Mỗi quả có những phản ứng khác nhau trong cùng khoảng thời gian bị “lãng quên” và “mặc kệ”. Cái gì lắng xuống? Cái gì đọng lại? Trong suốt quá trình cất giữ, chúng tôi phải để nắp vật chứa đủ mở để khí ga có chỗ thoát, tránh gây nổ. Nhưng liệu rồi việc “xả” có tiếp tục mãi được? Không ai đủ sức để cứ mãi duy trì một trạng thái kiềm chế như vậy.” “Hoa thơm quả lạ” là một thực hành về sự chuyển đổi mang thông điệp về sự trân trọng cuộc sống. Ở video art “Giấc mơ cũ” của nhóm sinh viên HH60 nói về sự trân trọng những điều quý giá, người thân, gia đình khi còn trẻ.
Sau cùng triển lãm “Chúng ta đang NGHỊCH gì?” là sự phản hồi đầy sáng tạo và nổi bật của các nghệ sĩ trẻ trong dòng chảy phát triển Nghệ thuật Đương đại Việt Nam.