Đến hẹn lại lên, vào đúng dịp cả thế giới đang hân hoan đón mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, lại đúng dịp đầu xuân Kỷ Hợi, không khí Tết dường như vẫn còn vương vấn trên những cành đào nở muộn, các chị em nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Nữ tác giả thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam lại tề tựu ngay tại chốn cũ ấy, nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội để cùng nhau tổ chức triển lãm mỹ thuật mang tên “Tìm về ký ức”. Triển lãm diễn ra trong vòng nửa tháng (8/3-23/3), và đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của công chúng yêu mỹ thuật Thủ đô. Quả thật là một tín hiệu đáng mừng.
Chủ đề năm nay mà Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ đưa ra cho các hội viên tham gia là “Miền ký ức xưa”. Một chủ đề thú vị và hứa hẹn chạm vào tâm can của nhiều thế hệ họa sĩ. Và quả thực như vậy, 84 tác phẩm của 84 tác giả trưng bày tại triển lãm đã mang đến cho người xem những cảm xúc khác nhau, những cảm giác bồi hồi xen lẫn xúc động. Miền ký ức ấy trong mỗi người chúng ta đã từng trải qua mỗi người một vẻ có những ký ức đẹp và cả những ký ức sẽ đi theo ta mãi về sau này. Có thể nói, ký ức là một phạm trù khá rộng và cũng khá “mông lung” nhưng các nữ nghệ sĩ đã khéo léo xử lý với những toan, những vóc, những ganh… kết hợp những chất liệu vốn đã quen thuộc như sơn dầu, sơn mài, bột màu, lụa… để cho ra được những tác phẩm ưng ý nhất.
Hầu hết các nữ nghệ sĩ tại triển lãm đã định hình được phong cách và đi theo nó suốt những năm cuộc đời nghệ thuật của mình. Có người thành danh với “thương hiệu” không trộn lẫn với bất cứ ai, có người tuy chưa được nhiều người biết đến nhưng suy cho cùng với người nghệ sĩ, được sáng tác là niềm vui chân quý nhất. Người xem không khó nhận ra một Lê Kim Mỹ với những tác phẩm lụa chứa chan tình cảm nhưng sâu lắng của bà, “Dệt cửi” là một tác phẩm điển hình như vậy. Một Nguyễn Thị Tiến góp mặt với cành “Hoa mơ”, gợi nhớ một kỷ niệm của bà ở xứ Tây Bắc hùng vĩ. Là “Đường về” của Phùng Mỵ Trâm, những cô gái, cảnh sắc của Tây Bắc luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận, khắc sâu trong tâm trí và tâm thức sáng tạo đối với mỗi một nghệ sĩ khi đến với nơi đây, với Phùng Mỵ Trâm cũng không là ngoại lệ. Nguyễn Thị Thu mang đến một tác phẩm sơn mài đẹp “Sen và Thiếu nữ”, vẫn trong niềm cảm hứng hoa lá, Phan Thị Thanh Mai với tác phẩm “Sắc vàng mùa xuân” với sắc màu tươi tắn được nhiều người yêu thích. Âm hưởng phố phường Hà Nội, nơi chốn đô thị phồn hoa được mang nhìn thấy ở vài tác phẩm “Ngày xuân bên hồ” của Mai San; “Nắng thu” của Bùi Lan Phương, “Ban mai phố” của Nguyễn Thị Hồng,… Điểm xuyết ở giữa không gian trưng bày phòng triển lãm là các tác phẩm điêu khắc “Nhớ con” của Nguyễn Hiên; “Hoa biển” của Hoàng Thanh Như; “Nhụy” của Nguyễn Thị Kim Liên và “Cân bằng” của Lê Thị Hiền.
Không thể không nhắc đến nữ họa sĩ lão thành Nguyễn Minh Mỹ (năm nay gần 100 tuổi), bà chính là người “truyền lửa vĩ đại” đến với các nữ nghệ sĩ nói riêng cũng như trong giới nghệ sĩ nói chung về tinh thần lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Bà tham dự với tác phẩm lụa thắm đượm tình nhân văn “Mẹ con”. Vẫn còn rất nhiều tên tuổi nữ nghệ sĩ mà giới hạn bài viết chưa thể đề cập được hết. Tuy nhiên, điều quan trọng là thông qua triển lãm, các nữ nghệ sĩ một lần nữa khẳng định được vai trò và vị thế của mình trong xã hội hiện đại, một người phụ nữ đẹp không nhất thiết là một người phụ nữ của gia đình, một người phụ nữ chỉ biết đến “bếp núc”. Họ vẫn có thể làm tốt cả hai vai trò ấy, thậm chí là còn làm xuất sắc.
Để kết thúc bài viết, xin được trích lại một đoạn trong lời giới thiệu của Nhà phê bình Mỹ thuật Nguyễn Hải Yến (hiện đang là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ tác giả) nói về triển lãm: “Mỗi người đều cất giữ một kỷ niệm ký ức của riêng mình. Người nghệ sĩ lại càng trân trọng những ký ức đã qua của một thời xa vắng. Ký ức ấy là những miền quê yên ả, là nơi quần tụ bếp lửa nhà sàn ấm áp những chiều đông lạnh lẽo, là con đường quen thuộc đi về xum họp gia đình những Tết xưa. Ký ức là cuộc trở về từ nỗi buồn chiến tranh thầm lặng, là gặp gỡ chia sẻ bạn bè những Thăng trầm – Thành bại. Ký ức dù có phôi pha nhưng vẫn còn hoài niệm. Chúng ta trân trọng những giá trị thời gian không tàn phai theo năm tháng.”
Hoàng Chính