PHIÊN ĐẤU CHRISTIES NGÀY 26 “CÁC TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT THẾ KỶ 20 VÀ 21” TRIỆU ĐÔ

Nội dung chính

Phiên đấu vừa diễn ra tại Hong Kong lúc 7 giờ tối nay ngày 26/9 đã khuấy động bầu không khí của giới nghệ thuật trên toàn thế giới với 43 tác phẩm tuyệt đẹp đến từ nhiều nên văn hóa khác nhau. Các tuyệt tác lần lượt được vén màn với con số gõ búa kỷ lục, trong số đó có các cái tên đình đám như Vincent Van Gogh, Claude Monet, Zhao Wuji,.. và đặc biệt phải kể đến sự góp mặt của danh họa Việt Nam – Lê Phổ, thầy Tây với cảm hứng nghệ thuật mãnh liệt với Việt Nam – Alix Ayme.

Không gian phiên đấu Christies’s ngày 26/9.

Phiên đấu giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của những bậc thầy nổi tiếng từ thời kỳ hiện đại và sau chiến tranh, cùng với những nghệ sĩ đương đại xuất chúng và những nghệ sĩ mới nổi từ khu vực và toàn cầu. Phiên đấu giá mở màn được dẫn dắt bởi bức tranh “Nymphéas” nổi tiếng của bậc thầy Ấn tượng Claude Monet, cùng với tác phẩm bất hủ “Les canots amarrés” của danh họa Hậu Ấn tượng Vincent van Gogh, một tác phẩm hoành tráng của bậc thầy trừu tượng hiện đại Zao Wou Ki, “05.06.80 – Triptyque. Theo sau đó, bên cạnh rất nhiều cái tên nổi danh khác, nổi bật một phong cách đặc sắc riêng biệt – Lê Phổ.

LE PHO (1907-2001)
Les musiciens dans un jardin (Musicians in a Garden) Vẽ khoảng 1940.
Ký tên phía trên bên trái
Mực và màu bột trên lụa
72 x 54 cm. (28 3⁄8 x 21 1⁄4 in.)

 Giá gõ búa 6.500.000 HKD +26% phí, tổng 8,190.000 HKD tương đương 1.050.500 USD.

Tác phẩm góp mặt trong phiên đấu tối nay là “Les Musiciens dans un Jardin” (Những nhạc công trong vườn), vẽ khoảng năm 1940. Trong tác phẩm màu mực và gouache (màu nước pha bột) trên lụa tuyệt đẹp với kích thước lớn, Lê Phổ đã mang đến hình ảnh hai nhạc công người Bắc Kỳ: một cô gái thổi sáo nổi bật, bên cạnh là một cô gái trẻ chơi đàn nguyệt. Ngoài chiếc khăn đội đầu truyền thống của Bắc Kỳ, cô gái trẻ còn mặc áo dài được Nguyễn Cát Tường cải tiến vào những năm 1930. Trong khi cô gái thổi sáo chiếm giữ vị trí trung tâm của bức tranh, người chơi đàn nguyệt lại lệch về phía bên phải phía sau tán cây, như thể trong sân khấu ấy, nàng chỉ góp nhạc chứ chẳng góp hình.

Trong tác phẩm trên lụa của mình, Lê Phổ sử dụng màu sắc nhẹ nhàng với một lợi thế kỹ thuật sẵn có từ màu bột tạo nên cấu trúc bởi màu đen của tóc và đàn nguyệt. Dường như, ông nhắc nhở chúng ta rằng hội họa cũng có thể hát và âm nhạc lại có thể gợi ra hình ảnh, nhưng nhạc cụ thiết yếu không thể thay thế duy nhất là chính người nghệ sĩ.

 

ALIX AYMÉ (1894-1989)
Pastorale, vẽ khoảng 1938-1940
Ký dưới bên phải tại bảng giữa
Sơn mài trên bảng gỗ
Mỗi tấm: 150 x 76 cm. (59 x 29 7⁄8 in.) (3)
Tổng thể: 150 x 228 cm. (59 x 89 3⁄4 in.)
Giá gõ búa 3.000.000 HKD +26% phí, tổng 3.780.000 HKD tương đương 495.500 USD.

Alix Ayme (1894-1989)- Giáo sư trường Mỹ thuật Đông Dương, sinh ra ở thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp vào năm 1894. Sớm bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, bà theo học mỹ thuật và âm nhạc tại Nhạc viện Toulouse. Sau khi quyết định chọn vẽ là sự nghiệp cả cuộc đời, bà chuyển đến Paris lập nghiệp, trở thành học trò kiêm đồng nghiệp của họa sĩ Maurice Denis, người tiên phong sáng lập nên trường phái Nabis.

Bà kết hôn năm 1920 và chuyển đến Thượng Hải với người chồng đầu tiên, giáo sư Paul de Fautereau-Vassel, người được bổ nhiệm vào Phái bộ Pháp-Trung. Chuyến đi này mở một chương mới cho cuộc đời đầy ắp khám phá, trải nghiệm của bà. Năm 1925, bà dạy vẽ tại trường Mỹ thuật đông dương tại Hà Nội.

Hiếm thấy một tác phẩm sơn mài với kích thước lớn như này từ Alix Ayme trên các sàn đấu quốc tế, đây quả là một tuyệt tác đáng giá. Trong tranh khắc họa 10 nàng thơ sinh động với đa dạng hình dáng và sắc thái. Tác phẩm là sự hồi tưởng lại bức tranh “Les Muses” của Maurice Denis năm 1893: cũng là một tác phẩm lớn, với những nàng thơ truyền thống không có bất kỳ biểu tượng nào để nhận diện trong không gian khu rừng thiêng, khoác lên mình trang phục thanh lịch và sự cách điệu tổng thể. Điều đáng chú ý trong tác phẩm của Alix Ayme bà đã vẽ thêm nàng thơ thứ mười (thông thường chỉ có chín nàng thơ). Maurice Denis coi đó là sự phát triển của tâm hồn bằng đôi sự duyên dáng của tình yêu và nghệ thuật.

“Pastorale” thể hiện tài năng tuyệt vời của họa sĩ trong việc sử dụng tất cả các khía cạnh của sơn mài. Một chất liệu mà bà bắt đầu sử dụng ở Hà Nội từ năm 1923 – bà viết cho người thầy của mình Maurice Denis “Tôi cũng đang học sơn mài với một người Nhật, nhằm mục đích đào tạo một vài học sinh,” (mặc dù ngày tháng của lá thư chứng thực điều này có thể bị tranh cãi vài năm). Tác phẩm này cho thấy cách bà làm chủ được sự hòa hợp của ba sắc đỏ chu sa, vàng (sunfat cadimi), trắng (sunfat bari) và vàng. Có lẽ cũng sử dụng bạc, chì và kẽm. Cần nói thêm rằng hiệu ứng sáng và mờ được sử dụng một cách tinh tế.

Về cơ bản, như trong hầu hết các tác phẩm của mình, Alix Aymé tri ân người thầy chính của bà, Maurice Denis (1870-1943)

Một vài những tuyệt tác khác góp mặt trong phiên đấu tối nay từ các danh họa lớn quốc tế:

VINCENT VAN GOGH (1853-1890)
Les canots amarrés
Sơn dầu trên vải
52 x 65 cm. (20 1⁄2 x 25 5⁄8 in.)
Vẽ tại Paris vào mùa hè năm 1887.

“Và khi tôi vẽ phong cảnh ở Asnières mùa hè này, tôi thấy màu sắc trong đó nhiều hơn bao giờ hết.” ——Vincent van Gogh

Được vẽ trong khoảng thời gian hai năm chuyển mình của nghệ sĩ khi ở Paris, “Les canots amarrés” là một trong loạt tranh phong cảnh quan trọng mà Vincent van Gogh đã tạo ra vào mùa hè năm 1887 tại Asnières, một vùng ngoại ô nổi tiếng nằm bên sông Seine, phía tây bắc của thủ đô. Từ tháng 5 đến tháng 7, Van Gogh thực hiện những chuyến đi ngắn từ nhà của mình ở Montmartre đến thị trấn nên thơ này. Chính tại đây, ông đã áp dụng một loạt các bài học phong cách mà ông tiếp thu được trong thời gian sống tại thành phố, và bắt đầu định hình phong cách hội họa độc đáo của mình thông qua việc sáng tạo ra một loạt tranh phong cảnh tuyệt đẹp.

Tranh đã được triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới.

 

CLAUDE MONET (1840 – 1926)
Nymphéas
Được đóng dấu “Claude Monet” trên cả 2 mặt
Sơn dầu trên vải
73.3 x 101 cm. (28 7⁄8 x 39 3⁄4 in.)
Vẽ khoảng năm 1897-1899.
 

“Tôi luôn yêu bầu trời và nước, lá cây và hoa. Tôi tìm thấy chúng dư thừa trong hồ nhỏ của mình.” ——Claude Monet

Nymphéas cuốn hút người xem vào một thế giới thủy sinh lung linh, đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời và nghệ thuật của Claude Monet. Được vẽ khoảng từ năm 1897-1899, tác phẩm này là một trong những tác phẩm sớm nhất lấy chủ đề từ ao hoa súng yêu dấu của Monet tại ngôi nhà của ông ở Giverny. Từ thời điểm này trở đi, hình ảnh ao hoa súng chiếm lĩnh trong nghệ thuật của Monet, trở thành nguồn cảm hứng cho hơn hai trăm bức tranh mà ông sáng tạo cho đến cuối đời. Tác phẩm tham gia đấu giá hôm nay là một trong một loạt tranh nhỏ và hiếm với bộ tám tác phẩm, Bốn trong số tám bức tranh về hoa súng từ năm 1897-1899 hiện được lưu giữ tại các bảo tàng, bao gồm Musée Marmottan Monet, Paris, Bảo tàng Nghệ thuật Quận Los Angeles, Bảo tàng Nghệ thuật Thành phố Kagoshima và Galleria Nazionale d’Arte Moderna, Rome.

 

ZAO WOU-KI (ZHAO WUJI, 1920-2013)
05.06.80 – Triptyque, Vẽ khoảng 1980
Ký “Zao” và chữ Hán mặt sau tranh
Sơn dầu trên vải, 3 tấm
Mỗi tấm: 195 x 130 cm. (76 3⁄4 x 51 1⁄8 in.) (3)
Tổng thể: 195 x 390 cm. (76 3⁄4 x 153 1⁄2 in.)

Zhao Wuji – Bậc thầy trừu tượng hiện đại, Năm 1981, sau khi Zhao Wuji đã bén rễ tại Pháp trong ba thập kỷ, ông tổ chức cuộc triển lãm cá nhân lớn đầu tiên tại Pháp ở Phòng trưng bày Quốc gia Grand Palais,Paris. Để chuẩn bị cho dịp này, ông đã đặc biệt tạo ra hai bức tranh ba tấm lớn, một trong số đó là 05.06.80 – Triptyque. Cuộc triển lãm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Zhao, nó là dấu hiệu công nhận từ thế giới nghệ thuật phương Tây đối với người nghệ sĩ gốc Á này. Đồng thời, nó cũng đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp nghệ thuật của ông, nâng nghệ thuật của Zhao lên tầm siêu việt – phô trương với thế giới những thành quả sáng tạo nghiên cứu kết hợp truyền thống Đông và Tây của ông.

Phiên đấu được khép lại với số lot gõ búa thành công lên đến 98%. Đây là một phiên đấu được đánh giá chất lượng cao, từ việc chọn lọc những tác phẩm hiếm và quý giá đến khâu tổ chức đều xứng đáng nhận được lời khen. Giới mộ điệu yêu thích nghệ thuật một khi đã vào phiên đấu sẽ cuốn hút không rời với những con số leo thang nhanh chóng mặt, đem đến cảm giác hồi hộp lôi cuốn cho người xem.

Khánh Linh