Học cùng một thầy, sống chung một nhà trong nhiều năm, họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (1934 – 1991), quê tại Hưng Yên, chính là người đã cùng Lưu Công Nhân cống hiến hơn 40 năm cho nền hội họa nước nhà.
Hình 1: Chân dung thiếu nữ Hà Nội. 1962. Sơn dầu trên toan. 65×45,5 cm. BST Nguyễn Minh
Trọng Kiệm đỗ kỳ tuyển sinh của Trường Mỹ thuật Kháng chiến tháng 1/1950, cùng đợt với Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân và được đánh giá là một trong những học sinh có triển vọng nhất bởi tư chất riêng biệt trong hội họa. Ra trường, ông sớm tiếp nhận sự ảnh hưởng của các bậc thầy hậu ấn tượng như Vincent Van Gogh và Paul Cézanne. Nguyễn Trọng Kiệm còn được biết tới là người có tinh thần phấn đấu cao trong lao động nghệ thuật, khả năng tự rèn luyện cao, giản dị trong sinh hoạt và khiêm nhường trong xã hội.
Hình 2: Chân dung sinh viên Trường Mỹ thuật Việt Nam. 1962. Sơn dầu trên toan. 55×38 cm. BST Nguyễn Minh
Trong giai đoạn từ 1954 đến 1960, các sáng tác của ông chủ yếu xuyên suốt mạch chủ đề hướng theo cách mạng kháng chiến chống Pháp. Sau đó khi nước ta bắt tay vào xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ông cũng theo sát đề tài này và phản ánh hiện thực rất có tình. Một số các tác phẩm đặc biệt của ông cho tới ngày nay vẫn được nhiều người nhắc tới, trong đó có 15 tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, các sáng tác của ông còn nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Quân đội Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử (một số tác phẩm về đề tài chống giặc ngoại xâm thời phong kiến và khởi nghĩa Đề Thám), Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Bảo tàng Phương Đông và các bộ sưu tập tư nhân trong và ngoài nước. Trọng Kiệm sáng tác theo thời đại và những điều giản dị trong cuộc sống. Tranh ông vẫn thường reo lên khúc trường ca của tinh thần lao động dựng xây, lạc quan và hướng tới những điều tốt đẹp, cái đẹp trong mỗi con người.
Hình 3: Chị em. 1973. Sơn dầu. 70×53 cm. BST Nguyễn Minh
Trong một số tác phẩm chân dung của ông có thể nhìn thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Cézanne – danh họa Pháp nổi tiếng với trường phái Hậu ấn tượng. 10 năm từ khi ra trường (1954 – 1964) là khoảng thời gian người ta thấy một Trọng Kiệm linh biến kết hợp những gì học được từ kỹ thuật của danh họa lớn với vốn liếng đã được học và trau dồi trước đó để bắt đầu tìm kiếm con đường riêng. Những bức vẽ chân dung thời kỳ này có nét diễn hình, màu mạch lạc, bút lực chắc chắn và xác thực, đa phần mô tả chân dung nữ sinh trường Mỹ thuật hoặc bạn bè và thân quyến.
Hình 4: Chân dung. 1989. Sơn dầu. 75 x 60 cm. BST Le Auction House
Trọng Kiệm khi vẽ chân dung cũng trau chuốt không kém gì không gian lớn. Từ những thập niên 70, 80 lưu danh mãi đến sau này, ông với tài năng bố cục màu, các mảng sáng tối và tâm tình bên trong đã đánh thức vẻ đẹp của hiện thực, vừa sinh động, tự nhiên, vừa mang tính biểu hiện và giàu nội lực. Bởi vậy mà giữa vô vàn họa sĩ cùng vẽ đề tài chân dung, Trọng Kiệm đưa đến một chất riêng khó nói thành lời nhưng lại níu người xem đắm chìm thật lâu vào không gian thân thuộc mà tác phẩm mang đến.
Hình 5: Chân dung. 1988. Sơn dầu. 80 x 60 cm. BST Le Auction House
Ở lớp nghệ sĩ bấy giờ, Trọng Kiệm đã tạo ra một bản thân không thể lẫn đi đâu hay với ai được, ông vẽ như một nghiệm sinh dai dẳng và chân thành bằng một con đường riêng. Ông cũng từng đảm trách vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội, Hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam, vinh dự nhận Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng nhất và được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Lê Quang – Le Auctions