Trần Bình Lộc (1914 – 1941), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa V (1929 – 1934), có cuộc đời ngắn ngủi, qua đời khi mới 27 tuổi. Dẫu vậy, ông là một họa sĩ vô cùng tài năng. Đương thời, khi vừa mới tốt nghiệp, Trần Bình Lộc đã được Phó Toàn quyền Chatel và Giám đốc Nha Học chính Bernard đặt mua tranh trưng bày trong văn phòng. Đặc biệt, ông sớm có các tác phẩm tham dự các cuộc triển lãm quan trọng như tại Salon 1935 và Salon 1936 của Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI) cùng các nghệ sĩ nổi danh bấy giờ như Lê Tiến Tuế, Georges Khánh, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Tường Tam, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Đỗ Đức Thuận,…
Tác phẩm: “Jeune enfant sur les berges d’un lac” (tạm dịch: đứa trẻ bên bờ ao) Sơn dầu trên toan Ký “tr lộc Trần – Bình Lộc” và đề năm 1936 dưới trái Kích thước: 50 x 65 cm
Tác phẩm “Jeune enfant sur les berges d’un lac” (tạm dịch: đứa trẻ bên bờ ao) được ký “”tr lộc Trần – Bình Lộc” và đề năm 1936 dưới trái. Đây là khoảng thời gian Trần Bình Lộc hoạt động tích cực và có tranh tham dự triển lãm của SADEAI kể đến như “Thiếu nữ ngồi” (sơn dầu), “Một cái cây bên bờ ao”, “Mùa hè” (sơn dầu), “Thiếu nữ dưới cây liễu” (lụa), “Hai thiếu nữ chuyện trò” (lụa), “Hái hoa nhài” (lụa), “Túp lều tranh” (lụa),… Trong giai đoạn này, ông vẽ nhiều về phong cảnh đất trời trong buổi giao mùa với nét vẽ giản dị và tông màu sáng, sự xuất hiện của con người đều được lấy cảm hứng từ hình ảnh đời thường và gần gũi từ đời thực.
Ký “tr lộc Trần – Bình Lộc” và đề năm 1936
“Đứa trẻ bên bờ ao” không là một ngoại lệ. Tác phẩm có bố cục duyên dáng và mang ít nhiều ảnh hưởng của phong trào Hậu ấn tượng được thụ hưởng từ họa sĩ Victor Tardieu và Joseph Inguimberty. Bức vẽ cho thấy khả năng ứng dụng sắc độ, mảng màu, hình khối linh hoạt, thoát được tinh thần khoáng đạt của tranh ngoại cảnh. Em bé xuất hiện trong tổng thể đậm nét giản dị của nông thôn Việt Nam với trang phục nâu sòng và cùng với hệ thống chi tiết thiên nhiên được đặc tả đã khơi gợi ra một bầu không khí thảnh thơi trong tiết trời thanh mát. Theo phỏng đoán, rất có thể tác phẩm này của Trần Bình Lộc đã từng được trưng bày tại Salon 1936 của Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ (SADEAI).
Lê Quang