HOA LÊ PHỔ – TĨNH VẬT HOA MẪU ĐƠN

Nội dung chính
Lê Phổ (1907 – 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l’École des Beaux-Arts d’Indochine). Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp không chỉ từ mỹ cảm trong tranh lụa thời Đường, Tống ở Trung Hoa mà còn chịu nhiều ảnh hưởng của trào lưu hội họa Tây Phương. Khi còn theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật châu Âu cũng chính là góc tiếp cận về đường hướng kỹ thuật để từ đó các sinh viên phát huy bản sắc dân tộc trong hội họa. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931, mở ra cơ hội để ông nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật. Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp.

Các sáng tác phẩm của Lê Phổ được chia thành ba giai đoạn lớn:

1. Giai đoạn đầu tiên (1920–1945): Các tác phẩm thời trẻ của hoạ sĩ mang tính cổ điển và châu Á trong việc xử lý các chủ đề kỹ thuật. Giai đoạn này bao gồm thời kỳ ông ở Việt Nam và một số năm đầu sau khi định cư tại Pháp.
2. Giai đoạn thứ hai – “thời kỳ Romanet” (1945-1962): Được đặt theo tên người chủ phòng trưng bày tại Pháp đã trưng bày các tác phẩm của Lê Phổ trong nhiều năm.
3. Giai đoạn thứ ba – “thời kỳ Findlay” (1963-2001): Liên quan đến phòng trưng bày Wally Findlay ở Hoa Kỳ, nơi trưng bày các tác phẩm của hoạ sĩ cho đến khi ông qua đời.

Lê Phổ “Tĩnh vật hoa mẫu đơn” sơn dầu trên vải, kích thước 50 x 40 cm.

Tác phẩm sơn dầu “Tĩnh vật hoa mẫu đơn” mang tinh thần của mỹ học cổ điển châu Âu. Đây là một trong những dấu chỉ về thời kỳ đầu của Lê Phổ khi giải phẫu tỉ lệ đối tượng và các kỹ thuật vẽ được các thầy Pháp, trong đó có Victor Tardieu và Joseph Inguimberty, chuyên tâm hướng dẫn cho các học trò. Bức vẽ bố cục đĩa trắng xanh, bát và bình mẫu đơn theo thứ tự từ món nhỏ dẫn đến món lớn, cho thấy sự nghiên cứu chính xác và nghiêm túc về mẫu của họa sĩ. Đồng thời các yếu tố mang nhiều nét văn hóa Á Đông như những hiện vật gốm sứ cũng được ông nghiên cứu vận dụng đưa vào tranh để tìm kiếm một phong vị riêng, cân bằng giữa nét cổ điển của hội họa châu Âu và tinh thần bản địa. Tác phẩm được sáng tác trong thời gian những năm 1933, do chính vợ ông đã ký xác nhận. Trong giai đoạn này một số tác phẩm sơn dầu nổi bật của ông vẫn thường được nhắc tới như tác phẩm khổ lớn “Ngôi nhà Bắc Kỳ”, “Chân dung tự họa trong rừng”, “Tĩnh vật hoa mẫu đơn và cây lưỡi hổ” (Nature morte aux pivoines et plante en pot, 1935).

Lê Quang