Họa sĩ Bùi Tuấn Thanh: Giản dị tạo nên sự thanh tao

Nội dung chính

Có người thích sự ồn ào, náo nhiệt. Có người lại yêu sự yên bình giản dị. Trong nghệ thuật, sự khác biệt ấy cũng tạo nên những trường phái, những phong cách sáng tác không giống nhau. Ở quá khứ và cả hiện tại, có rất nhiều thế hệ họa sĩ đã và đang miệt mài sáng tác, âm thầm cống hiến không ngừng nghỉ cho sự phát triển của nền hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Tuy vậy, tên của họ thậm chí còn ít xuất hiện trên các mặt báo. Họ không cầu kì, sống bình dị và khiêm tốn, đúng chất người nghệ sĩ. Nghệ thuật của họ là sự thanh thản, nhẹ nhàng, hoài niệm. Họa sĩ Bùi Tuấn Thanh (1941) là một trong những nghệ sĩ như thế. Đã trải qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi”, ông vẫn đang không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, đồng thời góp phần rất lớn vào công tác đào tạo thế hệ họa sĩ mai sau.

 

Họa sĩ Bùi Tuấn Thanh sinh ngày 7-11-1941 tại Hà Nội. Ngay từ rất sớm, ông đã thể hiện thiên phú bẩm sinh với hội họa. Ở cái tuổi 15 ông đã bắt đầu tự học vẽ sơn dầu và màu nước qua các tài liệu tiếng Pháp. Hai năm sau, ông được tham gia “hợp tác xã mỹ nghệ Hà Nội”, quy tụ những nghệ sĩ giỏi nhất tại các làng nghề truyền thống Hà Nội. Sau này, ông theo học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp khóa đầu tiên. Hậu tốt nghiệp, bởi niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn sơn mài, ông trở về sáng tác tại hợp tác xã các làng nghề sơn mài truyền thống để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê, đồng thời đào tạo nhiều lứa học sinh xuất sắc. Trong số các họa sĩ từng được ông vun trồng chỉ bảo, có thể kể đến những cái tên như Bùi Hữu Hùng, Doãn Chí Trung, Trần Đình Khanh, Vũ Thùy Hương, Nguyễn Huy Hoàn… Nhiều người trong số này đã thành danh và có chỗ đứng vững chắc trong giới mĩ thuật Việt Nam.

Xóa ảnh đại diện

Họa sĩ Bùi Tuấn Thanh sống rất hòa nhã, vui vẻ, khiêm tốn, bình dị và kín tiếng. Ông có người vợ tên là Nguyễn Thị Dần (1950), cũng là họa sĩ tốt nghiệp tại trường Mỹ Thuật Công Nghiệp. Những người con và cố nghệ sĩ hài Văn Hiệp – người bạn thân của họa sĩ đã chia sẻ: Cụ chỉ quan tâm tới vẽ, không quan tâm nhiều tới thứ gì khác. Cụ không biết đi xe đạp, xe máy, không dùng điện thoại hay đồng hồ, nếu có đi đâu xa thì Cụ phải đi theo con cái hoặc gia đình, người thân. Mãi sau này bởi lý do con cái, cụ mới “bất đắc dĩ” sử dụng điện thoại.

Sự giản dị không chỉ được họa sĩ Bùi Tuấn Thanh thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới các tác phẩm của ông. Chủ đề tranh của ông thường là những cảm hứng tràn đầy với cuộc sống và thiên nhiên quanh mình. Đó là những hình ảnh quen thuộc đến thân thương. Đơn giản chỉ là một cô gái buộc tóc trong “Thiếu nữ”, mái nhà tranh đơn sơ trong tác phẩm “Bình yên” hay khung cảnh náo nhiệt trong “Chợ quê”…

“Bình yên”, sơn mài, 45×30 cm, họa sĩ Bùi Tuấn Thanh.

Chợ quê, sơn mài, 50×36 cm, họa sĩ Bùi Tuấn Thanh.

Tranh của ông có sự tỉ mẩn đến cầu kì, như trong các tác phẩm “Thuyền đêm trăng”, “Phiên chợ miền trung du”… Đó là sự cầu kì của một người nghệ sĩ mong muốn đạt được sự hoàn hảo trong nghệ thuật. Sáng tác bằng chất liệu sơn mài truyền thống, các tác phẩm ông có bề mặt nhẵn mịn, phẳng lì, sáng bóng tự nhiên.

“Thuyền đêm trăng” (Bến trăng), sơn mài, 61×32 cm, họa sĩ Bùi Tuấn Thanh.

Đam mê mãnh liệt với “cái chất”, “cái hồn” dân tộc. Ông đưa vào tác phẩm của mình những thứ cũng dung dị như thế. Không banner hay áp-phích rầm rộ, từng chút một, từng chút một, những hình ảnh biểu tượng của văn hóa quê hương được ông kể lại một cách nhẹ nhàng và chậm rãi trong các tác phẩm của mình. Đó là ngôi chùa Kim Liên cổ kính ở một góc Hà Nội, hay là những câu thơ kinh điển trong “Truyện Kiều” của Đại thi hào Nguyễn Du… Một cách rất riêng, ông dùng nét vẽ để đi tìm hồn quê, dùng màu sắc để tả họa tinh thần truyền thống.

May mắn có cơ hội được gặp gỡ và chiêm ngưỡng cận cảnh quá trình họa sĩ Bùi Tuấn Thanh sáng tác (quá trình mà ông vẫn hay bông đùa là: “Tớ không sáng tác, tớ tối tác”), tôi mới cảm nhận hết sự đặc biệt trong con người và phong cách hội họa của ông. Ông có một cách lên màu rất riêng biệt: pha đẫm màu lên giấy mềm, đặt lên giữa vóc tranh và giấy phác thảo, sau đó họa lại theo các đường nét phác thảo sẵn, vừa họa theo vừa ngẫu hứng sáng tác thêm. Điều này giúp ông tạo hình tỉ mẩn giống như việc dùng bút trên giấy, đồng thời khiến các tác phẩm sơn mài có độ chính xác và màu sắc như ý hơn. Ông cười: “Tớ bảo tớ vẽ bằng giấy không ai tin”.

Trải qua nhiều thời kỳ, họa sĩ Bùi Tuấn Thanh vẫn chuyên tâm với bộ môn sơn mài truyền thống. Ông đi sâu, tìm tòi điều mới lạ trong những cái xưa cũ dân tộc. Ông không sử dụng sắc màu cao độ, tạo dấu ấn mạnh mẽ ngay lập tức vào thị giác người xem. Thay vào đó, ông sử dụng độ liên kết giữa các mảng màu và sự dàn trải đồng đều của các hình khối, kết hợp tạo nên sự hài hòa giữa các chi tiết, khiến người xem càng nhìn càng bị lôi cuốn tầm mắt.

“Bạn hữu”, sơn mài, 40×30 cm.

Một góc nhìn nào đó, phong cách nghệ thuật là thứ phản ánh chính xác nhất tính cách con người. Ngược lại, tính cách của nghệ sĩ ảnh hưởng rất lớn đến phong cách nghệ thuật của họ. Với họa sĩ Bùi Tuấn Thanh, điều này rất đúng. Những tác phẩm của ông luôn bình dị, dân dã, tựa như chính bản thân ông. Dẫu vậy, bình dị không có nghĩa là cẩu thả. Với ông, quá trình sáng tác nghệ thuật cũng tương tự như cuộc sống, cần có sự chỉn chu, trách nhiệm. Ông chia sẻ: “Vẽ đẹp hay không tớ chưa bàn, nhưng người có nhiều cái đẹp: hình dáng đẹp, nói chuyện đẹp, nhân cách đẹp… Muốn vẽ đẹp, trước hết phải biết cái đẹp.” Theo ông, nghệ thuật là sắc màu của nhân sinh.

Trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, bao nhiêu thế hệ học trò đến rồi đi, vợ chồng họa sĩ Bùi Tuấn Thanh hàng ngày vẫn sống giản dị, êm đềm trong căn nhà nhỏ nơi góc phố Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội). Ông và Bà cứ bình dị sống một cuộc sống thường nhật đơn giản, nề nếp, dành nhiều thời gian để sáng tác cống hiến, gìn giữ bản sắc dân tộc. Sự giản dị ấy tạo nên nét thanh tao riêng biệt cho một trong những cây đại thụ của Mỹ thuật Việt Nam.

“Rượu, đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”.

(Cảnh nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)