HỌA SĨ NAM SƠN: NGƯỜI ĐỒNG SÁNG LẬP TRƯỜNG CAO ĐẲNG MỸ THUẬT ĐÔNG DƯƠNG

Nội dung chính

Nguyễn Nam Sơn (1890 – 1973), tên thật Nguyễn Vạn Thọ, tên hiệu Nam Sơn, sinh ra trong một gia đình có bề thế tại Hà Nội. Ông yêu thích hội hoạ từ nhỏ, được các nhà nho Phạm Như Bình và Nguyễn Sĩ Đức dạy vẽ và dẫn dắt để tiếp xúc với nền giáo dục Nho học Hán Việt truyền thống. Lớn lên, ông tốt nghiệp Trường Bảo hộ (Lycée du Protectorat) và làm công chức Sở Tài chính Đông Dương (Direction des Finances). Sau đó, ông tự tìm hiểu về nghệ thuật phương Tây qua tư liệu về hội họa Pháp. Nam Sơn được biết đến là một trong số những cá nhân có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925 – dấu mốc chuyển mình của lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Cụ thể, trước đó, ngay từ năm 1923, ông đã có bản thảo “Đề cương Mỹ thuật Việt Nam”, đề cập đến việc xây dựng một nền mỹ thuật Việt Nam vừa dân tộc vừa hiện đại. Ông viết: “Lập nên một trường Đại học để đào tạo lấy nghệ sĩ có tài duy trì lấy nền tảng Mỹ thuật của tổ tiên để lại, ngõ hầu cải tạo, sáng tác lấy một nền Mỹ thuật Đông Phương có cá tính Việt Nam”. Vai trò đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương của ông đã được xác nhận trong cuốn “Các trường Nghệ thuật Đông Dương” (Les Écoles d’Art de l’Indochine) do Nha học chính, Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1937: “Việc giảng dạy môn Đồ họa và Trang trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông NAM SƠN, là một trong hai người sáng lập Trường Mỹ thuật Đông dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền Mỹ thuật truyền thống An Nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn trường”.

Hình ảnh 1: Họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương

Sự nghiệp hội họa của Nam Sơn để lại khoảng 400 bức vẽ trên các chất liệu đa dạng từ sơn dầu, lụa, khắc gỗ cho đến mực nho, thuốc nước, chì than. Phần lớn ông vẽ theo khuynh hướng cổ điển châu Âu nhưng ảnh hưởng nhiều bởi hội họa Trung Hoa và Nhật Bản. Các sáng tác đáng chú ý của ông đã sớm gây tiếng vang trong nhiều cuộc triển lãm ở ngoại quốc, bao gồm tác phẩm “Chợ gạo bên sông Hồng” được tham dự Salon các nghệ sĩ Pháp năm 1930, “Chân dung mẹ tôi” đạt huy chương bạc tại Salon các Nghệ sĩ Pháp năm 1932, “Cò trắng cá vàng” đạt Giải thưởng Mỹ thuật Rome năm 1932 và một số hình họa vẽ bằng chì đen, đỏ, trắng. Trong đó danh tác “Chợ gạo bên sông Hồng” là tác phẩm Việt Nam đầu tiên và duy nhất được Nhà nước Pháp mua năm 1930 và trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Pháp.

Hình ảnh 2: Họa sĩ Nam Sơn, tác phẩm “Chân dung nhà sư” được vẽ bằng “ba bút chì” than, đỏ, trắng năm 1939, thuộc bộ sưu tập của Le Auction House.

Tác phẩm “Chân dung nhà sư” được sáng tác bởi họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890 – 1973) vào năm 1939, sử dụng chất liệu chì than, đỏ, trắng trên giấy với kích thước 65 x 50 cm. Bức tranh thể hiện hình ảnh một nhà sư trong một bố cục tinh tế và tạo hình mẫu mực, mang đến sức hút khó diễn đạt bằng lời.

Nguyễn Nam Sơn, vào thời điểm sáng tác tác phẩm này, đã được bổ nhiệm làm giáo sư chuyên ngành bậc hai tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, dưới sự quản lý của Tổng nha Học chính Đông Dương. Tác phẩm “Chân dung nhà sư” không chỉ là một bức tranh đơn giản, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa.

Tác phẩm hiện thuộc bộ sưu tập của Le Auction House và cũng có mặt trong cuốn sách “100 Tác Phẩm Hội Họa Và Điêu Khắc Việt Nam Thế Kỷ 20”, xuất bản năm 1996 bởi nhà xuất bản Thế giới. Bức tranh được ký tên “Nam Sơn 1939” ở góc dưới bên trái và thuộc về bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Lâm tại “Cà phê Lâm Hà Nội”.

Thông tin đấu giá: Tác phẩm này sẽ được đưa ra đấu giá tại Nhà Đấu Giá Le Auction House trong phiên số 03 Nghệ Thuật Việt Nam Thế Kỷ 20, diễn ra vào ngày 26/10/2024. Quý vị có thể liên hệ để xem tranh trước ngày đấu giá và đăng ký hạn mức đấu giá. Liên hệ với chúng tôi qua: – Website: www.leauctions.vn – Email: [email protected] – Điện thoại: 0084.979.868686.

Lê Quang – Le Auctions!