Họa sĩ Nguyệt Hồ tên khai sinh là Vũ Tiến Đa, sinh năm 1905 tại thôn Thi Thượng, xã Vị Hoàng (Vị Xuyên), nay là phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định. Bút danh Nguyệt Hồ gắn với quê gốc gia tiên ông ở Hưng Yên, nơi có Hồ Bán Nguyệt danh thắng, “trái tim vàng” của Phố Hiến xưa, thành phố Hưng Yên ngày nay.
Ông nội Nguyệt Hồ là cụ Vũ Công Tôn, một danh cầm đánh đàn bầu, thổi sáo ít người sánh kịp, hãng Victor của Pháp đã ghi đĩa. Ông thân sinh là Vũ Tiến Lễ cũng vang danh với tiếng đàn nguyệt, đàn thập lục thật hay. Sinh trưởng trong một gia đình rộn ràng tiếng tơ tiếng trúc ấy nhưng cậu bé Vũ Tiến Đa lại mê thích ngắm nhìn không chán mắt tranh Đông Hồ, những “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Lợn âm dương”, “Gà đại cát”, “Hứng dừa” bày bán ở chợ Vị Hoàng.
Năm Nguyệt Hồ 2 tuổi (1907), nhà thơ Tú Xương qua đời. Năm Nguyệt Hồ 10 tuổi (1915), Trường thi Nam Định tổ chức khoa thi cuối cùng sau những năm “Trường Nam thi lẫn với trường Hà” trong thơ Tú Xương, lớp lớp cử nhân, tú tài vượt qua các kỳ ứng thí, có cả những cuộc bãi khóa, biểu thị tinh thần yêu nước. Người họa sĩ tương lai trở thành chứng nhân của Thành Nam ngày ấy, chứng kiến những năm tháng cuối cùng sông Vị Hoàng trở thành sông Lấp, Nam Định trở thành thành phố khai thác thuộc địa bề thế của người Pháp. Các nhà máy, xưởng thợ, đường sắt, nhà ga, bến cảng ra đời với tiếng còi tầm gióng giả sớm trưa chiều tối “Hú hồn lao động dọa đời cần lao” trong câu ca dao của những người thợ dệt.
Nguyệt Hồ học sơ học ở trường Thành Chung, Nam Định, ông học giỏi lại sớm bộc lộ năng khiếu về hội họa. Năm hai mươi tuổi, Nguyệt Hồ theo học lớp bổ túc (cours complémentair) về hội họa và trang trí của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, khóa đầu, năm 1925 tại Hà Nội. Đây là khởi điểm để họa sĩ có những tháng năm hoạt động mỹ thuật và làm báo tại Hà Nội.
Chất trào lộng – trữ tình từ thơ Tú Xương phổ vào chàng họa sĩ thành Nam tính tình phóng dật, hóm hỉnh, yêu cái đẹp, cái thiện và sự bình dị, ghét thói đời lố lăng, hợm hĩnh. Với thể tài báo chí, ông vẽ tranh biếm họa, đáp ứng kịp thời yêu cầu của các chủ báo, tạp chí với nhiều bút danh: Nguyệt Hồ, Laclune, Phương Khanh, Tam Toạng, Tú Dua (Toujours), Cửu Sừng, Bily, ĐA. Nguyệt Hồ đã vẽ trên hai mươi tờ nguyệt san, tuần báo, báo hàng ngày, tiếng Việt, tiếng Pháp, phát hành trên toàn cõi Đông Dương như: Phong Hóa, Ngày Nay, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Hà Nội báo, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Phổ Thông bán nguyệt san, Truyền Bá, Nhật Tân, Tiếng Vang Làng Báo, Pháp Việt, Tương Lai, Kinh Tế, , Annam Tạp chí, Hải Phòng tuần báo, Thanh Nghệ Tĩnh, Loa…
Trên các báo Phong Hóa, Ngày Nay ngày ấy xuất hiện hai biếm hình “Lý Toét, Xã Xệ” bệ rạc khiến nhiều người thích thú. Sau này, lại có thêm nhân vật biếm hình nữa là “Bang Bạnh” (một viên quan lại dung tục) trên báo Ngày Nay. Ngày đó, các họa sĩ Tchya, Ngym (Trần Quang Trân), Côn Sinh, Mạnh Quỳnh đều có tranh biếm họa đăng trên các báo chí. Riêng hai biếm hình “Xã Xệ, Lý Toét” là của Nguyệt Hồ. Tranh biếm họa của Nguyệt Hồ chiếm được cảm tình đặc biệt của nhiều người xem. “Xem tranh của ông là cười vui, là nhớ mãi, là đem kể cho người khác cùng xem, cùng cười. Nhân dân xem ông là một đồng chủng, đồng minh trong tiếng nói “ngôn hình”, như một vũ khí sắc bén, bênh vực kẻ yếu, chống áp bức bất công, phê phán thói hư tật xấu” (Nguyệt Hồ – họa sĩ tài danh tiếng mãi còn – Đỗ Huy Vinh).
Tuy nhiên, Nguyệt Hồ không chỉ vẽ tranh biếm họa. Ông là tác giả của những tác phẩm mỹ thuật trữ tình nổi tiếng: Thu dạ thu tâm, Có rửa thì rửa chân tay (Phụ bản báo Loa), Hái rau tần, Sông Vị, Đốt pháo…
Với bức Thu dạ thu tâm, ta được ngắm người đẹp Phố Hiến trong trang phục khăn vấn, áo lụa dài bên Hồ Nguyệt một đêm trăng. Cùng với vẻ thanh tú của nàng, tác giả như vẽ được cả tâm tư nhân vật trữ tình xao xuyến trong ánh trăng thu vằng vặc, xao động mặt hồ đầy. Còn với bức tranh khổ lớn Sông Vị, vẽ năm 1928, Nguyệt Hồ sử dụng bút pháp bao quát cảnh sắc dòng sông tuổi thơ. Hình ảnh ông nội đầu râu tóc bạc, khăn nhiễu, áo the bên dậu cây thưa, ngước nhìn trời quê khi bà nội đặt gánh lên vai, nón ba tầm một bên, đi chợ làng. Mái nhà tuổi thơ êm đềm, trước sân bóng cau, vườn rau, ao cá. Sông Vị trải ra với quang cảnh bên này là xóm làng yên ả, bên kia là cảnh “phố nửa làng” mái ngói lô nhô, đôi con thuyền nhỏ cắm sào, vài cụm bèo trôi miết trên dòng sông thao thiết. Bức tranh phục hiện hồn sông Vị đằm thắm trữ tình, ông gửi vào đây những hình ảnh thân yêu chưa khuất lấp, ký thác tâm sự trước thời thế đổi dời.
Hơn mười năm sống ở Hà Nội, Nguyệt Hồ có nhiều bạn bè nghệ sĩ, những người yêu quý người họa sĩ Thành Nam sống chan hoàn bình dị, quý trọng tình nghĩa, tôn trọng tài năng bạn bè. Đó là các ông Vũ Bằng, Tú Mỡ, Ngọc Giao, Nguyễn Vỹ, Lê Tràng Kiều, Nam Cao, Nguyễn Bính…
Nguyệt Hồ tản cư theo kháng chiến chống Pháp vào Thanh Hóa. Lúc này, ông đã bước vào tuổi bốn mươi, nhanh chóng tham gia mặt trận tuyên truyền, viết bài, vẽ tranh cổ vũ tinh thần chiến đấu, ca ngợi khu du kích hậu phương kháng chiến. Ông vẽ lại thảm cảnh nạn đói năm Ất Dậu, 1945; vẽ cuộc đấu tranh giảm tô, anh bộ đội lên đường, chị dân công vào chiến dịch phục vụ tiền phương, học sinh khu Bốn đến trường…
Ông trở lại Nam Định sau ngày thành Nam giải phóng và tiếp tục sáng tác. Nguyệt Hồ vẽ Chợ Rồng xưa, Ngõ Văn Nhân, Ngôi nhà Tú Xương, Ngôi mộ Trần Bích San (Thái Bình), “tái bản” Sông Vị, vẽ Phố Hàng Nâu, vẽ lại nhiều lần tranh Đốt pháo…
Về Nam Định, vui nhất với ông là gặp lại Nguyễn Bính, người bạn vong niên kết thân từ Hà Nội, sau những năm Nguyễn Bính “hành phương Nam”, tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, tập kết ra Bắc, về Hà Nội làm báo Trăm hoa rồi “qui cố hương” Nam Định. Họ lại cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm để đời, lại cùng nhau liên ngâm, đối ẩm với những bạn bè từng tham gia kháng chiến trở về. Nguyệt Hồ vẽ và vẽ để có những lần bán tranh lấy tiền đãi bạn.
Riêng với Nguyễn Bính, một người ông rất nể phục tài thơ. Nguyệt Hồ cũng làm thơ, ông thuộc thơ chữ Hán, từng đề thơ lên tranh Sông Vị, với lối viết “đá thảo” khá đẹp và từng tham gia thi dịch thơ chữ Hán với Nguyễn Bính tại Tòa soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Năm của chủ bút Lê Tràng Kiều ở Hà Nội.
Nguyệt Hồ hồi trẻ đẹp trai và tài hoa. Anh được cô Kim Bảo, cùng phố Hàng Nâu, con nhà giàu, hoa khôi thành Nam yêu. Nhưng do nhiều trắc trở, nhất là chuyến đi xa của chàng (đi Hồng Kông), lúc về cô Bảo đã có chồng! Yêu nàng, họa sĩ đã làm ba bài thơ, được ba thi sĩ “kiện tướng” ở Hà Nội ngày ấy khen ngợi. Bài thứ nhất tả người đẹp, được Nguyễn Vỹ đăng ngay lên báo Pháp-Việt:
“Trong vườn có bông hoa tươi/ Bên song em nhoẻn miệng cười…
Vì em, anh thổn thức/ Vì em, hoa ngậm ngùi”…
Bài thứ hai, tả cảnh xa nhau, Tản Đà rất thích, đã trích dẫn khi bình bài thơ:
“Sen tàn rụng/ Thu đã qua/ Anh đi đi mãi/ Mình em dưới bóng thu tà.
Mờ mắt nhìn anh, em chỉ thấy/ Mịt mù thăm thẳm chân trời xa”…
Bài thứ ba, khi tan vỡ, tuyệt vọng:
…“Trăm năm còn có duyên gì/ Họa còn vương mối sầu bi trong lòng.
Từ đây mây nước mịt mùng/ Bao giờ còn thấy bóng hồng vào ra.
Em đi có nhớ chăng là/ Lỡ làng một phút mà xa một đời!”
Thế là nên chuyện “Thất tình họa sĩ thành thi sĩ”- Nguyễn Bính đọc thơ, nói với Nguyệt Hồ: “Chỉ ba bài này, họa sĩ thành thi sĩ rồi đấy!”
Năm 1963, nhà thơ Tú Mỡ về thăm Nam Định, không hiểu cơn cớ gì, lại không đến với Nguyệt Hồ, một người bạn thân cùng lớp, cùng làm báo ở Hà Nội. Nguyệt Hồ có bài thơ ngả giọng trào phúng đùa, trách Tú Mỡ:
“Bác Tú về Nam chẳng đến tôi,
Ai người tệ thế, thế thì thôi!
Duyên thơ chỉ thích làng thơ thẩn,
Khiếu vẽ sao quên bạn vẽ vời?
Nhớ thuở thiếu thời chung một lớp,
Mà nay lão tuế cách đôi nơi.
Duyên văn sao lại vô duyên nhỉ
“Phong Hóa”,“Ngày Nay” chuyện hết rồi!”
Nhận được bài thơ trên, nhà thơ Tú Mỡ gửi thư xin lỗi.
Đầu năm 1966, Nguyễn Bính mất. Nguyệt Hồ xỉu xuống như người mất hồn. Ông cảm thấy hụt hẫng mỗi khi cầm bút vẽ. Ông trở thành người độc hành lặng lẽ trên phố cũ thành Nam, mong tìm lại những mùa hoa cũ, dáng hình xưa đã vào họa, vào thơ với bao nhiêu hoài niệm.
Đời sống của người họa sĩ già vào tuổi 70 khá ngặt nghèo. Hai vợ chồng ông không có con. Bà là công nhân nhà máy Dệt, phải nghỉ việc vì “tai nạn vọt thoi”, chữa lâu không khỏi. Ông lại phải “tái bản” Sông Vị, rồi vẽ cả tranh Lưu- Quan,-Trương (truyện Tam quốc), Liễu Yến (tranh chơi tết), Bánh Trung thu, Cờ lau tập trận…bán lấy mấy chục đồng một bức để trang trải.
Mùa thu năm 1977, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam Ninh thành lập. Họa sĩ Nguyệt Hồ trở thành hội viên sáng lập. Công việc sáng tác nhiều và sinh hoạt nghiệp vụ của Bộ môn Mỹ thuật cần đến ông. Nơi ăn ở chật hẹp của hai ông bà ở phố Hàng Sắt cũng được Hội đề xuất và tỉnh quan tâm. Công ty Xây dựng thành phố đến sửa chữa, nâng cấp sáng đẹp, tươm tất hơn trước. Người họa sĩ cao tuổi lấy lại cảm hứng, vẽ Hoa lau Trường Yên hoành tráng, với rừng cờ lau trắng nhởn nhơ trên nền núi non Trường Yên uy nghi, trầm mặc. Ông dựng lại Trường thi Nam Định trong ký ức tuổi lên mười, tháng Mười, năm Ất Mão, 1915 – khoa thi Hương cuối cùng của trường Nam khi hoa hòe rắc vàng ngõ Văn Nhân mùa thi. Trên đất Mỹ Trọng, cổng l ớn Trường thi nửa đêm sương mở cánh. Hai cây đình liệu cao hơn đầu người, lửa sáng bập bùng chiếu lên hàng chữ lớn: “Thiên Tử Cầu Hiền”. Lớp lớp sĩ tử khăn áo chỉnh tề, lều chõng trên vai ngước lên chờ tiếng loa gọi tên nhập trường. Ngôi nhà Thập đạo bên trong đèn nến sáng trưng. Hai bức tranh sơn dầu Hoa lau Trường Yên và Trường thi Nam Định được mua và trưng bày trong nhà khách của Tỉnh.
Ông bắt tay vào vẽ mom sông, tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, được Bảo tàng Mỹ thuật mua và lưu trữ. Cảnh trí mom sông quanh năm buôn bán trong thơ Tú Xương hiển hiện trên sắc độ êm dịu của chất liệu lụa đăng đàn.
Họa sĩ Nguyệt Hồ qua đời ở tuổi 87. Nhớ ông, tôi lại nhớ hình ảnh một bậc cao niên râu tóc lơ phơ, ánh mắt hiền từ, thong thả dạo bước quanh vườn hoa Cửa Đông, Thành Nam, những ngày nắng ấm vừa lên:
“Người nghệ sĩ già ria áo bạc
Ngước nhìn tháng ba, hoa gạo rơi
Những cốc son tươi mình ông ngơ ngẩn
Cánh tay ai chấm phá cả cao vời…”
Phạm Trọng Thanh