Phạm Quang Hậu sinh ngày 13 tháng 6 năm 1903, là con thứ hai trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em tại làng Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.Ông mồ côi bố lúc 2 tuổi và mồ côi mẹ lúc 10 tuổi, ông chuyển đến sống cùng vợ chồng những người chị ruột, tự tìm con đường học tập. Năm 1923 ông kết hôn, vợ chồng ông sinh được 8 người con, trong số đó có Nghệ sĩ nhân dân Phạm Quang Vĩnh. Họa sĩ Phạm Hậu qua đời ngày 16 tháng 12 năm 1994.
Họa sĩ Phạm Hậu và các học trò
Năm 1920 đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của Phạm Hậu: ông thi đỗ vào Trường Bách nghệ Hải Phòng, một trường dạy nghề với mô hình nguyên mẫu của các trường dạy nghề châu Âu hồi đó. Tại đây, học sinh phải theo học đầy đủ một chương trình học nghề thực hành bốn năm; khi tốt nghiệp có thể tự nuôi sống được mình. Phạm Hậu được đào tạo bài bản qua các nghề tiện, nguội, đúc, hàn, bào, phay, gò… và cả nghề lái xe. Bốn năm rèn giũa khắt khe của trường dạy nghề đã cho ông ý chí và nghị lực vững vàng của một người lao động có kỷ luật.
Năm 1925, Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập. Năm 1929, trường mở khóa 5, ông quyết tâm thi vào trường mặc dù chưa từng qua lớp đào tạo nghệ thuật nào, ngoài học họa sĩ Nam Sơn ba tháng. Số thí sinh thi khá đông, nhưng cũng như các khóa trước, chỉ tiêu của trường chỉ có sáu cho toàn Đông Dương (gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Miên). Với năng khiếu bẩm sinh, năng lực tự thân, với tuổi trẻ đã trải qua quá nhiều thử thách…, Phạm Hậu đã thi đỗ đứng thứ hai trong sáu người khóa ấy gồm có: Trần Bình Lộc, Phạm Hậu, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Hiến, và Nguyễn Văn Thuần. Đó cũng là dấu ấn khi ông 26 tuổi, một cái tuổi đã trưởng thành, đầy xung lực để làm nghệ thuật.
Chương trình giảng dạy của Trường Mỹ thuật Đông Dương dưới thời hiệu trưởng Tardieu thật đa dạng. Đó là một hệ thống các bài tập rất cơ bản từ hình họa, ký họa, trang trí cho đến các bài tập nghiên cứu thiên nhiên. Sinh viên phải luyện tập các chất liệu thuốc nước, than, màu dầu, lụa, bột màu…Từ năm 1932, sang năm thứ ba, nhà trường có đưa thêm môn chuyên nghệ, học nghề sơn cổ truyền vào chương trình học. Với tình yêu nghệ thuật và sự đam mê học hỏi, càng những năm cuối, Phạm Hậu càng tỏ ra có cá tính và bộc lộ được năng lực của mình.
Xưởng vẽ sơn mài tại làng Đông Ngạc
Sau khi tốt nghiệp, Phạm Hậu trở về Đông Ngạc với tư cách một họa sĩ tự do. May thay, trong những năm cuối học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, tuy sơn mài chỉ là một môn chuyên nghệ, mỗi tuần được học có một giờ, nhưng với sự nhạy cảm hiếm có và năng khiếu bẩm sinh, ông đã trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực sơn mài. Sự nổi trội đó của ông được hiệu trưởng Tardieu chú ý. Ngay sau khi ông tốt nghiệp, vị hiệu trưởng người Pháp đã tìm đến làng Đông Ngạc để giao cho người học trò yêu quí hợp đồng của một hãng thuốc lá Pháp với yêu cầu vẽ 50 chiếc hộp đựng thuốc lá bằng sơn mài có trang trí rồng phượng. Thế là xưởng sơn mài riêng của họa sĩ với đội ngũ gồm những người thợ thủ công, thợ sơn ở Bối Khê ra đời. Có lẽ đây chính là bước đi đầu tiên của một hình thức tổ chức sản xuất mới, sản xuất tập trung của tiểu – thủ công nghiệp nước ta? Tại xưởng sản xuất của mình, ông đã tổ chức điều hành và chuyên môn hóa nghề làm sơn mài theo từng công đoạn: Thợ mộc, thợ xẻ, thợ làm vóc, thợ vẽ và đánh bóng… Mỗi năm, hàng trăm tác phẩm và sản phẩm sơn mài như tranh treo tường, bình phong, tủ, đồ thờ, đồ mỹ nghệ… của ông được xuất xưởng và bán ra nước ngoài.
Công việc đang tiến hành tốt đẹp thì tạm thời bị gián đoạn trong thời gian ngắn do Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ngày 19/12/1946.
Năm 1949, với tình yêu nghề nghiệp và quyết tâm xây dựng một nền Mỹ thuật ứng dụng nước nhà, ông đã cùng các họa sĩ Trần Văn Du, Trần Quang Trân thành lập Trường Quốc gia Mỹ nghệ (École nationale d’Art Deco), được Bộ Giáo dục Quốc gia duyệt y. Và đó cũng chính là tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ngày hôm nay.
Từ năm 1956, ngành sơn mài trường Mỹ thuật Công nghiệp không ngừng phát triển với sự tập hợp đông đủ của các họa sĩ tài danh của Trường Mỹ thuật Đông Dương trước đây gồm có các họa sĩ: Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Lê Quốc Lộc, Phạm Đức Cường, Nguyễn Kim Đồng và nghệ nhân Đinh Văn Thành.
Bên cạnh công việc sáng tác, ông còn tập trung biên soạn tài liệu cho chuyên ngành sơn mài. Nhiều tổng kết của ông trong lĩnh vực này cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, được coi là cẩm nang trong đào tạo nghề sơn ở Việt Nam như: Lý thuyết cơ bản về nghề sơn; Kỹ thuật nghề sơn cổ truyền và sự biến đổi của nó; Các loại vật liệu trong sơn mài và phương thức bảo quản; Các loại dụng cụ và cách thức sử dụng trong nghề sơn.
Cuộc đời nghệ thuật của họa sĩ Phạm Hậu là sự cống hiến không mệt mỏi để gìn giữ và phát triển chất liệu sơn mài. Ông đã để lại một kho tàng đồ sộ, không chỉ có tranh sơn mài với các tác phẩm chính như: Gió mùa hạ, Một gia đình trong cánh rừng, Cảnh chùa Tây Phương v.v…, mà còn rất nhiều sản phẩm ứng dụng bằng chất liệu sơn mài trong đời sống xã hội nước ta…
Suốt 30 năm làm sơn mài và là thầy giáo trong lĩnh vực này, uy tín và tiếng vang của ông đã vượt ra ngoài biên giới. Nếu như ngày nay, nghệ thuật sơn mài Việt Nam có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế và chất liệu sơn mài đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong Mỹ thuật ứng dụng thì một trong những người mở đường và đặt nền móng đầu tiên cho những thành tựu ấy, không ai khác là họa sĩ Phạm Hậu.
Bức tranh “Thác bờ” của họa sĩ Phạm Hậu đạt mức giá 1 triệu USD
Phiên đấu giá thứ 29 “Những họa sĩ Châu Á, các tác phẩm quan trọng” đã diễn ra với khoảng 20 tác phẩm được chọn bởi Charlotte Aguttes-Reynier, chuyên gia về mảng này của thị trường nghệ thuật.
Trong số các họa sĩ có tác phẩm tham dự có các họa sĩ Việt Nam như: Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Phạm Hậu cũng như họa sĩ Pháp Alix Aymé.
Bức tranh sơn mài “Thác Bờ” của họa sĩ Phạm Hậu
Đúng như dự đoán, bức sơn mài “Phong cảnh với thuyền buồm” hay còn gọi là “Thác bờ” của Phạm Hậu đã đạt mức giá cao nhất trong tổng số các tác phẩm lên sàn. Đó là 833.000 Euro, tương đương hơn 1 triệu đô la Mỹ. Như vậy, giới mỹ thuật trong nước đã dự đoán chính xác về bức tranh này trước giờ “gõ búa” với mức giá đáng mơ ước.
Cũng tại phiên đấu giá, các tác phẩm của Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ… đạt từ vài chục nghìn đô la cho tới vài trăm nghìn Đô la Mỹ và không có cú sốc nào được tạo ra.
Bằng giao dịch thành công và công khai, “Thác bờ” của Phạm Hậu đã nằm trong bộ sưu tập các tác phẩm triệu đô của mỹ thuật Việt trên sàn giao dịch quốc tế. Tên tuổi của người thắng cuộc trong phiên đấu giá không được nhà Aguttes tiết lộ.
Phạm Hậu lần thứ tư ghi tên vào danh sách họa sĩ Việt có tranh triệu USD với tác phẩm Golden Sunset over Halong Bay (Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long). Bức bình phong sáu tấm bằng chất liệu sơn mài, đính kèm danh thiếp của vua Bảo Đại, được bán 1,24 triệu USD trong phiên đấu giá của Bonhams tối 27/11. Bonhams nhận xét tranh đại diện cho các sáng tác đậm chất thơ và kỹ thuật sơn mài điêu luyện của Phạm Hậu.
Kiến trúc sư Phạm Gia Yên – con trai họa sĩ, sống ở Australia – nói: “Tôi và gia đình rất hạnh phúc khi tác phẩm của bố đạt giá cao trên sàn quốc tế. Đó là minh chứng tranh của ông có giá trị nghệ thuật vượt thời gian và cả giá trị kinh tế. Chúng tôi tự hào vì điều đó”.
Bức Hoàng hôn vàng trên Vịnh Hạ Long của danh họa Phạm Hậu. giá 1,25 triệu Năm 1951, cho một nhà sưu tập Châu Á
Nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer Edgar Ansel Mowrer (1892-1977), người nổi tiếng với những bài viết về các sự kiện quốc tế đã đến thăm Việt Nam và có cuộc hẹn với vua Bảo Đại tại Đà Lạt. Chính vào dịp đặc biệt này, bức tranh đã được nhà vua tặng như một món quà dành cho Mowrer
Nhà báo Mỹ đoạt giải Pulitzer Edgar Ansel Mowrer (1892-1977)
Trong phiên Beyond Legends: Modern Art Evening Sale của Sotheby’s Hongkong hôm 18/4, bức View of a Famous Old Pagoda’s landscape in North Vietnam (Phong cảnh chùa Thầy) cũng đạt mức giá một triệu USD. Tháng 8/2019, bức bình phong sơn mài bốn tấm Chín con cá chép trong hồ nước (1939-1940) được bán với giá 1,168 triệu USD
“Chín con cá chép trong hồ nước” 1939, tranh sơn mài, gồm bốn tấm, 50x180cm/tấm, tại phiên đấu giá “Modern and Contemporary Southeast Asian Art Evening Sale” của Sotheby’s mở tại HongKong ngày 31/3/2109 đạt mức 1,168,803 USD
Bản phác thảo cá vàng trước khi lên sơn mài của họa sĩ. Ảnh: Gia đình cung cấp
Phong cảnh chùa cổ ở Bắc bộ (1934), Sơn mài, gồm sáu tấm, mỗi tấm có kích thước 104cm x 34 cm [Ảnh: Phạm Gia Yên]
Khung cảnh làng quê Bắc Bộ, Sơn mài 124*198cm, Phạm Hậu [Ảnh: Phạm Gia Yên]
Mục đồng chăn trâu thổi sáo, Sơn mài, Phạm Hậu [Ảnh: Phạm Gia Yên]
Gió mùa hạ (1940), Sơn mài, 150 cm x 68cm [Ảnh chụp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam]
Với bức tranh tranh mài Gió mùa hạ, Phạm Hậu đã khắc họa, diễn tả một bản giao hưởng của tự nhiên với vũ khúc của những bông sen trước gió vào độ cuối mùa hè. Mấy bông hoa trắng muốt nổi bật trên mặt nước, có bông đang chúm chím, có bông đang kỳ nở rộ và có bông đã tàn, cánh hoa bay như thả những cánh thuyền trắng mỏng manh trên mặt nước. Tất cả những đối tượng được miêu tả trong tranh cùng chao nghiêng về một hướng trước ngọn gió. Cái động của tranh được họa sĩ nhấn mạnh thêm bằng những cánh hoa rơi rụng bay theo gió, con chuồn chuồn mỏng manh đang cố bay đậu vào cành sen để khỏi bị gió cuốn đi. Chỉ có con chẫu chuộc ngồi trên lá sen dường như vẫn tự tại trước cảnh thiên nhiên an bình, tươi đẹp. Đây có lẽ là một trong những bức tranh thành công ở thể loại tĩnh vật theo dạng tranh hoa điểu – thảo trùng của phương Đông cổ họa trong buổi đầu hình thành nền hội họa Việt Nam hiện đại.
Tác phẩm đấu giá Quốc Tế họa sĩ Phạm Hậu
PHẠM HẬU. Phong cảnh với thuyền buồm Sơn mài với các điểm nổi bật bằng vàng và bạc và khảm xà cừ, có chữ ký phía dưới bên phải Màn hình 3 tấm: Cao 105,6 cm – 41 1/2 in. Chiều rộng tấm: 50 + 100 + 50 cm Chiều rộng tấm: 19 5/8 + 39 3/8 + 19 5/8 in. Toàn màn hình: 105,6 x 200 cm – 41 1/2 x 78 3/4 inch. NGUỒN Bộ sưu tập của một người Pháp sống ở Đông Dương khoảng năm 1950 Bộ sưu tập cá nhân, Pháp (do người trên tặng khi ông từ Đông Dương trở về và được giữ từ đó)
Mở đấu giá 29/11/2021 Ước tính: 350000 – 500000 EUR. Kết quả: 833.000 EUR.
PHẠM HẬU. Làng hoạt hình Sơn mài với các điểm nổi bật bằng vàng và bạc, có chữ ký phía dưới bên trái Màn hình trong 5 tấm: Cao 110,5 cm – 43 1/2 in. Chiều rộng tấm: 32,6 + 33 + 32,8 + 32,8 + 32,5 cm Chiều rộng tấm: 12 3/4 + 13 + 12 7/8 + 12 7/8 + 12 3/4 in. Toàn màn hình: 110,5 x 164 cm – 43 1/2 x 64 1/2 inch. NGUỒN Bộ sưu tập của một người Pháp sống ở Đông Dương khoảng năm 1950 Bộ sưu tập cá nhân, Pháp (do người trên tặng khi ông từ Đông Dương trở về và được giữ từ đó) Nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ 20, Phạm Hậu một mình thể hiện sự phục hưng nghệ thuật của sơn mài….
Mở bán 29/11/2021. Ước tính: 250000 – 350000 EUR. Kết quả: 405540 EUR.
Lịch sử hội họa, trên phương diện kỹ thuật vật chất, về cơ bản là sự trả lời cho câu hỏi: “sur quoi et avec quoi? / vẽ trên cái gì và vẽ bằng cái gì?”
Nếu con người có thể vẽ ở khắp nơi, trên vách đá, trên gốm, trên tường, trên gỗ, trên lụa, trên vải, trên giấy… – thì con người cũng có thể vẽ bằng bất cứ cái gì. Và, nếu như “trên cái gì” dường như bao giờ cũng là câu hỏi dễ tìm được câu trả lời, thì lắm khi câu trả lời cho “bằng cái gì” lại không hề chắc chắn.
Dĩ nhiên, trong hội họa, chữ “cái gì” ở đây thường được hiểu là chỉ màu, và tất nhiên theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả những chất có sắc tố, tự nhiên hay nhân tạo, mà con người có thể dùng để vẽ.
Nếu màu là trò chơi bí ẩn, ma quái của tạo hóa, thì chính nó cũng là trò chơi bí ẩn, ma quái của con người. Màu, nhìn chung, ở dạng vật chất mà ta có thể nhìn thấy trực tiếp. Nhưng cũng có những loại màu chỉ hiển thị ở kết quả cuối cùng, sau những quá trình biến đổi của cấu trúc vật chất (đặc biệt có thể thấy rõ trong các kỹ thuật chế tác đồ gốm có men hoặc kính màu trang trí cho các nhà thờ). Sự hình thành nên màu không chỉ là đối tượng nghiên cứu của vật lý học (đặc biệt là quang học), hóa học, sinh học, tâm sinh lý học mà còn của nhiều ngành khoa học khác.
PHẠM HẬU – Đường lên chùa Hương. Vẽ bút nhiệt trên gỗ. 36x21cm .Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Ta buộc phải nói những điều trên trước khi tìm hiểu về nghệ thuật “vẽ bút nhiệt trên gỗ” của họa sĩ Phạm Hậu vì kỹ thuật này rất rất hiếm khi được sử dụng trong hội họa, hay nói chính xác hơn, để làm ra được hội họa bằng nó, thì đây dường như là một trường hợp ngoại lệ.
Trước khi học hội họa ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Phạm Hậu học ở Trường Bách nghệ Hải Phòng, nơi đương nhiên ông đã được học và thực hành các môn học về kỹ thuật… Con người “kỹ thuật” trong ông, cho dù khi ông đã trở thành nghệ sĩ, một nhà hội họa, kỳ thực vẫn chưa bao giờ vắng bóng. Phẩm chất của một nhà kỹ thuật ấy, trên thực tế, đã giúp ông có nhiều phát kiến quan trọng đóng góp cho sự hình thành và phát triển của hội họa sơn mài Việt Nam suốt mấy thập kỷ, đặc biệt ở thời kỳ đầu tiên, với vị trí của người đi tiên phong trong kỹ thuật gắn vỏ trứng, màu trắng được xem là duy nhất của hội họa sơn mài khi đó, trước khi có sự hiện diện của màu trắng titane trên nghiên màu của sơn mài vào ít lâu sau.
Cũng như một số họa sĩ đa năng khác cùng thời với ông, Phạm Hậu sử dụng thành thạo hầu đủ các chất liệu hội họa. Ngoài sơn mài, mà ông là một trong những họa sĩ bậc thầy nổi tiếng nhất, ông còn vẽ sơn dầu, lụa, thuốc nước, phấn màu hoặc tranh sơn khắc…
PHẠM HẬU – Chùa Thầy. Vẽ bút nhiệt trên gỗ. 30x51cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Ngay tại Salon 1935 (triển lãm lần đầu tiên của SADEAI / Hội An Nam khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ nghệ), Phạm Hậu đã giành được huy chương vàng. Báo Ngày nay (số 3, 20/2/1935) viết: “Ông Phạm Hậu có một lối vẽ riêng hẳn, không giống ai. Ông thật là một họa sĩ có tài quan sát, biết vẽ những cảnh thường ngày diễn ra trước mắt, người và vật, rất hoạt động như thật”.
Năm 1944, Phạm Hậu triển lãm chung cùng Nguyễn Gia Trí tại Nhà Thông tin Tràng Tiền, Hà Nội. Về cuộc triển lãm này, tờ Thanh Nghị (số 77, 5/8/1944) viết: “Họa sĩ Phạm Hậu đã đặt sơn ta lên một địa vị rất cao trong nghệ thuật trang hoàng”.
Năm 1953, tại Triển lãm Nghệ thuật các nước Đông Nam Á tổ chức ở Thái Lan, các tranh sơn mài của Phạm Hậu cũng được đánh giá rất cao, cả về mặt nghệ thuật lẫn kỹ thuật thể hiện điêu luyện.
Kinh nghiệm sáng tác của ông cũng đã được ông truyền đạt cho nhiều thế hệ họa sĩ trong suốt một thời gian dài ông tham gia giảng dạy tại Trường Quốc gia Mỹ nghệ – Trường Mỹ nghệ Việt Nam (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội ngày nay).
Trong hội họa sơn mài nói riêng, Phạm Hậu là một họa sĩ điển hình đã kết hợp kiến thức bác học châu Âu với sự cảm thụ tinh tế Á Đông và bằng một kỹ năng thủ công đặc biệt tinh xảo, ông luôn luôn đạt tới những hiệu quả vô cùng hoàn thiện.
Các tác phẩm của Phạm Hậu đa số ở dạng hội họa trang trí (peinture décorative), áp dụng trên đồ vị lợi, như bình phong, trường kỷ, bàn ghế, hộp nữ trang, cánh tủ, thể hiện các mô-típ đặc trưng giai thoại Á Đông (sơn thủy, hoa điểu, cá vàng, nai rừng), theo phong cách sơn mài cổ điển đồng nhất. Nhiều bình phong có kích thước lớn (phong cảnh nông thôn đồng bằng hoặc trung du, Huế, Chợ Bờ, sông Đà) đều đã được mua và đem đi Pháp, Mỹ, Nhật Bản…, số còn lại ở Phủ Chủ tịch, Dinh Bảo Đại (Đà Lạt) hoặc các tư thất.
PHẠM HẬU – Phong cảnh nông thôn. Vẽ bút nhiệt trên gỗ. 36x21cm. Sưu tập Nguyễn Minh, Hà Nội
Tại sao Phạm Hậu lại nghiên cứu, thể nghiệm và sáng tác bằng “bút nhiệt trên gỗ”? Với người họa sĩ yêu thích tìm tòi về kỹ thuật như ông, điều này có vẻ dễ hiểu. Nhưng có lẽ vẫn còn một lý do khác. Ở vào thời kỳ cuối, ông rất thiếu vật liệu để sáng tác tranh sơn mài, và thường chỉ thể hiện những tranh khổ nhỏ, mang đậm chất “mỹ nghệ”, nhằm mục đích duy trì hoạt động và “kiếm sống”! Đây cũng là hoàn cảnh, điều kiện khó khăn chung của tất cả các họa sĩ trong thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh.
Thực ra, kỹ thuật vẽ bằng “bút nhiệt” (hay còn gọi là “bút lửa”) không có gì là mới. Chưa rõ kỹ thuật này chính xác có từ bao giờ, nhưng trên thực tế, lại khá phổ biến, đặc biệt ở phía Nam, trong ngành mỹ nghệ phục vụ du lịch. Và ở đây cũng không nhất thiết phải đi sâu vào chủ đề này cũng như các khía cạnh mang tính thuần túy kỹ thuật xung quanh nó.
Xem tranh vẽ bút nhiệt trên gỗ của Phạm Hậu, điều đầu tiên và trên hết thu hút sự chú ý có lẽ chính là một hiệu quả kép nằm giữa tranh khắc gỗ và tranh lụa, giữa đồ họa và hội họa. Thực đáng ngạc nhiên, vì ở đây, ta vừa có thể cảm nhận được vẻ đẹp sắc sảo, dứt khoát, mạnh mẽ như được tạo ra bởi con dao khắc, lại vừa có thể cảm nhận được một vẻ đẹp êm ái, độ rung rinh, mờ ảo như được tạo ra bởi ngọn bút lông. Những nét vẽ ấy – phương tiện biểu hiện chủ đạo ở đây của người họa sĩ – lại càng trở nên sống động, mang đậm chất vẽ nhờ những mảng màu thanh đạm tô tay, và rồi tất cả hòa nhập vào toàn bộ: Một bức tranh ra đời! Màu của nét chính là màu “cấu trúc”, sinh ra từ gỗ dưới tác động của nhiệt độ cao, càng khiến cho bức tranh trở nên độc đáo, huyền bí, u ảo…
Sự độc đáo này có mối liên hệ với những gì ta đã biết, với những vẻ đẹp mà các chất liệu truyền thống đã tạo ra trong hội họa. Nó vừa gây ngạc nhiên, nhưng cũng vừa gây cảm giác gần gũi, dễ cảm thông.
Trong nghệ thuật, nếu cái độc đáo chỉ là để độc đáo, độc đáo “tuyệt đối”, thì sẽ không còn độc đáo nữa. Nhận thức và cảm xúc của con người luôn luôn mang tính chuyển tiếp thông qua những trạng thái, những phương tiện trung gian như một nguyên lý. Và đây cũng chính là lý do để chúng ta trân trọng và yêu quý những thử nghiệm độc đáo của Phạm Hậu trong nghệ thuật “vẽ bút nhiệt”.
Một số hình ảnh của Họa sĩ Phạm Hậu
Họa sĩ Phạm Hậu nhận thưởng Long Bội Tinh sắc phong Hàn Lâm trước tác do Triều Nguyễn trao tặng
Triển lãm Tranh sơn mài của họa sỹ Phạm Hậu tại Thái Lan tháng 10/1953
Triển lãm Tranh sơn mài của họa sỹ Phạm Hậu tại Thái Lan tháng 10/1953
Lớp hình họa, Thầy Hậu với các nữ sinh
Lớp học sinh đầu tiên của trường Quốc Gia Mỹ Nghệ
Suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, họa sĩ Phạm Hậu đã cống hiến không mệt mỏi để phát triển kỹ thuật và nghệ thuật sơn mài. Ông đã để lại một kho tàng đồ sộ, không chỉ có tranh sơn mài với các tác phẩm chính về phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, về những làng quê, miền trung du Bắc Bộ, với những ngôi chùa cổ kính… mà còn rất nhiều sản phẩm ứng dụng bằng chất liệu sơn mài trong đời sống xã hội Việt Nam.
Là một trong những họa sĩ tiên phong trong lĩnh vực sơn mài, với sự kết hợp cảm thụ tinh tế Á Đông với kiến thức bác học châu Âu, Phạm Hậu đã để lại cho chúng ta những bức tranh tuyệt đẹp và bài học quý giá về tạo hình trong tranh sơn mài. Những đóng góp của Phạm Hậu về nghệ thuật và kỹ thuật trong tranh của ông mãi sẽ mãi giá trị với chúng ta hôm nay và mai sau.
(Nguồn : Tổng hợp)