HỌA SĨ TRƯƠNG VĂN Ý – MỘT ĐỜI VỚI NGHỆ THUẬT NƯỚC NHÀ

Nội dung chính

Trương Văn Ý (1935) một trong những cái tên cống hiến hết mình cho nền nghệ thuật nước nhà và luôn tìm tòi cái mới. Ông có nhiều năm giảng dạy tại Mỹ thuật Gia định, đào tạo nên nhiều lớp họa sĩ trẻ miền Nam. Ở tuổi 70 ông vẫn miệt mài với công cuộc sáng tác nghệ thuật. Ông là họa sĩ tiên phong về kỹ thuật đồ họa – in độc bản, gặt hái thành công trong lối đi mới mà chưa mấy ai dám thử nghiệm. Ông đã được giải thưởng của tòa đại sứ Italia (1963) về mảng đồ họa.

Họa sĩ Trương Văn Ý.

Họa sĩ Trương Văn Ý (1935) sinh ra tại Chợ Lớn, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia định khoá 1957-1959. Ông được giữ làm giảng viên (bộ môn in ấn Thạch bản) rồi đến Hiệu trưởng của ngôi trường này (1972-1975), tham gia đào tạo các thế hệ hoạ sĩ phía Nam trong nhiều năm. Trong thời gian đó, ông cũng tham gia những khóa học Mỹ thuật tại Nhật Bản (1973) và Đài Loan (1974).

Trương Văn Ý là học trò tâm huyết của họa sư Lê Văn Đệ – thủ khoa khóa đầu trường Mỹ Thuật Đông Dương, bởi vậy kỹ thuật tranh lụa ông cũng có ảnh hưởng lớn từ người thầy của mình – kỹ thuật vẽ nhuộm lụa. Tranh lụa của ông được làm rất tận tâm tỉ mỉ, một lớp bột được rửa đi lại một lớp nữa đắp lên, cứ vậy cho tới khi nào màu trên lụa đạt sắc độ đẹp nhất, bởi vậy quá trình sáng tác một bức có thể kéo dài cả tháng. Ngoài ra, hoạ sĩ Trương Văn Ý còn là người chịu khó tìm hiểu và học hỏi về kỹ thuật bồi giấy, lụa để phục vụ việc bảo tồn lâu dài cho các tác phẩm vẽ trên lụa.

Đặc biệt với đề tài tranh chân dung, hoạ sĩ Trương Văn Ý nổi tiếng với những bức tranh về các nhân vật lịch sử ông tâm đắc. Năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, ông đã giới thiệu đến công chúng hơn 100 bức tranh chân dung lụa ông vẽ tặng các soạn giả, đạo diễn nghệ sĩ sân khấu cải lương. Tranh chân dung của ông thiên về miêu tả cốt cách  từ sự định hình về tính cách ở họ, hơn là sự diễn tả tâm tư riêng biệt như bức chân dung.

Tác phẩm “Femme et son enfant”, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 45.5 x 65.5 cm, họa sĩ Trương Văn Ý, đã đấu giá tại sàn Millon & Associes.

Tác phẩm ” La Joueuse de luth “, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 37×57 cm, họa sĩ Trương Văn Ý, đã đấu giá tại sàn Lynda Trove.

Tác phẩm La Joueuse de luth tả họa hình ảnh một cô gái trẻ trong trang phục áo dài truyền thống, đầu đội khăn vấn bên cây đàn nguyệt, phía sau là hình ảnh mái đình cổ kích. Tổng thể tác phẩm là một chất hồn Việt đậm nét, từ chủ đề hình ảnh đến chất liệu và lối vẽ.

Tác phẩm ” Ngày tết trước lăng Ông Bà Chiểu”, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 38×57 cm, họa sĩ Trương Văn Ý, đã đấu giá tại sàn Maison R&C – Marseille.

Những hình ảnh như học hành của ngày xưa, hình ảnh mẹ con, thiếu nữ là đề tài chính xuyên suốtrong tranh họa sĩ – khung cảnh làng quê yên bình, với những nét vẽ đơn giản, hơi hướng cổ xưa mà giàu cảm xúc. Hoà sắc trong tranh Trương Văn Ý như vừa ảnh hưởng của lối vẽ thuỷ mặc phương Đông nhưng cũng kết hợp nhuần nhuyễn với kỹ thuật bút pháp phương Tây. Trong tranh, ta còn thấy nét phóng khoáng chân chất của người con Nam Bộ quê hương ông.

Tác phẩm ” La peintre et la musicienne “, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 75×55 cm, họa sĩ Trương Văn Ý, đã đấu giá tại sàn Millon & Associes.

Hình ảnh hai nàng thiếu nữ một chơi đàn một họa tranh đã gợi nên bốn chữ “Cầm kì thi họa”. Trong tranh Trương Văn Ý, không khó để thấy ông đã khéo léo đưa các giá trị tinh thần người Việt Nam vào tranh, ngoài “Cầm kì thi họa” ta còn thấy những chủ đề như “Công dung ngôn hạnh” hay “Từ đức”,.v.v. Tranh ông không những đẹp về tình mà còn về nghĩa.

Tác phẩm ” Bain dans la cascade “, chất liệu mực và màu trên lụa, kích thước 71.5×43.5 cm, họa sĩ Trương Văn Ý, đã đấu giá tại sàn Millon & Associes.

Bên cạnh những bức tranh lụa nổi tiếng, ông sớm thành công trên con đường đồ họa – tranh in độc bản mà khởi đầu là tranh thạch bản. Tranh in độc bản của họa sĩ hướng đến dáng vẻ của hội họa trừu tượng. Ông cũng đã mở triển lãm và nhận giải thưởng trong lĩnh vực này. Trước giải phóng ông cũng đã từng thử nghiệm với loại tranh này nhưng tại thời điểm đó là tranh thạch bản và màu sắc chúng chưa phong phú như bây giờ.

Một hành trình dài hơn 70 năm cống hiến cho hội họa, cho đến giờ đôi mắt của họa sĩ Trương Văn Ý tuy không còn đủ sáng để vẽ nên những bức tranh lụa, ông vẫn đi tiếp trên con đường hội họa trừu tượng. Tranh ông để lại vô số bao gồm cả tranh lụa lẫn in độc bản, có tranh hiện được trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, có tranh đoạt giải đặc biệt về tranh lụa (bức “Tóc huyền”).. Những đóng góp của ông trong các lĩnh vực từ giảng dạy đến nghiên cứu là tài sản vô giá với nền mỹ thuật Việt Nam.

Khánh Linh