HỘI HỌA TRẦN PHÚC DUYÊN

Nội dung chính

Trần Phúc Duyên, một họa sĩ tài hoa, đã gắn kết nghệ thuật Việt Nam với thế giới qua những tác phẩm độc đáo. Sinh ra trong một gia đình khá giả tại Hà Nội, ông theo đuổi hội họa từ nhỏ và khẳng định tên tuổi qua những tác phẩm phản ánh tinh thần Việt. Từ Hà Nội đến Paris, di sản nghệ thuật của Trần Phúc Duyên không chỉ là biểu tượng văn hóa Đông Tây mà còn là minh chứng cho sự kiên trì và tình yêu mãnh liệt với hội họa.

Họa sĩ Trần Phúc Duyên sinh ngày 16/2/1923 trong một gia đình khá giả làm xưởng mộc tại Hà Nội. Yêu thích hội họa từ nhỏ, sau này lớn lên ông quyết tâm theo nghề vẽ, thi đỗ vào Khóa 16 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1942 cùng với các họa sĩ Quang Phòng, Đinh Minh, Cao Xuân Hùng, Lê Phả, Nguyễn Văn Thành, Phan Thông, Võ Lăng và một vài họa sĩ ngoại quốc khác. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp năm 1945, trường phải đóng cửa nên khóa của ông chưa có cơ hội hoàn thành hết chương trình học 5 năm. Từ đó, Trần Phúc Duyên sống và hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp tại Hà Nội tới năm 1954, trước khi cùng hai anh em trai Trần Phúc Chí và Trần Phúc Tường di cư sang Pháp. Tại Paris, Pháp, ông dành nhiều thời gian tới học tại xưởng vẽ của họa sĩ Jean Soverbie (1891 – 1981) tại Trường Mỹ thuật Paris (L’ecole des Beaux-Arts Paris) và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp sáng tác nghệ thuật.

Hình 1: Họa sĩ Trần Phúc Duyên (1923 – 1993)

Trần Phúc Duyên là một chân dung nhiệt thành với nghệ thuật. Ông tìm thấy ở sơn mài một thứ ánh sáng hoài niệm mà mình muốn gắn bó, dù đã có lúc chuyển sang vẽ lụa hoặc thử nghiệm một số chất liệu khác. Hội họa của Trần Phúc Duyên có thể phân ra ba thời kỳ theo tuyến tính thời gian: 1945 – 1954: Sơn mài đồng nhất; 1954 đến cuối những năm 1970: Sơn mài sáng; và từ cuối năm 1970 tới năm 1993: Sơn mài thủy mặc. Cùng với đó, dù sinh sống nhiều năm tại nước ngoài, chủ đề sáng tác của ông trải rộng nhưng đều tập trung đi sâu vào tinh thần Việt Nam, đặc biệt là thực cảnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ hay những thiếu nữ trong tà áo dài thướt tha. Cuối đời, ông chuyển sang vẽ sơn mài trừu tượng, thiền họa với cảm hứng đậm nét của tranh thủy mặc Á Đông.

Hình 2: Tác phẩm sơn mài “Phong cảnh miền núi”, sơn mài, 65 x 50 cm

Tác phẩm “Phong cảnh miền núi” là một điển hình của thời kỳ sơn mài sáng (1954 – 1970) trong sự nghiệp hội họa của Trần Phúc Duyên. Giai đoạn này ông thường sáng tác về phong cảnh đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các làng xóm ở Hà Tây, vùng trung du và các danh lam thắng cảnh của miền Bắc Việt Nam cũng như hình ảnh thiếu nữ trong áo dài tân thời. Phần lớn đều được vẽ từ hồi ức và mang nỗi nhớ quê hương.

Bức tranh “Phong cảnh miền núi” lấy điểm nhìn rộng, bố cục viễn cận được nghiên cứu kỹ lưỡng. Đồng thời, hệ thống các chi tiết từ ngọn đu đủ mùa kết trái, dòng suối, cảnh chăn trâu, người mẹ địu con, hoạt cảnh lao động, gian nhà sàn núp sau lùm tre cho tới trời núi mờ ảo hiện,… đều được sắp xếp có ý đồ, hàm chứa sự dẫn dắt và mang đậm tính trần thuật. Thông qua những hình ảnh mang tính biểu tượng, điển hình như nhà sàn hay trang phục truyền thống, có thể đoán được đây là phong cảnh đời sống sinh hoạt của đồng bào người Thái tại vùng núi phía Bắc. Tác phẩm bàng bạc thơ mộng, tông vàng nhẹ, mang cảm hứng lãng mạn về cảnh vật hoang sơ và con người giàu tình cảm dẫu cho khi ấy Việt Nam còn đang chìm trong chiến tranh khói lửa. Cảnh vật giản dị, như phủ một lớp sương của thời gian và không gian, có lẽ chính là niềm nhớ nhung, mong mỏi Việt Nam đón hòa bình của tác giả.

Sinh thời Trần Phúc Duyên lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ. Ông có 12 triển lãm cá nhân từ năm 1968 đến năm 1993 bao gồm một triển lãm tại Pháp năm 1970, một triển lãm tại Canada năm 1975 cùng nhiều triển lãm tại Thuỵ Sỹ năm 1971, 1973 (3 lần), 1976 (2 lần), 1978, 1979, 1983 và 1989. Từ giã cõi trần năm 1993, ông để lại cho hậu thế một di sản phong phú và sâu sắc, là hiện thân của những mảng màu pha trộn hai nền văn hóa Đông Tây.

Lê Quang – Le Aucion House!