Ngày 11/1, Viện Pháp Việt Nam, Hiệp hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris, Nhà đấu giá Aguttes, Nhà xuất bản In Fine éditions d’art, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Công ty Viet Art View phối hợp tổ chức ra mắt tại Việt Nam cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” của tác giả Charlotte Aguttes-Reynier tại Hà Nội.
Tranh Đông Dương của thế hệ các họa sĩ được đào tạo từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngày càng được chú ý nhiều hơn, các nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trong nước cũng như quốc tế bắt đầu quan tâm mạnh mẽ đến mỹ thuật Đông Dương – một giai đoạn mỹ thuật rực rỡ có vai trò quan trọng trong nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Việc nghiên cứu, khám phá công phu, tỉ mỉ góp phần khẳng định và làm giá trị tác phẩm không ngừng tăng.
Toàn cảnh lễ ra mắt sách
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Charlotte Aguttes-Reynier, Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Châu Á tại Paris – tác giả cuốn sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương” cho biết, cho đến nay, bà đã có 10 năm nghiên cứu cụ thể, nghiêm túc về mỹ thuật Đông Dương sau khi biết đến tác phẩm “Thưởng trà” của Lê Phổ vào năm 2014: “Một bức tranh lụa tuyệt đẹp với chất lượng thực hiện rất cao. Tôi bắt đầu những nghiên cứu chuyên sâu về bức tranh này, về họa sĩ, sự nghiệp của ông… và tìm thấy niềm đam mê trong đó. Tôi cố gắng tìm điểm đặc biệt của họa sĩ và ngạc nhiên khi phát hiện ra sự chênh lệch về kết quả của các phiên đấu giá tổ chức tại Châu Á và tại các nước khác trên thế giới. Bức tranh này xứng đáng được nhìn nhận một cách khác biệt và Nhà đấu giá Aguttes đã mang lại cho bức tranh giá trị đúng đắn, vượt xa những giá trị từng được ghi nhận trước đó tại Châu Âu. Phiên đấu giá đã thành công vang dội, đánh dấu sự khởi đầu của một chuyến phiêu lưu tuyệt vời”. Từ đó, bà bắt đầu nghiên cứu, viết lời giới thiệu cho các tác phẩm tranh.
Bà Charlotte Aguttes-Reynier chia sẻ, từ năm 2000-2014 giá các tác phẩm mỹ thuật Đông Dương không có nhiều diễn biến. Năm 2014, đánh dấu sự kiện bán đấu giá Thưởng trà, Nhà đấu giá Aguttes đã hân hạnh trở thành 1 trong 5 nhà sưu tập bán tranh Đông Dương với giá cao. Trong 10 năm trở lại đây giá trị tác phẩm trên các sàn đấu giá liên tục tăng.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày nay), thông qua cuốn sách, bà mong muốn làm sáng tỏ giai đoạn nghệ thuật 1925-1945, đem đến những kiến thức chính xác và đúng đắn nhất, khắc họa lại bức tranh về một phần lịch sử nghệ thuật bằng một cái nhìn mới,cái nhìn của chuyên gia về nghệ thuật hiện đại Châu Á. Qua đó tri ân và tôn vinh những đóng góp và thành tựu của các giảng viên, sinh viên nhà trường trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Sách “Nghệ thuật hiện đại Đông Dương”
Nghệ thuật hiện đại Đông Dương với 3 ngôn ngữ: Pháp – Anh – Việt nói về những đóng góp của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tới lịch sử nghệ thuật quốc tế. Với 319 hình ảnh minh họa, 28 tiểu sử của các sinh viên và giáo viên cùng nhiều tài liệu lưu trữ trở thành nòng cốt cho những luận điểm của tác giả. Tác giả cũng mở cho độc giả cánh cửa dẫn tới nhiều bộ sưu tập tư nhân và bảo tàng.
Cuốn sách hé lộ một phần của lịch sử nghệ thuật quốc tế bị che khuất suốt hơn bảy mươi năm qua. Từ Inguimberty đến Alix Aymé, từ Nguyễn Phan Chánh đến Vũ Cao Đàm, qua Mai Trung Thứ và Lê Phổ, dù là giáo viên hay sinh viên, họ vẽ, sơn, điêu khắc, cho ra đời các tác phẩm sơn mài, các cuộc triển lãm… Điều hành bởi Victor Tardieu và sau đó là Evariste Jonchère, từ năm 1925-1945, ngôi trường này đã trải qua một thời kỳ thi đua nghệ thuật vô cùng sôi nổi, khơi nguồn cho sự canh tân nghệ thuật hiện đại VIệt Nam.
Trong cuốn sách, tác giả chú trọng diễn giải những bước đi quan trọng giúp hình thành nên tầng lớp nghệ sĩ ưu tú mà Tardieu vẫn luôn mong chờ, và làm sáng tỏ những vùng tối che phủ sự phong phú và tầm quan trọng của nền nghệ thuật trong thời kỳ này tại Đông Dương.
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, bà Sophie Maysonnave, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam khẳng định cuốn sách “Nghệ thuật Hiện đại Đông Dương” là một tác phẩm quý giá, tôn vinh những đóng góp và thành tựu của các giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong quá trình đặt nền móng, xây dựng, phát triển nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Bà Đặng Thị Phong Lan – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết, 1925-1945 là giai đoạn nền tảng của lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Sự kiện này có thể xem như một điểm nhấn có ý nghĩa mở màn cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm thành lập trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Là một nhà sưu tập tranh, ông Hàn Ngọc Vũ cho biết, nghệ thuật Đông Dương là giai đoạn đặc biệt đối với các nhà sưu tập, giai đoạn có nhiều tên tuổi nghệ sĩ và tác phẩm chất lượng mà phần lớn các nhà sưu tập hiện đại đều mong muốn có được để làm cái lõi cho bộ sưu tập của mình. Cuốn sách là một sự đóng góp tích cực, tin vui cho các nhà sưu tập. Ông cho đánh giá tác giả cuốn sách vừa có sự đam mê, vừa có kinh nghiệm nghề nghiệp, lại có lợi thế tự nhiên của một người Pháp trong việc khai thác các tư liệu về nghệ thuật Đông Dương từ hệ thống lưu trữ của Pháp, từ các cá nhân người Pháp yêu mến nghệ thuật Đông Dương, từ các tổ chức kinh doanh nghệ thuật chuyên nghiệp. Tập hợp các tư liệu quý giá về sự ra đời và phát triển của mỹ thuật Đông Dương hiện đại giai đoạn trước năm 1945 đây là những tư liệu hữu ích giúp cho các nhà sưu tập quan tâm đến nghệ thuật Đông Dương hiện đại có thêm cơ sở khách quan trong việc lựa chọn sưu tập.
Nguyễn Chi