KHÚC ĐỒNG VỌNG SÁNG TẠO CỦA 4 TÊN TUỔI NỔI BẬT – HỘI HỌA MIỀN NAM NỬA SAU THẾ KỶ 20

Nội dung chính

Mỹ thuật miền Nam từ bao đời vốn là một thành tố thiêng liêng của vùng đất rộng. Nơi đây không thiếu người giỏi về mỹ thuật. Khu biệt lại chỉ trong giai đoạn những năm 1960 – 1970, trên bối cảnh nối tiếp thế hệ tiền nhân đứng tuổi, kỳ cựu, đã có rất nhiều những tên tuổi trẻ nổi bật mà trong đó có Nguyễn Phước (sn. 1943), Nguyễn Trung (sn. 1940), Nguyễn Khai (sn. 1940) và Hồ Hữu Thủ (sn. 1940). Họ là những đại diện đặc sắc trong những tên tuổi nổi bật đã góp phần làm nên sự huy hoàng của một giai đoạn mỹ thuật Sài Gòn – Gia Định và miền Nam trước đây.

Nguyễn Phước (SN. 1943)

Nguyễn Phước – Tác phẩm Cô gái, sơn dầu trên vải, khổ 127 x 127 cm, thuộc bst Le Auctions.

Nguyễn Phước sinh ngày 19.10.1943 tại Sài Gòn. Ông theo đuổi mỹ thuật rất sớm. Năm 1956, khi mới 13 tuổi, ông vào học trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định niên khóa 1956 – 1960, sau đó tiếp tục theo học tại Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định niên khóa 1960 – 1965. Đây là những năm tháng mang tính bản lề của cuộc đời ông khi tôi luyện sự khéo léo và nề nếp của nghề thủ công để đưa vào nghệ thuật với tính sáng tạo bền bỉ. Trước khi sang Hoa Kỳ định cư năm 1994, ông đã tham dự nhiều cuộc triển lãm cả trong nước và quốc tế kể đến như triển lãm mùa xuân năm 1960, 1961, 1963; triển lãm mùa thu năm 1962 tại Sài Gòn; triển lãm mỹ thuật quốc tế lần 1 tại viên đình Tao Đàn năm 1962; triển lãm mỹ thuật quốc tế tại Tunis, Tunisia năm 1964; triển lãm mỹ thuật lưỡng niên Paris lần 4 tại Pháp năm 1965; triển lãm mỹ thuật tam niên lần 1 tại Ấn Độ năm 1968; triển lãm thường niên hội họa sĩ trẻ Việt Nam tại Sài Gòn năm 1966, 1967, 1973, 1974; triển lãm mỹ thuật quốc tế bảo tàng quốc gia Singapore năm 1992 và cũng vào năm 1992, ông đã tham dự chương trình Văn Hiến Á Châu, phòng tranh Notices, cũng ở Singapore. Đặc biệt, Nguyễn Phước đã được Văn Hóa vụ trao tặng huy chương đồng cho bức “con bò” vẽ bằng bột màu trong cuộc triển lãm mùa thu năm 62 cũng như huy chương bạc và huy chương đồng lần lượt cho bức sơn dầu “quán tím” và “nhà sàn” trong kỳ triển lãm mùa xuân năm 1963.

Hội họa của Nguyễn Phước cho thấy ông là một con người tài hoa đặc biệt của nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ở mỗi giai kỳ ông đều có những dấu ấn riêng. Những năm 60 đầy biến động thời cuộc, ông đau đáu đưa tư tưởng hiện sinh của người thanh niên tri thức miền vào các tác phẩm. Trong đó, cái được nhấn mạnh nhất là ý thức về sự cô đơn và hình hài chảy xệ, méo mó của con người trên một bảng màu chủ đạo là nâu trầm, vàng đậm, buồn thăm thẳm. Nguyễn Phước đã đi một quãng đường dài, từ miền biểu hiện qua trừu tượng rồi chuyển sang siêu thực trong thập niên 60 của thế kỷ 20 trước khi lại trở lại về trừu tượng những 1970 nhưng với bảng màu xanh, lạnh. Đó cũng là hành trình tinh lọc nội dung từ nhiễu động tiến về miền tĩnh tại, gác lại mọi ưu phiền, lý trí và thả mình vào màu sắc cùng đường nét, đi tìm con người thật của chính mình. Như cách ông từng chia sẻ rằng “cuộc sống thật là khắc nghiệt. Nếu không vì niềm vui lớn đang chờ đợi ở phía trước thì tôi khó vượt qua được những thất vọng và ngang trái. Tất cả khó khăn dần dần qua đi. Đôi khi tôi đã ném chúng vào tác phẩm của tôi, và vì lòng yêu nghề, tôi đã giãi bày chúng như những chứng nhân một cách trật tự, công bằng và vị tha.” Và nếu bút pháp là tấm áo bao bọc bên ngoài thì trong đó là một sự hòa hợp nhất quán với nội tâm của Nguyễn Phước.

Suốt một đời nghiêm cẩn với cái đẹp từ trong nội tại đến tác phẩm, hội họa của Nguyễn Phước có nét giản dị, chân tình dẫu cho nó đến từ những ảo ảnh vô thực. Trên tinh thần khai phá những đường biên mới, nội dung tranh ông mở ra những khía cạnh rất đời, có thể là mầm sống, một chiều tàn cuối năm, những đêm vang vọng, một thoáng ngẩn ngơ với tuyệt tác “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị hay “Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du,… nhưng tựu trung lại, cái đẹp man mác và trữ tình là điều nổi lên trên hết.

Bàn về tranh Nguyễn Phước, họa sĩ Đinh Cường (1939 – 2016) từng ghé qua San Antonio, Texas thăm ông và lưu lại những dòng này: “Có thời ở Minnesota tuyết lạnh bạn tôi vẽ nhiều tranh khổ lớn, màu sắc ánh sáng trong xanh như nắng trong vườn xuân, tôi nhớ hoài bức ‘sàng gạo’ hồi Phước vẽ ở Phú Nhuận, Phước vẽ trừu tượng rất sớm và rất tới như Huỳnh Hữu Ủy nói: Thực là hài hòa trong một tiết điệu giản dị mà sâu sắc biết ngần nào”.

 

Nguyễn Trung (SN. 1940)

Nguyễn Trung – Tác phẩm mẫu Lĩnh Mai, sơn dầu trên vải, khổ 79,5 x 64 cm, thuộc bst Le Auctions.

Họa sĩ Nguyễn Trung sinh năm 1940 tại Sóc Trăng. Ông là một nghệ sĩ điển hình đóng góp vào quá trình phát triển của nghệ thuật miền Nam Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Khi còn là sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, ông đã say mê vẽ và ghi dấu tên tuổi mình với những giải thưởng quan trọng như huy chương bạc triển lãm hội họa mùa xuân năm 1961, huy chương vàng triển lãm hội họa mùa xuân năm 1963. Ông từng đảm trách nhiều vai trò quan trọng, từ chủ tịch hội họa sĩ trẻ Sài Gòn (1969 – 1973) đến “ngọn cờ đầu” của “nhóm 10 người” ở Hồ Chí Minh (1989 – 1996). Ông cùng họa sĩ Ca Lê Thắng cũng từng sáng lập và biên tập tờ Tạp chí Mỹ thuật của Hội Mỹ thuật Hồ Chí Minh từ năm 1991 tới 1997.

Nguyễn Trung là một họa sĩ có nhiều cá tính, tài năng và trí tuệ. Vào thời kỳ đầu tiên, trong thập niên 60, ông tìm mình trong hội họa biểu hình với hơi hướng lãng mạn và phát triển dần từ đó tới nay. Xen giữa những năm tháng này, ông vẽ trừu tượng từ năm 1990. Điểm xuyết trong cả quá trình hội họa, ông còn vẽ thêm một số tác phẩm theo chủ nghĩa hiện thực xã hội.

Gần 60 năm với hội họa, Nguyễn Trung là người thành danh sớm, định hình rõ ràng tên tuổi mình khoảng những năm 1961 – 1966. Ông sáng tạo hệ thống đường nét, bố cục vững chãi, chặt chẽ với hòa sắc táo bạo phần nào ảnh hưởng từ Henri Rousseau – họa sĩ Hậu Ấn tượng người Pháp vẽ theo lối ngây thơ, nguyên thủy. Trong bảng màu ấy ta cũng bắt gặp sắc xanh khám phá được trong một số cổ vật và bích họa Đông phương hay tranh thủy mặc từ bao đời của Trung Hoa. Từng yếu tố được đặt cạnh nhau tỉ mỉ đem lại bầu không khí rất cổ điển mà cũng rất mới mẻ. Hay nói cách khác, người họa sĩ lúc này đã biến niềm say mê học hỏi trở thành vốn của riêng để tự do chế ngự thế giới do chính mình tạo ra.

Bước sang năm 1970, tranh Nguyễn Trung lại mang màu sắc vô cùng thơ mộng nhưng buồn. Nét buồn ấy hiển lộ từ đôi mắt thiếu nữ tới chiếc khăn lụa trùm đầu hay đôi tay gầy guộc chụm vào nhau trước nền cát, nền trời xám sẫm. Thời kỳ này thứ ánh sáng ông miêu tả trong tranh chịu sự ảnh hưởng của tranh cổ điển Tây phương. Đó là nguyên tắc đặt sáng thường thấy Leonardo da Vinci, Rembrandt, Raphael, Johannes Vermeer,…đã rất chú tâm sử dụng. Ở trường hợp của Nguyễn Trung, ông cũng nghiêm cẩn với từng mảng sáng tối và làm kỹ cả những chi tiết  cần vờn tỉa, đánh bóng.

Từ sau năm 1975, ý thức về công bút của ông dần được nới lỏng để đưa đến tổng hòa tinh tế hơn. Nguyễn Trung giữ nguyên lý và tạo hình cũ nhưng đã lược bỏ nhiều chi tiết để quân bình cảm xúc. Chủ đề sáng tác của ông những năm này vẫn đa phần về thiếu nữ nhưng đã tiến gần hơn về phía mỹ thuật phương Đông. Càng về sau, cuộc chơi của người họa sĩ càng giản dị hơn về đường nét và chú trọng tri kiến ánh sáng vô hình của tâm tư. Đó là một tinh thần nhất quán đến với họa sĩ tự nhiên như sự đến đi của mọi xoay vần trong đời sống. Ông từng đúc kết hành trình đó trong vựng tập triển lãm tác phẩm với Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Nguyễn Lâm, Nguyễn Phước, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 1994: “Trong thiên nhiên ánh sáng là chiếc vương miện vĩ đại làm tăng thêm vẻ sang trọng, uy nghi của núi rừng hoa cỏ. Trong hội họa ánh sáng là sức sống của hình và nét và tự nó cũng là hình, và nét. Tùy theo to nhỏ, dày mỏng, tùy theo cách sắp đặt, có thể làm cho nó chuyển động, nô đùa trên khung bố.”

Cũng cùng một con người ấy nhưng trừu tượng của Nguyễn Trung trong thập niên 90 lại là một cách giải mã khác với chân lý của chính ông. Đó là con đường thấu hiểu chính mình và biểu hiện nó triệt để. Ông đi từ những chất liệu đa dạng như khai hoang một vùng đất mới rồi tìm cho mình một góc yên tĩnh cư ngụ và vun đắp cái của mình. Mặt phẳng, hình và nét là nơi Nguyễn Trung phóng chiếu tâm cảnh, tung tẩy mô tả mọi biến chuyển dù nhỏ dù to. Trong suốt hơn 3 thập niên trở lại đây, địa hạt này lưu giữ cả những ám ảnh quá khứ với bảng đen, ma, dấu tay máu ịn đỏ trên tường. Ông vẽ như một cách giải tỏa tác động của những nhiễu động thời cuộc mình từng kinh qua trong đời.

 

Nguyên Khai (SN. 1940)

Nguyên Khai – Tác phẩm Cô gái, sơn dầu trên vải, khổ 101 x 76 cm, thuộc bst Le Auctions.

Nguyên Khai, tên thật Nguyễn Phúc Bửu Khải, sinh năm 1940 tại Huế. Ông theo học năm đầu tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1960 – 1961) sau đó chuyển vào học năm thứ ba và năm thứ tư tại Trường Mỹ thuật Gia Định (1962 – 1963) và là thành viên nòng cốt của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam vào thập niên 60. Cùng năm 1963, Nguyên Khai đã được Văn Hóa vụ trao tặng huy chương đồng trong cuộc triển lãm mùa xuân. Ông là người hoạt động nghệ thuật năng nổ với nhiều triển lãm trong và ngoài nước kể đến như triển lãm quốc tế năm 1964, triển lãm lưỡng niên định kỳ Paris lần thứ 4 tại Pháp, triển lãm lưỡng niên định kỳ tại Tokyo, Nhật Bản năm 1967, triển lãm lưỡng niên định kỳ tại New Delhi Ấn Độ năm 1968, triển lãm lưỡng niên định kỳ tại Brazil năm 1969. Sau này khi sang Hoa Kỳ định cư, ông vẫn say mê sáng tác và thường xuyên triển lãm tại các trường đại học, phòng trưng bày tư nhân và một số bảo tàng ở California.

Trong lứa họa sĩ trạc tuổi nhau ở thời của ông, có lẽ Nguyên Khai là người thể nghiệm với nhiều chất liệu nhất. Ông sáng tác đa dạng từ sơn dầu, hỗn hợp, sơn mài, tranh in độc bản, tượng, phù điêu và cả vẽ bằng men sứ. Nguyên Khai vẽ từ biểu hiện sang trừu tượng và không phân định rạch ròi từng thời kỳ sáng tạo. Chỉ biết rằng những sáng tác của ông mang ấn tượng thơ mộng, là thi ca của màu sắc và sâu thăm thẳm. Nhiều nhà phê bình nghệ thuật ở Sài Gòn cùng thời đã từng nhấn mạnh tính trữ tình hoài niệm ông lưu giữ từ cuộc đời vào hội họa. Những hoa cỏ vương trong tay người thiếu nữ, những thâm trầm nhẹ nhẹ vỗ về thiên đàng nào đó trong tâm, những đàn ngựa phi nước đại, những đêm tối diệu huyền, những tiếng ca từ loài chim lạ dưới trăng, giữa trời,… mọi vận động trong đời sống hội họa của ông rất riêng và rất “Nguyên Khai”. Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy cũng từng chia sẻ rằng “tranh của Nguyên Khai là thơ được dựng lại bằng sắc màu trên nền vải. Đó là một thế giới vô cùng thơ mộng, kiểu cách và quý phái như phong cách đã định hình ngay từ những bước đầu… Nghệ thuật của anh là một bắt nhịp ra ngoài cái hiện tiền.” Ánh nhìn lên ngoại cảnh ấy của Nguyên Khai chính là khởi nguồn của sự pha trộn hình ảnh, chuyển động và tạo ra thế giới ảo hoặc, một cách bền bỉ.

Nghệ thuật của Nguyên Khai là như thế, dễ cảm được chất thanh cao và bay bổng trong một miền trời riêng dù ở thời nào chăng nữa.

 

Hồ Hữu Thủ (SN. 1940)

Hồ Hữu Thủ – Tác phẩm trừu tượng, sơn dầu trên vải, khổ 39 x 59 cm, thuộc bst Le Auctions.

Hội họa Việt phía nam có một tên tuổi lớn đã đi vào huyền thoại của cả vùng đất, người được gọi là “thuật sĩ sơn mài” và nhật báo Journal d’Extrême Orient từng so sánh ông với Chagall, với Henri Rousseau – những họa sĩ Pháp thành công ở thế kỷ 20. Không ai khác, đó là Hồ Hữu Thủ.

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ, quê gốc ở Nghệ An, sinh năm 1940 tại Bình Dương, cái nôi của thủ công mỹ nghệ miền Nam. Ông từng theo học trường Mỹ nghệ Bình Dương về trang trí nội thất, sau đó vào tu luyện tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn niên khóa 1960 – 1963 cùng với Đỗ Trọng Nhơn, Lâm Huỳnh Long, Lê Thanh, Lai Tấn Tài, Nguyễn Tấn Phước. Từ khi tốt nghiệp ông đã thường xuyên tham dự các cuộc triển lãm trong nước và quốc tế, trong đó có các cuộc triển lãm thường niên của Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam từ năm 1967 tới 1974; triển lãm ở Paris năm 1979, 1989, 1994; tại Canada năm 1980; Đức năm 1988 và Singapore năm 1991. Năm 1992, ông tham dự sự kiện “Art & Material 92” tại phòng trưng bày của Bảo tàng Quốc gia Singapore,…

Hồ Hữu Thủ bắt đầu sự nghiệp hội họa với tranh sơn dầu. Trong ký ức của hội họa Sài Thành đã từng có cuộc bày tranh rất thành công của ông cùng Nguyên Khai và Nguyễn Trung tại cơ sở Pháp Văn Đồng Minh Hội từ năm 1970. Ở đó người xem bắt gặp những cô thiếu nữ trẻ trung, tinh khiết, bừng lên sinh khí bước ra từ trong tranh Hồ Hữu Thủ như đánh thức một khu vườn mộng ảo. Cái ngây dại và hoang sơ ở thiếu nữ ngực trần như một tuyên ngôn mãnh liệt của vẻ đẹp con người bên cạnh những ngựa hoa kiểu cách, chim muông nương tựa trên tay và nụ hoa bung tỏa,… Nhìn chung, hội họa sơn dầu của ông giai đoạn này đã đi đến biểu tượng hóa người, vật, thiên nhiên dưới lối vẽ vừa thực vừa siêu thực, hướng tới nghệ thuật tượng trưng. Hiện sinh và khỏe khoắn nhưng không kém phần thơ mộng. Chuyển biến của họa sĩ ở vài năm sau, có chăng chính là qua thời gian màu sắc, đường nét được tiết chế hơn và đi sâu vào khai thác nội tâm.

Ngoài sơn dầu, Hồ Hữu Thủ là một trong những họa sĩ hiếm hoi đầu tiên tại miền Nam sau 1954 đi sâu và gắn bó với sơn mài. Bước đi này gần như một sự nối dài truyền thống sơn mài của lứa họa sĩ xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương trong khi bản thân ông đã đóng góp một góc nhìn mới rất khoáng đạt ở khu vực phía Nam.

Sau năm 1975, làn sóng mua sơn mài của Việt kiều và khách nước ngoài với tranh Nguyễn Gia Trí, Thành Lễ, Nguyễn Văn Minh như một cú hích thuận lợi với Hồ Hữu Thủ khi chuyển sang sáng tác sơn mài. Nhờ vào sức hấp dẫn kỳ diệu của một chất liệu, ông phóng chiếu những ý niệm của mình với kỹ thuật trau chuốt và bằng một phong cách rất hiện đại. Ông sáng tác sơn mài tự do, không áp đặt bất kỳ một hệ thống tư duy cố hữu và luôn nắm bắt chất liệu, hứng thú kiếm tìm thể nghiệm mới. Nhất là khi đến cuối thập niên 1980, nhu cầu tranh sơn mài càng dâng cao trong giới chơi tranh Tây phương và trong cộng đồng người Việt thành đạt tại hải ngoại. Trong giai đoạn này có một điểm đáng chú ý, ông chuyển từ khuynh hướng siêu thực sang trừu tượng và bắt đầu bung phá tất cả mọi giới hạn. Một mặt cải tiến kỹ thuật bằng cách điều tiết tiết diện mài, thử nghiệm các chất liệu khác như bao bố, gỗ,… mà ông gọi là sơn ta tổng hợp. Mặt khác, triệt để định hình cái bên trong mình, cái mà ông, vượt lên trên cách thức sử dụng phương tiện biểu đạt, khát khao bày tỏ.

Sau cùng của một chặng đường nghệ thuật dài với nhiều cống hiến mang tính đột phá, Hồ Hữu Thủ luôn vượt ra mọi quy tắc thường thấy. Ông kết luận: “Tôi nói không dùng ý tưởng nữa, sáng tạo phải là cái mới hoàn toàn. Cái mới không được nằm trong đầu, chứ nằm trong đầu rồi thì là cũ. Sáng tạo là phải làm ra một chủ thể chưa từng có trong đời”. Nhờ vậy mà mỹ thuật Sài Gòn hậu 1975 có thêm nét chấm phá có một không hai.

Lời kết

Sài Gòn với một nền mỹ thuật có những giai đoạn đáng tự hào. Trong đó lớp họa sĩ thuộc Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam đã góp công không hề nhỏ cho nền nghệ thuật tạo hình còn non trẻ của nước nhà bắt kịp tiếng nói thời đại. Họ tạo ra một chuyển động liền mạch với các họa sĩ tiền nhân và chú trọng thêm vào tính bứt phá, khai quật những khoảng trời mới. Tính đến năm 1975, chỉ với chừng gần 20 năm ngắn ngủi, những họa sĩ tài năng như Nguyễn Phước, Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ và nhiều cá nhân khác đã đồng vọng, khát khao sáng tạo và kiếm tìm cái mới trong hoàn cảnh đất nước trải qua 30 năm chiến tranh ác liệt. Cũng chính họ đã hòa chung bầu không khí sục sôi phát triển khi hòa bình lập lại còn nhiều thách thức để rực lên một nền nghệ thuật trú phú, trẻ trung, hiện đại ở Sài Gòn và sáng tạo chưa từng thấy.

Lê Quang