Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật

Nội dung chính

Ba nghệ sĩ tên tuổi trong các lĩnh vực hội hoạ, văn học và điêu khắc là họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt đã tổ chức triển lãm “Otherwise – Mặt khác”. Trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, triển lãm được coi là lời tri ân của ba nghệ sĩ với nơi họ sinh ra và lớn lên – Hà Nội.

Ba người ở Phố

Sau ba thập kỷ gặp gỡ và trở thành bạn bè thân thiết, các nghệ sĩ cảm thấy cần phải làm một điều gì đó cùng nhau. Tuy nhiên, với sự thành công riêng của mỗi người trong từng lĩnh vực văn chương và nghệ thuật, việc chọn một chủ đề để có thể đứng chung vừa là việc dễ dàng nhưng cũng vô cùng khó. Chính thái độ, tình cảm của họ với Hà Nội và với nhau đã trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của triển lãm Otherwise – Mặt khác.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 1

Từ trái sang: Nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt, họa sĩ Lê Thiết Cương.

 

Về tên triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, Mặt khác là khuôn mặt khác của 3 người chứ không phải mặt sau, mặt trước, mặt trái, mặt phải.

Mặt khác là khuôn mặt – tình bạn của 3 người, 3 con giai phố cổ, đành rằng mỗi thân mỗi phận, bách nhân bách tính, mỗi người, mỗi nghề, viết lách – Việt Hà, đục đẽo – Đinh Công Đạt, vẽ vời – Lê Thiết Cương nhưng mặt khác là: mặt nhà thờ – Việt Hà; mặt chợ, chính xác là Kẻ Chợ – Đinh Công Đạt; và mặt chùa – Lê Thiết Cương. Vậy nên 3 cái mặt khác ấy chơi với nhau, chơi được với nhau thì hẳn rằng nó cũng là một tình bạn khang khác”, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 2

Không gian triển lãm.

 

Với ba loại hình khuôn mặt, ba chất liệu và ba hình thức thể hiện, Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt đã truyền tải thông điệp: Hà Nội là sự tinh tế và lịch lãm, và sẽ mãi mãi luôn tồn tại.

Đối với các nghệ sĩ, Hà Nội không chỉ đơn giản là “những con phố với những buổi chiều mưa phùn giăng mìn mịn”, phố dài bao nhiêu, phố được thiết kế thế nào, lịch sử hình thành…. Thứ mà họ quan tâm là con người và số phận của những con người trên từng con phố cụ thể.

Hà Nội còn là một thực thể văn hóa sống động. Bản chất của Hà Nội không nằm ở các công trình vật chất hay tài sản hữu hình, mà chính là ở di sản văn hóa phi vật thể mà người dân nơi đây luôn trân trọng và gìn giữ. Cuộc sống thực sự của Hà Nội bắt nguồn từ văn hóa của nó, và chính qua văn hóa này, người dân tiếp tục sống, phát triển và đóng góp vào di sản vĩnh cửu của thành phố.

Mặt Phố – Mặt Chùa – Mặt Chợ – Phố cổ Hà Nội một Mặt Khác

Ba nghệ sĩ, ba khuôn mặt, ba quan niệm, ba hình thức thể hiện, ba cái tên tạo nên: mặt Phố, mặt Chùa, mặt Chợ. Ba người con của phố ngồi với nhau suốt ba chục năm, theo đuổi ba con đường nghệ thuật khác nhau trong suốt ba thập kỷ. Họ yêu quý, tôn trọng và trân trọng nhưng chưa bao giờ giống nhau. Ba khuôn mặt, ba tính cách, ba nghề nghiệp nhưng cùng chung một tình yêu với nơi họ sinh ra, lớn lên và vẫn đang dung dưỡng họ.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 3

Tác phẩm của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt.

 

Một người thì quả quyết về “Con giai phố cổ”; một người thì “lặng lẽ một cách ồn ào” coi ngôi nhà giữa phố, gần chùa như là tính cách, như là lời khẳng định tình yêu phố; một người thì loay hoay chứng minh cho bản thân và bạn bè rằng phố đã và mãi mãi là tinh hoa chân quý trong các món đồ vụn.

Phố cổ mang trong lòng nó rất nhiều điều, nhiều đến mức như một cái bảo tàng: từ di sản đô thị cho đến tín ngưỡng, nghề nghiệp, kiến trúc và ẩm thực. Trong triển lãm lần này, ba tác giả cũng chỉ chạm được vào phần giản lược nhất của những con phố Hà Nội.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 4

Tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương.

 

Chia sẻ quan niệm về “mặt”, mặt người và mặt phố nhà văn Nguyễn Việt Hà cho hay: “Bói toán nghìn năm ở phương Đông khi định lượng người ta, hoàn toàn chỉ dựa vào số và tướng. ‘Tướng’ nôm na là những thứ ‘mặt’. Ở người nó có thể đơn giản nằm ở đầu, ở chân tay nhưng đôi khi tinh tế nằm ở cách đi cách đứng, đại loại là cách sống. Các cụ bảo ‘trông mặt mà bắt hình dong’ nên mặt phố cũng mang ‘nhân diện’ của những người sống ở đó. Phố mà có đông người sang, chắc chắn luôn phảng phất một sự cao quý nào đấy. Ơn giời, Hà Nội giờ đây vẫn còn vài con phố như vậy”.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 5

Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Việt Hà.

 

Sự khác biệt trong sự xưa, cũ, cổ

Triển lãm Otherwise – Mặt khác của ba nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Đinh Công Đạt, và Nguyễn Việt Hà không nhắm đến việc đem đến những ý tưởng nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ để tôn vinh Hà Nội mà thay vào đó, các nghệ sĩ đã lựa chọn sử dụng lại các yếu tố truyền thống và kỹ thuật quen thuộc. Việc viết các câu văn kinh điển, những tên phố cổ hay các hoa văn truyền thống lên mặt nạ, từ giấy bồi đến gốm và thậm chí là vàng, đã tạo nên sự kết nối sâu sắc và tôn vinh những giá trị cổ xưa của Hà Nội.

Các nghệ sĩ mong muốn mang lại quan điểm khác biệt trong các tác phẩm nghệ thuật của mình là điều mặc định. Chính sự mong mỏi, cố gắng, và quan điểm về sự khác biệt nên các tác phẩm nghệ thuật thuộc mọi thể loại luôn đưa ra cho công chúng sự mới mẻ hay ngạc nhiên.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 6

Các tác phẩm tôn vinh sự đa dạng và sự phong phú của thành phố Hà Nội ngàn năm lịch sử.

 

Tuy nhiên, trong triển lãm, ba nghệ sĩ đã tiếp cận khác, đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm sáng tác thông thường. Thay vì những ý tưởng mới mẻ, ba nghệ sĩ đã không cố tạo ra sự khác biệt mà đã sử dụng lại các yếu tố quen thuộc và kỹ thuật truyền thống để truyền đạt thông điệp của mình. Hoặc nói một cách khác, họ tạo ra sự khác biệt bằng chính những hình thức cũ kĩ, chủ đề cũ kĩ, và đối tượng nghệ thuật cũ kĩ.

Nguyễn Việt Hà viết câu văn từ sách đã in của mình lên những chiếc mặt nạ của chính bản thân mình, Lê Thiết Cương dùng các câu kinh đã từng viết lên gốm, còn Đinh Công Đạt là những ô màu, những hoa văn hoạ tiết từ các con phố và món ăn quen thuộc.

Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt khi đứng chung trong một khung hình nghệ thuật - 7

Công chúng tham quan triển lãm.

 

Tên những con phố cổ, những món ăn ẩm thực truyền thống, những câu văn kinh điển, những câu kinh linh thiêng, được viết trên những gương mặt phố cổ, bởi hình thức kĩ thuật siêu truyền thống, tất cả chỉ nhằm “thần thánh hoá Hà Nội”, những con phố, những món ăn, những con người Hà Nội.

Triển lãm Otherwise – Mặt Khác tôn vinh sự đa dạng và sự phong phú của thành phố Hà Nội ngàn năm lịch sử. Đến với triển lãm, công chúng sẽ cảm nhận được rằng Hà Nội không chỉ là một địa danh với những danh thắng và kiến trúc đẹp mà còn là một thế giới văn hóa sâu sắc và đa chiều, nơi mà mỗi con người và mỗi đường phố đều mang trong mình một câu chuyện đầy ý nghĩa và sự đặc biệt riêng biệt. Bằng sự đam mê và tâm huyết của mình, ba nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt đã làm nổi bật những giá trị tinh túy của Hà Nội và góp phần làm cho thành phố này trở thành một biểu tượng vĩnh cửu, chứa đựng những con người và những câu chuyện văn hóa không thể nào quên được.

Triển lãm diễn ra từ ngày 13/9 – 11/10 tại Hội quán Quảng Đông, 22 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Workshop Chế tác Mặt nạ diễn ra lúc 15h00, ngày 15/9.

Trước những hậu quả nghiêm trọng mà cơn bão Yagi đã gây ra tại Việt Nam, Ban tổ chức triển lãm “Otherwise – Mặt Khác” cùng với các nghệ sĩ tham gia triển lãm công bố: Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ được ủng hộ vào Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô (Công an TP Hà Nội).

Huyền Thương