Trong các nghị quyết mang tầm chiến lược của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước”, đề ra mục tiêu cụ thể quan trọng hàng đầu là “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước” (Diễn đàn Văn học nghệ thuật, 2012, Phát triển văn học nghệ thuật vì nhân cách con người, Đào Duy Quát, trang 12.)
Những giá trị về con người mới trong thời đại hôm nay được xác định cụ thể trong nghị quyết của Đảng. Những giá trị ấy là những vẻ đẹp đằm sâu, nằm trong từng mạch vỉa của văn hoá người Việt ta. Thông qua sự chuyển tải của văn học nghệ thuật về con người, văn hóa ở từng địa phương nói riêng đã góp phần xây dựng nên những giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam trong thời đại mới với khát vọng và niềm tin vươn lên đổi mới và hội nhập. Các giá trị này được phản ánh, thể hiện qua hệ thống các tác phẩm văn học nghệ thuật phong phú ở nhiều góc độ khác nhau, với các thể loại như văn, thơ, nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, nghiên cứu văn nghệ dân gian, sân khấu, kiến trúc, điêu khắc…
Văn học nghệ thuật đã khắc họa hệ giá trị con người thời đại
Đối với tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng từ năm 1997, sau khi tái lập tỉnh, tập thể Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang và hội viên đã xuất bản khoảng trên 1000 cuốn sách, tạo nên dấu ấn về vùng đất và con người Bắc Giang đậm đà bản sắc địa phương.
Vùng đất Kinh Bắc thượng tức vùng Bắc Giang (thuộc miền thượng nguồn của vùng Kinh Bắc) là vùng đất khoa bảng, nơi mà Nho giáo và nền Hán học phát triển sớm vang danh “người văn, đất võ”.
Những tác phẩm văn học nghệ thuật trong thời kỳ đổi mới đã có điều kiện để nghiên cứu và khảo cứu những dấu ấn truyền thống khoa bảng của người Bắc Giang qua nhiều thời kỳ. Trong 2 tập sách Văn – Thơ Bắc Giang thế kỷ XX, do NXB Hội Nhà văn ấn hành vào năm 2002, với 500 tác phẩm, đã phác thảo nên một bức tranh đậm nét về truyền thống khoa bảng, miền đất văn chương với danh sách và tác phẩm của các Tiến sĩ, Trạng nguyên, nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của cả nước là người Bắc Giang, và lực lượng văn nghệ sĩ Bắc Giang.
Đó là, Tiến sĩ Thân Nhân Trung (ở Việt Yên), Đình nguyên Nguyễn Đình Tuân (ở Hiệp Hòa), Nguyễn Khắc Nhu – đỗ đầu xứ (người Yên Dũng), nữ sĩ Tương Phố (người ở Lục Ngạn), thi sĩ Bàng Bá Lân (người ở Phủ Lạng Thương), họa sĩ Tạ Thúc Bình (người ở Lạng Giang), nhà văn Nguyên Hồng (ở Yên Thế)… Chân dung con người ưu tú như nhà sử học Ngô Sĩ Liên, anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, nhà văn Nguyên Hồng,… được thể hiện qua tác phẩm điêu khắc bằng các chất liệu gốm, đồng…
Ngay từ trong chiến đấu qua các cuộc kháng chiến đã có những con người xuất chúng trên mảnh đất Yên Thế như Đề Nắm, Đề Sặt và Hoàng Hoa Thám… Rồi khi cách mạng thành công, con gái của Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Thế từng là một diễn viên ở Pháp đã dời bỏ hết cuộc sống sung túc trời Âu trở về đất nước cùng sống với những người dân của Bắc Giang. Bà trở thành người thủ thư đầu tiên ở thư viện Bắc Giang trong thời kỳ những năm 60 (từ năm 1963).
Một số tác phẩm văn học nghệ thuật về Bắc Giang
Cuộc sống của bà và những chặng đường của cuộc kháng chiến Bắc Giang được tái hiện trong tập hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu được nhà thơ Hoàng Cầm dịch từ tiếng Pháp ra với bút danh Hoàng Kỳ Anh. Năm 2017, nhà xuất bản Khoa học Xã hội đã tái bản quyển sách này, dày 200 trang. Đây là quyển sách quý giá dành tặng cho những ai quan tâm và yêu thích lịch sử Việt Nam. Họ là đại diện cho những vị anh hùng của cuộc khởi nghĩa nông dân thời kỳ của cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hình ảnh những con người Bắc Giang mang tinh thần kiên cường, anh dũng ấy được nhà nghiên cứu, kịch bản sân khấu Huy Cờ, dày công viết nên những tập tiểu thuyết viết tiêu biểu về hệ thống anh hùng đất Yên Thế là tiểu thuyết Người hùng tam tỉnh, bộ tiểu thuyết 4 tập Rừng Thiêng Yên Thế, NXB Văn hoá thông tin, năm 2013.
Nếu có một nữ anh hùng, diễn viên xuất sắc của thời đại là bà Hoàng Thị Thế của thế kỷ XIX, thì nữ sĩ Anh Thơ là có thể là đại diện phụ nữ Bắc Giang của đầu thế kỷ XX. Bà là người phụ nữ làng văn chương đất Việt của những năm 1930, được mệnh danh là một gương mặt lạ đến từ “Bến sông Thương”. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân đã viết: “Cứ xem văn của Anh Thơ ai cũng bảo là người có học”. Chính vì lẽ đó mà nữ sĩ Anh Thơ sớm giác ngộ cách mạng, trở thành “nhà thơ cộng sản”.
Bà đã xuất hiện trong phong trào thơ mới, tham gia cách mạng từ năm 1945, từng làm Bí thư huyện Hội Phụ nữ 4 huyện Việt Yên, Lục Ngạn, Bắc Sơn, Hữu Lũng… Tình yêu thiên nhiên quê hương đất nước đậm sâu trong những tác phẩm của nữ sĩ Anh Thơ đã tạo nên niềm tự hào của người Bắc Giang về bà. Nữ sĩ Anh Thơ viết nhiều về hình ảnh người phụ nữ Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến như: “Gió nâng tiếng hát bên đèo/ Cả rừng hoa nở bay theo dáng người” trong bài Chị cán bộ kháng chiến; hay trong bài Cô giáo kháng chiến có câu: “Tôi đi trong lớp người quê/ Đang say chiến đấu hướng về tương lai/ Nhìn vui qua ánh đèn cười/ Có cô xây dựng lớp người mai sau”.
Nữ sĩ Anh Thơ vừa là đại diện cho lớp phụ nữ hiện đại Bắc Giang, sáng ngời một vẻ đẹp trí tuệ văn chương và anh dũng, kiên cường tham gia các hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng thời cũng trong tác phẩm thơ của bà đã vẽ lên chân dung của vùng đất, con người Bắc Giang ở mọi giai tầng trong cuộc sống kháng chiến. Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang đã xuất bản tập thơ của Anh Thơ đạt giải thưởng Nhà nước đợt 1- 2001.
Hình tượng con người Bắc Giang ở các lĩnh vực lao động, sản xuất công nông nghiệp, giáo dục, khoa học… hay công nhân, dân công hoả tuyến trên các tuyến đường lấp hố bom, bắc cầu cho xe quân sự đi qua như qua sông Thương, sông Lục Nam… được hiện rõ trong tác phẩm điêu khắc như Tượng đài chiến thắng không quân Mỹ bên sông Thương, Tượng đài chiến thắng ở ngã ba Kép, Lạng Giang là biểu trưng cho tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân Bắc Giang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Và mới nhất là bức phù điêu bằng gốm Bác Hồ với cán bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang tại khán đài B của sân vận động Bắc Giang (tác giả họa sĩ Lưu Xuân Khuyến sáng tác năm 2024.
Trong cuộc chiến thời đại gần nhất của Bắc Giang là cuộc chiến với Covid-19, hình ảnh con người Bắc Giang từ người dân đến các lực lượng quân đội, công an, y bác sĩ, doanh nghiệp… được hiện hữu rõ nét sự anh dũng, kiên cường hòa cùng tinh thần tương thân tương ái để cùng nhau vượt qua thử thách của tâm dịch. Tinh thần kiên cường, tương thân tương ái ấy được phản ánh rõ nét trong tập sách Bắc Giang – Những ngày chống dịch với nhiều loại hình văn học nghệ thuật được xuất bản năm 2022 với hơn 200 truyện ngắn, thơ, bản nhạc, nhiếp ảnh, kịch, tranh… về hình ảnh người Bắc Giang chống dịch và giúp đỡ các địa phương khác.
Qua các tác phẩm văn học nghệ thuật được công bố và xuất bản đã phản ánh hình ảnh người lao động hòa mình trong sắc màu cây trái khi chăm sóc vườn nho, hái vải thiều đêm ở vùng Lục Ngạn, Tân Yên; từng xe bưởi Diễn, cam Canh từ ruộng đẩy lên bờ… Hay trên cánh đồng lúa bát ngát có những xe gặt lúa tự động được chế tạo, gia công ra từ bàn tay khối óc của người địa phương cho phù hợp với điều kiện lao động sản xuất; những tâm tư, hình ảnh về con người công cuộc dồn điền đổi thửa, làm đường nông thôn mới ở Bắc Giang được phản ánh qua văn học nghệ thuật…
Những đôi bàn tay và gương mặt, cuộc đời người nông dân, nghệ nhân gắn với những câu chuyện sáng tạo, cần cù để thoát nghèo trong những làng nghề như mây tre đan ở Phúc Tằng (Việt Yên), làng nghề làm bánh chưng, làng trồng rau cần ở Hiệp Hoà, làng nghề bánh đa Kế ở thành phố Bắc Giang, làng nghề làm mỳ Lục Ngạn, nghề thêu vải thổ cẩm ở Sơn Động…
Hình ảnh con người Bắc Giang hiện hữu qua nhiều góc độ phản ánh của văn học nghệ thuật đã nâng lên thành hình tượng, tạo ra hệ tư tưởng giá trị đạo đức, lối sống của con người mới với những thành tích khoa bảng, sự cần cù, sáng tạo trong lao động; tinh thần anh dũng, kiên cường trong gian khó thử thách, giàu tình nghĩa, đoàn kết trong cuộc sống…
Vật Cầu Nước làng Vân – Giải nhất cuộc thi ảnh đẹp du lịch Bắc Giang lần thứ nhất năm 2019 của tác giả Trần Tuấn.
Văn học nghệ thuật phản ánh đời sống con người đậm đà bản sắc dân tộc
Mỗi vùng miền của quê hương lại có những hoạt động văn hóa truyền thống đậm nét riêng vào dịp lễ hội. Những loại hình nghệ thuật truyền thống phong phú được bảo tồn và phát huy trong thời đại hôm nay đã tạo nên nét đẹp của người Kinh Bắc thượng như: nét duyên dáng, trữ tình của liền anh liền chị hát quan họ ở Việt Yên; Hát ống, hát ví tình tứ, dí dỏm thông minh của vùng Tân Yên với những câu ca như: Mong em hết đứng lại ngồi/ Lòng anh trống vắng bồi hồi lẻ loi/ Hôm nay gặp mặt nhau đây/ Ống cầm em hát trả lời anh đi; nét uyển chuyển và mạnh mẽ với những tiết tấu hào sảng trong diễn tuồng, hay hình ảnh người trai làng Vân với vóc dáng khoẻ mạnh cường tráng với tinh thần thượng võ trong Hội Vật cầu nước làng Vân…; những chiếc thuyền đua bơi chải mang sắc màu rực rỡ của dân làng Mai trong Hội bơi chải truyền thống ở Hiệp Hoà… Tất cả những bản sắc truyền thống của những vùng quê này được lưu trữ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, thể hiện rõ nhất ở loại hình văn nghệ dân gian, sân khấu, thơ, âm nhạc
Lễ hội truyền thống cũng là dịp để văn nghệ sĩ có nhiều cảm hứng sáng tác, ghi lại những hình ảnh nghệ thuật, nghiên cứu sâu sắc các hoạt động văn hoá truyền thống Bắc Giang. Qua đó, hình ảnh con người Bắc Giang ở các vùng miền Bắc Giang được hiện hữu với vẻ đẹp truyền thống mang bản sắc riêng của vùng Bắc Giang; bên cạnh đó ở huyện như Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế có các dân tộc thiểu số là người Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí, Sán Dìu lại có phong trào bảo tồn văn hóa dân tộc qua những trang phục và hội hát dân ca, nghi lễ…
Đến nay, Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang đã tổ chức xuất bản 9 tập sách về nghiên cứu, sưu tầm về các di tích, di sản vật thể và phi vật thể của Bắc Giang, nghiên cứu về văn hoá của đồng bào dân tộc vùng cao là trang phục, cưới hỏi, lễ hội, dân ca… là sâu sắc vùng đất giàu tiềm năng với những nét ưu việt trong bản sắc văn hóa truyền thống và đương đại.
Phát triển văn học nghệ thuật để xây dựng con người mới với khát vọng và niềm tin
Văn học nghệ thuật được xác định có vai trò quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển hoàn thiện nhân cách, đạo đức lối sống tốt đẹp của con người. Đồng thời, thông qua các sáng tác văn học nghệ thuật cũng phản ánh sinh động đời sống đa chiều thực tiễn. Để phát triển con người Việt Nam nói chung và con người ở từng địa phương nói riêng trong sự phát triển và hội nhập hôm nay, rất cần hiểu rõ được những điểm mạnh để phát huy, điểm yếu và những khó khăn cản trở để cải tạo và vượt qua. Cuộc sống luôn có sự đấu tranh của hai mặt tích cực và hạn chế, con người luôn đấu tranh với cái xấu và để vươn tới cái đẹp.
Tiết mục nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ I (17/10/1963-17/10/2023).
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của văn học nghệ thuật với quá trình xây dựng con người mới nói chung và con người ở các địa phương trong cả nước nói riêng trong thời kỳ phát triển, trước hết đội ngũ văn nghệ sĩ phải phấn đấu là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa văn nghệ. Cần bám sát thực tiễn cuộc sống sinh động trong công cuộc đổi mới, tìm được những cảm xúc, sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng nghệ thuật thấm nhuần tính nhân văn dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người. Các tác phẩm văn học nghệ thuật hướng tới những nhân tố tiêu biểu của thời kỳ mới ở địa phương trong mọi lĩnh vực đời sống; cổ vũ cái đúng, cái tốt đẹp trong mối quan hệ con người với con người trong đời sống xã hội, đồng thời cần lên án phê phán thói hư tật xấu của con người… để bài trừ, thanh lọc những sự “ô nhiễm” xuất hiện trong môi trường văn hóa.
Trong suốt những năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, văn nghệ sĩ đã gắn liền chủ trương của nghị quyết vào bối cảnh địa phương trong những kế hoạch, mục tiêu và khát vọng vươn lên trong phát triển kinh tế, đồng thời chú trọng bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa bản địa; phát triển đô thị; thực hiện các quy hoạch vùng miền phát triển trọng điểm về cây ăn quả, nông sản, công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Chính vì vậy, các sáng tác văn học nghệ thuật của Bắc Giang suốt thời gian qua có chủ đề cụ thể là hướng tới vẻ đẹp tiềm năng của vùng đất, văn hoá, con người trong các phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Xây dựng nông thôn mới, thực hiện khát vọng mới… Từ đó cũng là hệ thống xuyên suốt về tư tưởng để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
Trong giai đoạn hiện nay, thời điểm “bản lề” của công tác chuẩn bị nhân sự, báo cáo kết quả của các địa phương về sự phát triển kinh tế – văn hóa và đời sống của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2020-2025), văn hóa được nhận diện với những giá trị quan trọng và được coi trọng hơn bao giờ hết đối với hệ giá trị con người. Văn hóa là đạo đức, là tinh thần ý chí quyết tâm gạt bỏ được cái xấu, cái tư lợi để cống hiến và xây dựng một xã hội phát triển tốt đẹp.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết, khái quát giá trị con người Việt Nam gồm: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị con người Việt Nam là nội dung cấu thành quan trọng nhất, quyết định nhất chất lượng nhân lực và nguồn lực con người trong mọi thời đại.
“Vùng đất Kinh Bắc thượng tức vùng Bắc Giang (thuộc miền thượng nguồn của vùng Kinh Bắc) là vùng đất khoa bảng, nơi mà Nho giáo và nền Hán học phát triển sớm vang danh “người văn, đất võ”. Đối với tỉnh Bắc Giang, chỉ tính riêng từ năm 1997, sau khi tái lập tỉnh, tập thể Hội Văn học nghệ thuật Bắc Giang và hội viên đã xuất bản khoảng trên 1000 cuốn sách, tạo nên dấu ấn về vùng đất và con người Bắc Giang đậm đà bản sắc địa phương.
Nguyễn Thị Thu Hà