Những con số gõ búa hiện tại từ các phòng tranh chuyên nghiệp đến các phiên đấu giá uy tín không chỉ chứng minh giá trị tác phẩm, mà còn khẳng định tiềm lực của thị trường trong nước. Có thể thấy, giá trị của nghệ thuật đương đại trong nước đang đáng để khai thác.
Nhà đấu giá Christie’s tổ chức buổi trò chuyện về nghệ thuật tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San
Niềm tin và dòng tiền
Hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924-2024, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), nhà đấu giá Le Auction House (Hà Nội) tổ chức phiên đấu giá Nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20 vào giữa tháng 3 vừa qua, thu hút đông đảo nhà sưu tập tham dự. Tổng kết phiên đấu giá với hơn 200 tác phẩm được giới thiệu, ghi nhận tỷ lệ gõ búa đạt 140/142 lot thành công. Trong suốt phiên đấu, các nhà sưu tập trực tiếp, chuyên viên đấu giá được ủy quyền và hệ thống đấu giá online kết hợp với cổng trực tuyến quốc tế liên tục đưa ra các mức tăng nhảy vọt… Đáng kể, có tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm, thời gian ra giá kéo dài hơn 5 phút.
Nhà sưu tập H.V. chia sẻ: “Tôi tham gia rất nhiều phiên đấu giá tranh Đông Dương nhưng đều ở nước ngoài, đây là lần đầu tiên tôi tham gia với một nhà đấu giá trong nước. Mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng lần này tôi thấy sự chuyên nghiệp và minh bạch trong khâu tổ chức, ít nhất là giá trị không bị thổi phồng”. Về phía nhà đấu giá Le Auction House, dù không chia sẻ tổng doanh thu của phiên đấu này, nhưng ông Lê Quang (đại diện Le Auction House) bày tỏ: “Thành công của phiên đấu giá này giúp thị trường tranh trong năm 2024 thêm sôi động, nhất là thị trường giao dịch trong nước. Tháng 5 này, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc triển lãm với nhiều tác phẩm hiếm của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương qua các thời kỳ”.
Dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng chính niềm tin về sự chuyên nghiệp của thị trường trong nước, một dòng tiền chảy vào thị trường nghệ thuật không phải là điều không thể. “Tất nhiên, mọi thứ sẽ có sự chững lại khi nền kinh tế đang khó khăn, nhưng không có nghĩa là thị trường giao dịch tác phẩm hội họa không có đột phá. Phiên đấu giá đủ uy tín, chuyên nghiệp thì không chỉ là nhà sưu tập trong nước mà các nhà sưu tập nước ngoài biết đâu cũng làm nên kỷ lục triệu đô (USD) cho tranh Việt”, nhà sưu tập H.V. chia sẻ thêm.
Chuyên nghiệp từ không gian trưng bày
Để từng bước căn cơ hình thành thị trường nghệ thuật chuyên nghiệp, sự có mặt của các không gian như bảo tàng nghệ thuật tư nhân, phòng trưng bày… là không thể thiếu nhằm tạo nên sự bài bản cho tác phẩm và người thực hành sáng tạo, cũng như làm cầu nối cho nhà sưu tập tiếp cận thị trường, tác phẩm và nghệ sĩ.
Hơn một năm đi vào hoạt động, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (TPHCM) khẳng định vai trò cầu nối chuyên nghiệp. Bảo tàng lần lượt đón tiếp và tổ chức các buổi trò chuyện về nghệ thuật cùng bà Sophie Maysonnave – Tham tán Hợp tác và Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam; bà Hoàng Diệu Quỳnh – Phụ trách Dự án & Đối tác của Viện Pháp tại Việt Nam. Vừa qua, bảo tàng cũng đã phối hợp cùng nhà đấu giá Christie’s (Anh) tổ chức buổi trò chuyện chủ đề “A COLLECTOR’S JOURNEY – Hành trình của một nhà sưu tập”. Đây cũng là sự kiện đầu tiên mà nhà Christie’s tổ chức tại Việt Nam.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: “Tiềm năng kinh tế, giá trị nghệ thuật Việt trong nước của chúng ta không thiếu, thậm chí lực đã đủ mạnh. Nhưng cái chính là cách vận hành thị trường phải đáp ứng những bước căn cơ, chuyên nghiệp để thu hút nhà sưu tập, nhà đấu giá quốc tế. Nhà đấu giá Christie’s không phải là đơn vị đầu tiên, theo tôi được biết, nhà đấu giá Millon (Pháp) đơn vị từng nắm giữ ấn “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn, vừa rồi cũng mong muốn đặt vấn đề về cơ sở giao dịch tại Việt Nam”.
Trong vòng xoáy thị trường, trị giá một lần nữa khẳng định giá trị tác phẩm và khai thác hiệu quả tiềm lực cho tiến trình công nghiệp văn hóa. Nhưng đường dài phải có bước đi vững, thị trường vận hành chuẩn phải đảm bảo những yếu tố căn cơ một cách chuyên nghiệp, lực đủ mạnh nhưng cơ chế cũng phải đủ bài bản thì sức bật mới có thể vươn xa.
Tháng 3-2023, nhà đấu giá Sotheby’s (Hồng Công) bổ nhiệm giám tuyển Ace Lê trở thành Giám đốc thị trường Việt Nam, đây là lần đầu tiên sàn đấu giá quốc tế bổ nhiệm giám đốc thị trường riêng cho tranh Việt là người Việt Nam. Tháng 3-2024, Millon (Pháp) chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội với tên gọi Millon Việt Nam và bổ nhiệm ông Hoàng Duy Cương ở vị trí giám đốc. Có thể thấy “lực” của thị trường trong nước đã “đủ” để các “ông lớn” quốc tế bắt đầu tính đặt văn phòng đại diện. Ngày 20-4 tới đây, Millon tổ chức phiên đấu giá theo hình thức đấu giá “duplex” song song cùng lúc hai đầu Việt Nam và Pháp, do ông Alexandre Millon – Tổng Giám đốc Millon Pháp điều hành trực tiếp đầu đấu tại Hà Nội, Việt Nam.
HỒNG DƯƠNG
Nguồn: Báo điện tử Sài Gòn Giải phóng