Họa sĩ Mai Long, người nghệ sĩ đa tài của Khoá Kháng chiến vừa từ giã cõi trần ngày 21/07/2024. Ông để lại cho cuộc đời một di sản nghệ thuật quý giá, từ tranh lụa đầy chất thơ tới những bộ phim hoạt hình giàu nhân văn, ghi dấu đậm nét trong lòng người mộ điệu.
Họa sĩ Mai Long sinh năm 1930 tại Hải Phòng, quê gốc Nam Định. Từ thuở thơ ấu, ông đã bộc lộ niềm đam mê với hội họa. Sau khi hoàn thành bậc học phổ thông, ông quyết tâm theo đuổi con đường nghệ thuật và là một trong những họa sĩ tiêu biểu của Khóa Kháng chiến. Cùng với 11 họa sĩ khác gồm Đào Đức, Lê Huy Hòa, Trọng Kiệm, Ngô Mạnh Lân, Lê Nguyên Lợi, Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, Dư Tá, Trịnh Thiệp, Kim Vinh và Thế Vỵ, họa sĩ Mai Long trúng tuyển đợt 1 vào tháng 1 năm 1950 tại Thái Nguyên. Trong thời gian này, ông được dìu dắt bởi danh họa Tô Ngọc Vân. Sau khi tốt nghiệp năm 1954, ông tiếp tục theo học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội niên khóa 1961 – 1966.
Họa sĩ Mai Long (1930 – 2024)
Sau khi tốt nghiệp, Mai Long về công tác tại Xưởng Phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (nay là Hãng phim Hoạt hình Việt Nam). Ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển ngành phim hoạt hình của nước nhà. Cụ thể, Mai Long là họa sĩ chính thực hiện bộ phim “Bài ca trên vách núi” – phim hoạt hình màu đầu tiên của Việt Nam do đạo diễn Trương Qua thực hiện vào năm 1967.
Tác phẩm “Bắt cá”. Mực và màu trên lụa. 57.8 x 39.5 cm
Một tác phẩm màu nước trên giấy được họa sĩ Mai Long sáng tác về khung cảnh quân dân hoan ca.
Mai Long sáng tác nhiều chất liệu từ phấn màu, sơn dầu, sơn mài, lụa, nhưng tranh lụa của ông được yêu thích hơn cả. Hoạ sĩ Mai Long từng chia sẻ: “Tính cách, tâm thế của tôi rất hợp với tranh lụa. Bản chất nghệ thuật của tôi là sự tưởng tượng lãng mạn trong tranh. Lụa tạo ra sự lan toả, màu sắc huyền ảo, làm cho những chủ đề tôi khai thác đi được đúng hướng và có hiệu quả cao”.
Tác phẩm “Chân dung thiếu nữ”. Mực và màu nước trên lụa.
Tác phẩm “Mẹ và con”. Mực và màu nước trên lụa. 61.2 x 40 cm.
Các tác phẩm vẽ trên lụa của ông đậm chất thơ, lãng mạn và trữ tình. Với tinh thần thừa kế mỹ thuật truyền thống nhưng không ngừng sáng tạo và làm mới, hội hoạ của Mai Long đạt tới sự dung dị trong bút pháp và thư thái trong xử lý màu sắc. Ông vẽ nhiều chủ thể và tìm mình trong nhiều trường phái, chỉ cần đó là con đường của cảm xúc. Bởi vậy mà non nước, cảnh vật Việt Nam hiện ra trong nhiều quang cảnh giàu tính gợi như trong sớm sương mờ hay hoàng hôn rực đỏ một góc trời. Ông cũng thường đặc tả chân dung người phụ nữ, có khi lại là những khúc quanh trong đời nhân vật chính của các kiệt tác thi ca Việt. Dẫu vậy, với chủ đề nào đi chăng nữa, tranh lụa của Mai Long vẫn luôn tìm được một lối đi riêng, gợi lại trong lòng người xem nhiều dư âm chân thành.
Tác phẩm trừu tượng trên lụa được sáng tác bởi họa sĩ Mai Long.
94 năm ròng rã với cuộc đời và nhiều năm trong thế giới hội họa, họa sĩ Mai Long đã có một cuộc đời và sự nghiệp sáng tác đầy thăng trầm nhưng cũng rất đáng tự hào. Ông đã dùng tài năng và trái tim của mình để khắc họa nên những bức tranh phản ánh chân thực cuộc sống và tinh thần dân tộc. Di sản nghệ thuật của ông mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận cho các thế hệ sau. Trong từng nét cọ, từng bức tranh không chỉ là tài năng mà còn là cả tâm hồn, tình yêu nghệ thuật và tình yêu quê hương sâu sắc của một nhân cách lớn.
Lê Quang