TRANH NGỰA LÊ TRÍ DŨNG: NÉT ĐẸP CỦA Ý CHÍ, SỨC MẠNH VÀ CẢM THỨC TRONG ĐỜI SỐNG

Nội dung chính

Họa sĩ Lê Trí Dũng sinh năm 1949 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1972. Cha ông, Lê Quốc Lộc, là một danh họa sơn mài được vinh danh với nhiều sáng tác về bình dị phong cảnh Việt Nam. Đi cùng tình yêu hội họa từ nhỏ, con đường sáng tác nghệ thuật của Lê Trí Dũng thụ hưởng cả ảnh hưởng của cha và họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm để từ đó tiến đến một vùng đất vẽ ngựa đầy tự do, phóng khoáng nơi mình ông ghi đậm dấu ấn của mình.

Chân dung hoạ sĩ Lê Trí Dũng bên tác phẩm sơn mài của cha hoạ sĩ: Lê Quốc Lộc

Nhắc đến Lê Trí Dũng là người ta nhớ về tranh ngựa. Dù trước đó ông đã từng vẽ nhiều tác phẩm về hiện thực tàn khốc của chiến tranh cũng như tham gia nhiều triển lãm lớn tập trung vào đề tài này ở Mỹ và Úc song cho tới nay đề tài tranh ngựa vẫn song hành cùng ông như một người bạn tâm giao không thể thiếu. Khởi thủy một cách tình cờ, vừa thực như khi nhận ra hình ảnh tình cảm của con ngựa phía sau hai nhân vật chính trong bức “Quân doanh Từ Công”, vừa diệu huyền như cách một chú ngựa Ô thuần Việt đèo bó sen trên lưng tìm đến ông vào đêm đông Nhâm Ngọ 2002, từ đó tới nay Lê Trí Dũng đã vẽ ra cả ngàn con ngựa. Tranh ngựa của ông muôn hình vạn trạng, không lẫn đi đâu được và mỗi con lại mang một nỗi niềm khác nhau.

Bức họa “Đạp cỏ tầm trăng”(2024) Acrylic trên toan 100 x 100 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

Bức họa “Người ngựa” acrylic trên toan bồi giấy Giang 40 x 80 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

Cụ thể, Lê Trí Dũng vẽ Bạch Mã, Xích Thố, Đốm Hoa, Ngựa Hồng, Hoàng Kim Mã với sức hút mãnh liệt: lúc đi đơn lẻ, lúc song hành, lúc tứ mã, bát mã hoặc cả một đàn hùng dũng chạy về một hướng. Chúng vừa sung sức trong yên gấm, đai vàng, dây cương tung hoành trong gió, vùng vẫy phi chạy, tung vó, tung bờm nhưng cũng vừa lãng mạn như khi cõng thêm cành mai, cành đào đáo xuân, như khi vương vấn hương sen thơm đồng nội hay khi vọng nguyệt đêm thu. Cả khi chúng phong ba sương gió, giằng xé, buồn bã, Lê Trí Dũng đều gom lại truyền tải vào tranh cái nội tâm rất đời mà cũng rất người ấy.

 

Bức họa “Những đám mây nâu” (2017) mực nho trên giấy dó 50 x 70 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

 


Bức họa “Giấc mơ đỏ” (2024) Acrylic trên toan bồi giấy Giang 40 x 80 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

Bức họa “Đi săn” acrylic trên toan bồi giấy Giang 40 x 80 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

 


Bức họa “Nhân mã” acrylic trên toan 30 x 30 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

Những chú ngựa mà ông vẽ có lúc đến từ trải nghiệm đời thường, có khi lại phóng nước đại ra từ những áng văn thơ bao đời với chất sử thi hùng tráng. Đó là hệ thống hình ảnh gần gũi, đã gắn liền với văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và trong đời sống nhiều người từ khi còn nhỏ. Đồng thời ngựa trong niềm tin Á Đông cũng là biểu tượng quen thuộc đại diện cho sức mạnh, may mắn và phước lành.

Ở Lê Trí Dũng, cái hay nằm ở chỗ ông chưa bao giờ gò bó mình với một chất liệu. Tranh ngựa của ông đa dạng sắc thái, tạc lên từ giấy xuyến chỉ, bút nhũ trên bìa đen, bìa cứng cho đến nhiều vật liệu khác nhưng đa phần vẫn là mực nho, điểm màu trên giấy Dó. Ông say mê vẽ ngựa mọi lúc, mọi nơi như thể chính mình cũng đang là một chiến mã tự do, làm điều mình yêu thích và kiểm soát chất liệu triệt để.

Bức họa “Mùa đông tới” (2024) Acrylic trên toan 40 x 40 cm, họa sĩ Lê Trí Dũng

Với một số lượng tác phẩm đồ sộ vẽ ngựa giàu ý chí tự do, hùng dũng, thanh thoát và sâu lắng trong từng nét vẽ, mỗi tác phẩm của Lê Trí Dũng là một lần đối thoại, phơi bày những suy tư và cảm thức về đời sống xung quanh. Vượt qua giới hạn của một đề tài, tranh ngựa của ông dần dần đã trở thành biểu tượng của khát vọng, sự bền bỉ và là di sản cảm xúc, in sâu vào tâm hồn người mộ điệu.

 

Lê Quang